Ưu đãi đây, ai được vay
Nguồn tín dụng hỗ trợ đang được các ngân hàng thương mại (NHTM) bồi đắp thêm để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn dịch bệnh. Nhưng khi sử dụng nguồn lực của NH, đối tượng được tiếp cận ưu đãi phải đạt chuẩn tín dụng. Có nghĩa các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn là đối tượng khó tiếp cận sự hỗ trợ này từ nhà băng.
Liên tục tung ra các gói ưu đãi
62.835 tỷ đồng đã được thực hiện cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ; 12.319 tỷ đồng được các tổ chức tín dụng (TCTD) miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ; 948.407 tỷ đồng dư nợ hiện hữu được hạ lãi suất, số tiền lãi dự kiến hạ 3.530 tỷ đồng; 511.230 tỷ đồng cho vay mới với lãi suất ưu đãi. Đó là những con số do ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, thông tin tại Hội nghị trực tuyến “Tăng cường tín dụng NH hỗ trợ DN và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19”.
Con số này cũng khớp với quy mô các gói hỗ trợ được các NHTM công bố trong thời gian qua. Tại Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch Covid-19, Chính phủ thông báo triển khai gói tín dụng 250.000 tỷ đồng từ nguồn vốn NHTM hỗ trợ DN, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Đến thời điểm này, tổng các gói ưu đãi được tung ra đã đạt khoảng 600.000 tỷ đồng.
Trong đó, riêng BIDV có 170.000 tỷ đồng tín dụng hỗ trợ, gồm 120.000 tỷ đồng cam kết tham gia gói 250.000 tỷ đồng ban đầu, 2 gói cho vay hỗ trợ cá nhân 30.000 tỷ đồng (tối đa 12 tháng) và 20.000 tỷ đồng (vay trung và dài hạn). Hay MB đã dành tổng cộng 95.000 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng, gồm gói 45.000 tỷ đồng cho vay DN lớn và rất lớn, 20.000 tỷ đồng cho DNNVV và 30.000 tỷ đồng cho cá nhân… Tại các NHTM khác, gói tín dụng hỗ trợ với quy mô hàng chục ngàn tỷ đồng cũng được công bố trong thời gian gần đây.
Dung lượng các gói hỗ trợ không ngừng tăng lên diễn ra trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng rất chậm. Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý I/2020 của Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong quý đầu tiên chỉ tăng 0,68% so với mức tăng 1,9% cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của quý I trong vòng 6 năm qua.
Trong khi đó, thanh khoản hệ thống lại trong trạng thái dồi dào. Cụ thể, trên thị trường liên NH, lãi suất có xu hướng giảm sâu. Vào cuối tháng 3, lãi suất liên NH kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần lần lượt ở mức 2,07%/năm, 2,19%/năm và 2,46%/năm. Song đến giữa tháng 4 đã giảm xuống mức 1,59%/năm, 1,88%/năm và 2,14%/năm.
Theo NHNN, trong giai đoạn này, việc các NHTM thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đối với khách hàng chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 sẽ có tác dụng cho cả NH lẫn khách hàng. Khách hàng vay vốn được tháo gỡ khó khăn, được phục hồi sau dịch, sẽ góp phần giúp các TCTD hoạt động an toàn lành mạnh hơn.
Nhưng ưu đãi phải… đủ điều kiện
Về các gói hỗ trợ hiện nay, một chuyên gia kinh tế cho biết, NHNN tính toán có khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng toàn hệ thống bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngành NH rất nỗ lực nhưng gói tín dụng hỗ trợ được tăng dung lượng chỉ khoảng 600.000 tỷ đồng, thực hiện cả cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới, trong khi đối tượng nào cũng muốn tiếp cận gói hỗ trợ. Đơn cử, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN vừa đề xuất cho các tập đoàn, tổng công ty được tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0% phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán lương người lao động.
Như vậy, nhìn gói hỗ trợ rất lớn song chưa thể đáp ứng được hết các nhu cầu thực. Vị chuyên gia này cũng cho biết gần đây nhiều DN liên hệ nhờ tư vấn giải pháp vượt qua dịch bệnh, chia sẻ họ rất khó tiếp cận vốn vay. Đáng chú ý là những DN chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 nằm trong nhóm DNNVV.
Với nhiều ý kiến phản ánh về việc tiếp cận vốn, lãnh đạo NHNN yêu cầu các TCTD chia sẻ tối đa khó khăn với khách hàng vay vốn, với nền kinh tế trong giai đoạn này cũng như sau khi dịch kết thúc. Theo đó, các nhà băng phải tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất, trích lợi nhuận để tăng trích lập dự phòng, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo điều kiện tối đa cho khách hàng vay vốn. Đó là chỉ đạo “mở”, nhưng NHNN “thắt” lại bằng việc nhấn mạnh không nới lỏng điều kiện tín dụng, không được hạ tiêu chuẩn cho vay để đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng, duy trì sự lành mạnh của hoạt động NH. Chính vì vậy, kể cả các gói tín dụng hỗ trợ, đương nhiên NHTM phải thận trọng, cho vay mới cũng xem xét cho những DN đủ điều kiện.
Theo khảo sát tình hình DN của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, chỉ trong 3 tháng đầu năm đã có 85% DN nằm trong nhóm được khảo sát rơi vào tình trạng bị thu hẹp thị trường vì dịch bệnh; 60% DN thiếu vốn, đứt dòng tiền; 40% DN thiếu nguồn cung nguyên liệu… 82% DN trong tổng số được khảo sát cho rằng doanh thu năm 2020 sẽ bị sụt giảm so với 2019 và nếu dịch bệnh căng thẳng, 50% DN chỉ trụ được nửa năm. DN nói chung gặp khó, DNNVV sẽ càng khó hơn.
Đặt trong tình hình đó, dù NH có tung thêm vốn hỗ trợ nhưng chủ yếu vẫn là DN lớn có tiềm lực được vay. Còn cánh cửa để DNNVV tiếp cận vốn vay NH vẫn tiếp tục eo hẹp nếu không có những giải pháp tiếp cận tín dụng cởi mở, đặc thù hơn.
Đợt khủng hoảng 2008-2009, cho vay ưu đãi được ngân sách bù đắp vào chênh lệch lãi suất, nhưng đến nay một số hệ lụy chưa giải quyết hết. Lần này các NH dùng nguồn lực của mình để giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với DN nên sẽ siết quy định, quy chế trong thực hiện các khoản vay. Vì vậy, DNNVV tiếp cận chính sách ưu đãi sẽ không dễ dàng.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam