Ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long
Trước những tác động của biến đổi khí hậu tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, cần có một chiến lược với nhiều giải pháp đồng bộ để ứng phó một cách toàn diện.
Nêu ý kiến tại phiên họp của Tổ 6 ngày 26/10, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho hay, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ưu tiên nhiều nguồn lực cho việc liên kết và phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển giáo dục, củng cố kết cấu hạ tầng… Đây là những vấn đề đại biểu đề cập nhiều lần ở trong các kỳ họp Quốc hội.
Theo đại biểu, năm 2023, Chính phủ cũng quan tâm phân bổ thêm cho Đồng bằng sông Cửu Long trên 4.000 tỷ đồng để khắc phục vấn đề sạt lở của vùng. Gần đây nhất, tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Hà Tiên sẽ được khởi công vào năm 2026 là một điều đáng mừng cho vùng.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị Chính phủ tập trung các giải pháp để tháo gỡ khó khăn và triển khai 16 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng cho phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.
Chia sẻ những tác động của biến đổi khí hậu tới Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, mực nước biển dâng cao do tan băng ở Bắc Cực dẫn đến ngập lụt, xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt tại vùng này. Hoạt động thủy điện trên đầu nguồn sông Mekong cũng gây ảnh hưởng đến nguồn nước của vùng. Thêm vào đó là các vấn đề như xói lở, sụt lún đất cũng đe dọa sinh kế của hơn 20 triệu người dân sống tại đây...
Do đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, cần có một chiến lược với nhiều giải pháp đồng bộ để ứng phó một cách toàn diện với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ví dụ như hệ thống cống ngăn mặn giữ ngọt, hệ thống đê, hệ thống chống xói lở, hệ thống hồ… để đảm bảo cung cấp nước ngọt cho vùng.
Liên quan đến 16 dự án thích ứng với biến đổi khí hậu của Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết, trước đó Chính phủ đã đồng ý và ra Nghị quyết chủ trương vay vốn ODA với mức vốn 2,53 tỷ USD cho 16 dự án này.
Khi dự án được phê duyệt, Bộ Tài chính mới có căn cứ làm việc với các nhà tài trợ để ký hiệp định vay vốn. Để hoàn thiện dự án thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các tỉnh trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị đầu tư. Tuy nhiên, đề xuất đầu tư lại lên tới 3,3 tỷ USD. Do đó, các địa phương phải điều chỉnh lại theo chủ trương ban đầu Chính phủ duyệt là 2,53 tỷ USD.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng khẳng định, sau khi các dự án trên được thông qua, Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và tài chính đổi ngoại) sẽ làm việc ngay với các nhà tài trợ để ký hiệp định tín dụng.