Tín dụng tăng mạnh, vốn đã rót vào đâu?
Tăng trưởng tín dụng đến ngày 20/9/2017 là 11,02% so với cuối năm 2016, cao nhất kể từ năm 2010 đến nay. Nếu so với mức tăng 10,46% của cùng kỳ năm 2016 và 10,78% cùng kỳ năm 2015, có vẻ như nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh đang mở rộng.
Tuy nhiên, có thật như vậy không thì cần phải biết cơ cấu tín dụng đã thay đổi như thế nào trong thời gian qua.
"Điểm sáng" nông nghiệp, nông thôn
Theo báo cáo kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 9 tháng năm 2017 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm và lĩnh vực ưu tiên đã tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống trong những tháng đầu năm. Cụ thể, tín dụng nông nghiệp và phát triển nông thôn đến cuối tháng 8 đạt 1.222.267 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2016 và chiếm tỷ trọng khoảng 20,2% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Tuy nhiên, cũng theo thống kê của NHNN thì tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vào cuối năm 2016 chỉ đạt 558.834 tỷ đồng và cập nhật gần nhất đến cuối tháng 6 vừa qua là 615.965 tỷ đồng, tăng 10,22% so với cuối 2016 và chiếm tỷ trọng 10,3% trong tổng dư nợ tín dụng.
Còn theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thì tỷ trọng cho vay ngành nông lâm thủy sản đã giảm từ 8,3% xuống còn 7,6% vào cuối tháng 9 năm nay. Những số liệu trái chiều về tín dụng nông nghiệp được công bố đặt ra nhiều dấu hỏi không thể giải đáp.
Chính phủ và NHNN trong những năm qua luôn xác định rõ định hướng tập trung vốn cho nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, chỉ trong năm nay những chính sách hỗ trợ mới thật sự rõ ràng với cam kết gói tín dụng ưu đãi dành cho ngành này là 100.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 0,5 - 1,5%/năm. Tiếp đó là hàng loạt ngân hàng cam kết tham giá gói cho vay dành cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, khi NHNN cũng xem xét giảm dự trữ bắt buộc có thể về mức thấp 0% đối với những ngân hàng đáp ứng tỷ trọng cho vay nông nghiệp trong tổng dư nợ.
Không chỉ đạt kết quả tốt ở lĩnh vực nông nghiệp, nguồn vốn tín dụng dành cho bốn ngành ưu tiên còn lại cũng tăng trưởng ổn định. Cụ thể, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 35.012 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 0,6%. Dù chỉ mới chiếm tỷ trọng khiêm tốn nhưng nếu so với mức tỷ trọng ở 0,5% vào cuối năm 2016 thì rõ ràng dòng vốn tập trung cho ngành này đã phát triển khá tốt.
Tín dụng công nghiệp ưu tiên phát triển cũng đạt kết quả tích cực khi tăng 18,9%, lên mức 153.837 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 2,5 %. Ngược lại, tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu và cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng thấp hơn mức tăng chung. Cụ thể dư nợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ tăng 8,14% so cuối năm 2016, đạt 207.001 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 3,4%, trong khi dư nợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khiêm tốn 7,49% đạt 1.292.182 tỷ đồng, thậm chí giảm tỷ trọng từ mức 21,8% hồi cuối năm 2016 về còn 21,1%.
Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu chủ yếu vay vốn bằng ngoại tệ, tuy nhiên thời gian qua khá nhiều chính sách hạn chế cho vay ngoại tệ nên cũng ít nhiều ảnh ưởng đến dư nợ dành cho lĩnh vực xuất khẩu, nhất là khi vào cuối năm nay sẽ hết hạn cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Riêng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn vốn dành cho đối tượng này vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu, và những khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay của nhóm này cũng đã được phân tích khá nhiều trong thời gian qua. Do đó, tín dụng dành cho nhóm này dù có tăng nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng.
Và những lĩnh vực rủi ro
Cũng theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thì tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản và xây dựng đã giảm từ 17,1% vào cuối năm 2016 xuống còn 16,8% vào cuối tháng 9/2017. Với dư nợ tín dụng cuối tháng 9 vào khoảng 6.138 tỷ đồng, thì dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản và xây dựng vào khoảng 1.031 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2016.
Chi tiết hóa con số 16,8% này thì cho vay ngành xây dựng chiếm 10,3%, tương ứng với dư nợ khoảng 632 nghìn tỷ đồng, còn cho vay kinh doanh bất động sản chiếm 6,5%, tương ứng với dư nợ gần 400 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là dư nợ cho vay nội bảng của các ngân hàng, nếu tính cả các khoản vay đã bán cho VAMC mà chủ yếu là các khoản cho vay dính đến bất động sản thì dư nợ cho vay trong lĩnh vực này còn lớn hơn nhiều.
Theo NHNN, từ 1/1/2017 đến hết 15/9/2017, VAMC đã mua nợ của 14 tổ chức tín dụng với tổng dư nợ gốc nội bảng là 20.995 tỷ đồng, giá mua nợ là 20.619 tỷ đồng, đã đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 được NHNN giao. Như vậy, tính từ 2013 đến thời điểm 15/9/2017, VAMC đã mua được 26.108 khoản nợ của 16.197 khách hàng tại 42 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc nội bảng là 296.550 tỷ đồng, giá mua nợ là 266.543 tỷ đồng.
Mặc dù tổng dư nợ cho vay ký quỹ (margin) tại nhiều công ty chứng khoán tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong vòng mấy năm trở lại đây, nhưng các khoản vay này chủ yếu từ nguồn lực của chính các công ty chứng khoán.
Thống kê cho thấy, với vốn chủ sở hữu của 15 công ty chứng khoán trên thị trường là 26.000 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay theo quy định lên tới 53.000 tỷ đồng, cao hơn 2,5 lần so với tổng dư nợ margin quý II của nhóm công ty này, thì dư địa cho vay của chính các công ty chứng khoán còn rất lớn, nhất là khi thời gian qua các công ty chứng khoán liên tục phát hành các trái phiếu để huy động vốn dài hạn nhằm tăng tiềm lực tài chính.
Vì vậy, nguồn vốn từ ngân hàng rót cho vay vào thị trường chứng khoán khả năng không có nhiều, nhất là theo quy định hiện hành, công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng không được sử dụng vốn từ ngân hàng mẹ rót sang để cho vay chứng khoán.