Ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp có tàu cá đi khai thác hải sản hợp pháp ở vùng biển các nước

PV.

Ngày 17/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước (Quyết định 1047/QĐ-TTg). Theo đó, việc ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp có tàu cá đi khai thác hải sản hợp pháp ở vùng biển các nước đã được quy định cụ thể.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đề án Phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, làm điểm đưa doanh nghiệp - ngư dân sang hợp tác khai thác, thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và nuôi trồng thủy sản ở một số quốc gia đã có thỏa thuận hợp tác về nghề cá với Việt Nam; trước mắt là các nước: Brunei, Papua New Guinea và Micronesia.

Giai đoạn 2020 – 2025, mô hình liên kết hợp tác sẽ mở rộng sang một số nước khác và vùng biển quốc tế mà Việt Nam có thỏa thuận hợp tác về nghề cá.

Trên cơ sở các mục tiêu trên, Đề án cũng quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ. Theo đó, hỗ trợ một lần 100% chi phí nhiên liệu 01 chuyến đi (01 lượt đi) được thực hiện cho các tàu cá xuất bến từ cảng Việt Nam đến vùng biển các nước có hợp tác khai thác. Chi phí hỗ trợ nhiên liệu cho chuyến đi được chi trả sau khi đã hoàn thành việc hợp tác khai thác ở các nước và trở về Việt Nam.

Chi phí mua bảo hiểm thân tàu được hỗ trợ 50%, chi phí mua bảo hiểm thuyền viên làm việc trên tàu cá được hỗ trợ 100%.

Việc hỗ trợ một lần 100% cũng được thực hiện khi thiết bị đầu cuối giám sát hành trình có tích hợp kết nối định vị vệ tinh (VMS) lắp đặt trên tàu cá để giám sát hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển các nước.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có tàu cá đi khai thác hải sản hợp pháp ở vùng biển các nước mang sản phẩm khai thác được nhập khẩu về Việt Nam có xác nhận của nước sở tại về nguồn gốc sản phẩm khai thác tại vùng biển các nước này thì được miễn thuế nhập khẩu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2020.

Điều kiện, thủ tục, hồ sơ để được miễn thuế nhập khẩu thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 2021 trở đi, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cụ thể chính sách ưu đãi và phạm vi, đối tượng được miễn thuế nhập khẩu phù hợp theo tình hình thực tế.

Trên cơ sở triển khai thực tế Đề án Phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước, Việt Nam rút kinh nghiệm mở rộng các hình thức hợp tác, từng bước phát triển nghề khai thác viễn dương ở các vùng biển quốc tế nhằm phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; thúc đẩy hội nhập và phát triển hợp tác quốc tế.