Ưu đãi mức thu lệ phí trước bạ thúc đẩy phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô điện chạy pin
Việc quy định ưu đãi mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô điện chạy pin sẽ kích thích người tiêu dùng sử dụng loại phương tiện này. Từ đó, hỗ trợ các nhà phân phối đẩy mạnh tiêu thụ dòng xe thân thiện với môi trường, gián tiếp góp phần thúc đẩy ngành sản xuất, lắp ráp ô tô điện chạy pin phát triển.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, ngày 15/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2022/NĐ-CP quy định về lệ phí trước bạ, có hiệu lực từ ngày 1/3/2022. Một trong những nội dung nổi bật của Nghị định là quy định về lệ phí trước bạ với ô tô điện chạy pin.
Theo đó, trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022, ô tô điện chạy pin nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 0%; trong vòng 2 năm tiếp theo, tức từ ngày 1/3/2025, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.
Theo Bộ Tài chính, kế hoạch bán xe ô tô điện chạy pin (sản xuất trong nước) của Vinfast năm 2022 là khoảng 9.500 xe với giá bán bình quân khoảng 600 triệu đồng (chưa bao gồm pin). Khi áp dụng mức thu lệ phí trước bạ nêu trên thì dự kiến sản lượng tiêu thụ xe ô tô điện chạy pin là 19.000 xe (gấp đôi kế hoạch của Vinfast), với mức thu lệ phí trước bạ bình quân khoảng 11% thì giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 1.254 tỷ đồng/năm trong 3 năm đầu thực hiện chính sách mức thu lệ phí trước bạ 0% đối với xe ô tô điện chạy pin.
Bộ Tài chính đánh giá, việc số lượng xe ô tô điện được tiêu thụ tăng lên cũng có thể khiến doanh số xe ô tô truyền thống giảm tương ứng với mức 19.000 xe với mức giá và mức thu lệ phí trước bạ tương đương, từ đó khiến giảm thu ngân sách nhà nước thêm khoảng 1.254 tỷ đồng (Tổng mức giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 2.508 tỷ đồng/năm).
Từ năm thứ 4 đến hết năm thứ 5 kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành, với việc thực hiện mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi, giả thiết mức tiêu thụ ô tô điện chạy pin và ô tô truyền thống không thay đổi thì tổng mức giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 1.881 tỷ đồng/năm.
Đây là chính sách ưu đãi đủ mạnh để khuyến khích hơn nữa việc sử dụng xe ô tô điện chạy pin thay thế dần ô tô dùng nhiên liệu hóa thạch, từ đó giảm lượng khí thải ra môi trường của phương tiện giao thông, góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển xanh, bền vững. Chính sách này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn mang lại tác động tích cực đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và kinh tế - xã hội.
Đối với người tiêu dùng, lệ phí trước bạ là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân có tài sản thuộc đối tượng chịu lệ phí trước bạ phải nộp khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và người tiêu dùng là người phải nộp khoản lệ phí trước bạ. Việc quy định ưu đãi mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô điện chạy pin sẽ làm giảm chi phí đăng ký sở hữu xe ô tô, từ đó kích thích người tiêu dùng lựa chọn loại phương tiện này.
Đối với doanh nghiệp, việc quy định ưu đãi mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô điện chạy pin sẽ kích thích người tiêu dùng sử dụng loại phương tiện này, từ đó hỗ trợ các nhà phân phối đẩy mạnh tiêu thụ dòng xe thân thiện với môi trường và góp phần giúp doanh nghiệp yên tâm tiếp tục đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô điện chạy pin.
Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện chạy pin hiện đang là lĩnh vực mới, còn trong giai đoạn đầu phát triển. Do đó, việc thực hiện chính sách ưu đãi mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô điện chạy pin sẽ gián tiếp góp phần thúc đẩy ngành sản xuất, lắp ráp ô tô điện chạy pin phát triển, đảm bảo cung ứng xe ô tô chạy pin cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu trong thời gian tới với mục tiêu đưa ngành sản xuất ô tô trong nước trở thành ngành kinh tế chủ lực, hướng đến xuất khẩu. Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Để thúc đẩy phát triển đồng bộ ngành sản xuất xe ô tô điện ở Việt Nam, bên cạnh cách giải pháp ưu đãi về chính sách thuế, phí đối với xe ô tô điện chạy pin (giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm mức thu lệ phí trước bạ...), Bộ Tài chính cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp khác như: Phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện (trạm sạc điện, hạ tầng giao thông, quỹ đất để bố trí trạm sạc…); Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc điện; Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xe điện, trạm sạc xe điện; Xây dựng các quy đinh về xử lý các sản phẩm thải bỏ của xe điện để tránh tác động đến môi trường...