Ưu tiên số 1 hiện nay là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt lạm phát
Sáng ngày 28/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành bàn về những giải pháp, đối sách phù hợp cả trước mắt và lâu dài để tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước đang có khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số 1 hiện nay của Việt Nam là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) vừa có động thái nâng lãi suất thêm 0,75% vào đêm ngày 27/7. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, nhiều ngân hàng trung ương các nước đã tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát tăng cao, đồng tiền của nhiều quốc gia mất giá; cạnh tranh chiến lược gay gắt và thay đổi định hướng chính sách ở nhiều nước đã tác động tiêu cực đến nước ta trên nhiều lĩnh vực, nhất là xuất, nhập khẩu, giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào…
Phân tích thêm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, khi độ mở của nền kinh tế lớn với quy mô xuất nhập khẩu tương đương khoảng 200% GDP, một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước.
Do vậy, trước tình hình kinh tế thế giới đang tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung theo dõi sát, nắm chắc tình hình, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; phát huy những bài học kinh nghiệm thành công trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô thời gian qua, nâng cao năng lực phân tích, dự báo; đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp kịp thời cả trước mắt và lâu dài; chủ động phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, khoa học, hiệu quả, không vì thủ tục, giấy tờ hành chính mà chậm trễ trong xử lý các vấn đề đặt ra.
Trong thời gian trước mắt, Chính phủ cùng các bộ, ngành ngoài việc chú trọng công tác phòng, chống dịch COVID-19, đẩy mạnh tiêm vắc xin, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo nền tảng cho phát triển bền vững.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý các bộ, ngành cần tập trung phối hợp hài hòa, hợp lý, đồng bộ, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chắc chắn, hiệu quả; điều hành tỷ giá, lãi suất ổn định hợp lý, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, chống đô la hóa, vàng hóa; bảo đảm tăng trưởng tín dụng phù hợp theo hướng tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, phát triển khu công nghiệp và nhà ở xã hội.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi; tiếp tục rà soát, giảm thuế, phí, lệ phí, các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Kiểm soát chặt chẽ giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng chiến lược, thiết yếu cho sản xuất và đời sống; Tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường hợp tác công tư, khơi thông mọi nguồn lực, thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, lấy nguồn lực Nhà nước kích hoạt, dẫn dắt mọi nguồn lực hợp pháp khác, góp phần tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng; Triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; Tiếp tục xử lý hiệu quả những vấn đề tồn đọng, nhất là những dự án kém hiệu quả kéo dài.
Song song với đó cần phát triển mạnh thị trường trong nước, đa dạng hóa các thị trường, thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu; đảm bảo điện cho sản xuất, tiêu dùng và an ninh lương thực, thực phẩm; Phát triển mạnh thị trường lao động, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế...