Đồng thuận đề xuất của Bộ Tài chính không thu lệ phí trước bạ ô tô điện chạy pin trong 3 năm
Lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô điện chạy pin sẽ là 0% trong vòng 3 năm và bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chạy xăng, dầu cùng loại, cùng số chỗ ngồi trong 2 năm tiếp theo.
Ô tô điện chạy pin sắp được miễn 100% lệ phí trước bạ trong 3 năm?
Bộ Tài chính vừa công bố kết quả giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ (LPTB).
Việc sửa đổi bổ sung Nghị định 140/2016/NĐ-CP, được Bộ Tài chính thực hiện trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, nhằm khuyến khích việc sản xuất và sử dụng ô tô điện chạy pin, góp phần giảm thiểu lượng khí thải của các phương tiện giao thông, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái...
Mục tiêu sửa đổi bổ sung nghị định là góp phần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất ô tô điện chạy pin, đảm bảo cung ứng ô tô chạy pin cho thị trường Việt Nam trong thời gian tới; khuyến khích người tiêu dùng sử dụng ô tô điện chạy pin, từ đó góp phần giảm lượng khí thải phát tán ra môi trường của phương tiện giao thông, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Do đó, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung quy định mức LPTB ưu đãi đối với ô tô điện chạy pin.
Trước đó, đầu tháng 8/2021, Bộ Tài chính đã xây dựng dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP về LPTB và gửi xin ý kiến góp ý của các bộ ngành, địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, xin ý kiến của các hiệp hội, tổ chức..., đồng thời lấy ý kiến rộng rãi của các đơn vị, cá nhân.
Đến nay, các ý kiến tham gia đã được Bộ Tài chính tổng hợp, giải trình, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ dự án nghị định để gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ ban hành.
Điểm đáng chú ý nhất trong phần giải trình về dự thảo nghị định sửa đổi vừa được công bố là Bộ Tài chính lên phương án quy định mức LPTB lần đầu đối với ô tô điện chạy pin là 0% trong vòng 3 năm đầu kể từ ngày nghị định có hiệu lực và bằng 50% mức thu LPTB đối với ô tô chạy xăng, dầu cùng loại có cùng số chỗ ngồi trong vòng 2 năm tiếp theo.
100% bộ, ngành, địa phương nhất trí đề xuất của Bộ Tài chính
Theo kết quả tổng hợp, Bộ Tài chính cho biết toàn bộ 31 đơn vị (11 bộ, ngành và 20 địa phương) cho ý kiến đều nhất trí với dự án sửa đổi, bổ sung của Nghị định 140/2016/NĐ-CP.
Cụ thể, tại tờ trình về dự án nghị định của Chính phủ về mức thu LPTB đối với ô tô , rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thu LPTB đối với ô tô nội bằng 50% mức phí thông thường.
Bộ Tài chính cũng để nghị hiệu lực thi hành của nghị định đảm bảo không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày ký để phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đảm bảo thời gian chuẩn bị cho các bên tham gia thực hiện.
Trong dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất phương án, ô tô điện chạy pin nộp LPTB lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu LPTB lần đầu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi (tương đương từ 5-7,5%) trong vòng 5 năm kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành và nộp LPTB từ lần thứ 2 trở đi với mức thu bằng mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi (2%).
Như vậy, với phương án "quy định mức LPTB lần đầu đối với ô tô điện chạy pin là 0% trong vòng 3 năm đầu kể từ ngày nghị định có hiệu lực và bằng 50% mức thu LPTB đối với ô tô chạy xăng, dầu cùng loại có cùng số chỗ ngồi trong vòng 2 năm tiếp theo" trong giải trình, mức ưu đãi về LPTB đối với ô tô điện đã được Bộ Tài chính mở rộng hơn về tỷ lệ giảm LPTB và thu hẹp hơn về thời gian được hưởng ưu đãi.
Đáng chú ý, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đưa ra đề xuất quy định LPTB 0% với ô tô điện chạy pin để khuyến khích phát triển dòng xe này. Số hụt thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt và LPTB, theo VCCI sẽ được bù đắp bằng số tăng thu từ thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp từ các doanh nghiệp sản xuất.
Trong khi đó, một số bộ ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải nêu ý kiến đề xuất "không thu LPTB trong vòng 5 năm đầu" để khuyến kích doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng sử dụng xe chạy điện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bộ Công thương cho biết, việc xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi để khuyến khích sản xuất và kích thích người tiêu dùng sử dụng ô tô điện thân thiện với môi trường, góp phần giảm lượng khí thải phát tán ra môi trường của phương tiện giao thông, góp phần bảo vệ môi trường là cần thiết.
Điều này còn phù hợp với định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014./.