Uống rượu có ngăn ngừa được COVID-19?

Theo Nguyễn Việt/diendandoanhnghiep.vn

Không ít người cho rằng, khi uống rượu sẽ ít có nguy cơ lây nhiễm, bởi rượu chứa cồn nên sẽ sát khuẩn và ngăn ngừa được COVID-19.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bình luận về vấn đề này, PGS.,TS. Bác sĩ Phạm Thị Bích Đào – Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, đúng là thành phần rượu có cồn nhưng nồng độ cồn để sát khuẩn phải từ 70 độ trở lên, và chỉ sát khuẩn bề mặt, trên da. Chúng ta cũng không thể ngậm rượu nồng độ cồn cao trong miệng để diệt virus, chưa kể khi đó virus đã ngấm vào trong tế bào.

Đồng thời nồng độ cồn trong rượu nếu cao còn gây tổn thương niêm mạc, dẫn tới hậu quả ngược lại mong muốn là tạo đường vào tế bào dễ dàng hơn cho các loại vi khuẩn và virus tấn công, trong đó có SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19".

“Dùng cồn chủ yếu để diệt virus ở bàn tay, ở đồ dùng, vật dụng để khử khuẩn... chứ uống cồn vào trong họng không có hiệu quả”, bác sĩ Đào nói.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo, chưa có bất kỳ một nghiên cứu khoa học nào chứng minh được rượu có thể ngăn ngừa được lây nhiễm COVID-19, thậm chí còn gây gia tăng lây nhiễm do sử dụng chung cốc uống rượu, tăng bạo lực gia đình khi cách ly y tế, tăng mức độ nặng của các bệnh lý nền như bệnh gan, thận…

"Lạm dụng rượu bia trong thời gian cách ly có thể làm các vấn đề sức khỏe sẵn có thêm nghiêm trọng, thúc đẩy các hành vi tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm lý hoặc làm gia tăng tình trạng bạo lực", WHO tuyên bố.

WHO một lần nữa bác bỏ các tin đồn sai lệch cho rằng đồ uống có cồn, cụ thể là rượu ethyl và ethanol giết chết được COVID-19 hoặc khiến cơ thể người miễn nhiễm với virus. Các loại rượu nồng độ cồn từ 60% trở lên có thể khử trùng da, song nó không giúp diệt mầm bệnh khi hấp thụ vào cơ thể.       

"Uống nhiều rượu bia thậm chí có thể làm tổn hại hệ miễn dịch, gây suy giảm khả năng chống lại virus ở người. Vì vậy, uống rượu bia trong khi đang mắc bệnh sẽ làm gia tăng các rủi ro", WHO khuyến cáo.

WHO cũng cho rằng nên "duy trì, thậm chí thắt chặt" các quy định về sử dụng rượu bia trong đại dịch. Hiện chưa có thống kê cho thấy COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động tiêu thụ rượu bia. Song dữ liệu về doanh thu của các đại lý cho thấy người dân có xu hướng mua nhiều đồ uống có cồn hơn khi đang cách ly. 

Để phòng chống COVID-19, bên cạnh các khuyến cáo như thực hiện nghiêm túc biện pháp 5K (Khẩu trang- Khoảng cách- Khử khuẩn- Không tụ tập- Khai báo y tế) còn là tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19.

Vậy, rượu có ảnh hưởng tới hiệu quả của vắc xin không?

Một số nghiên cứu gần đây ở Hoa Kỳ cho thấy, uống quá nhiều rượu ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống miễn dịch. Tác giả Ilhem Messaoudi - giáo sư sinh học phân tử và hóa sinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Virus tại Đại học California, Irvine, khuyến nghị: “Mọi người nên được cảnh báo về việc uống rượu gây tổn thương cho hệ thống miễn dịch. Uống lượng lớn rượu một lúc thực sự gây ức chế hệ thống miễn dịch”.

Về mặt cơ chế, nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của rượu lên màng tế bào và sự trao đổi chất, cũng như có khả năng cản trở sự trưởng thành của các đại thực bào. Trong khi, đại thực bào là các tế bào bạch cầu được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch có chức năng tiêu diệt virus và các vật lạ xâm nhập cơ thể.

Khi các đại thực bào bị suy giảm, chẳng hạn như do uống quá nhiều rượu, tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể bạn chống lại nhiễm trùng sẽ bị ảnh hưởng. Một cơ chế nữa đáng chú ý, rượu lập trình lại các tế bào miễn dịch để tạo ra nhiều chất trung gian gây viêm và tạo ra hàng loạt cytokine, tác nhân gây ra bão cytokine rất nguy hiểm cho tính mạng ở bệnh nhân mắc COVID.

Mặc dù uống quá nhiều rượu ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống miễn dịch, Messaoudi và cộng sự đã phát hiện ra tác dụng đáng ngạc nhiên của việc uống rượu vừa phải. Nghiên cứu cho thấy, uống 1 ly rượu vang mỗi ngày đối với phụ nữ và 2 ly đối với nam giới, có thể làm giảm viêm và tăng cường phản ứng miễn dịch với vaccin. Tuy nhiên, chỉ vượt quá một lượng rượu nhỏ sẽ có gia tăng đáng kể tác động tiêu cực.