Bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi thuế, tín dụng để thu hút đầu tư kinh tế biển
Đó là một trong những giải pháp được Chính phủ chỉ đạo thực hiện tại Quyết định số 892/QĐ-TTg về Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030 được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký phê duyệt ngày 26/7/2022.
Mục tiêu của Đề án nhằm tạo dựng các cụm liên kết ngành kinh tế biển phát triển hiệu quả, có sức cạnh tranh hội nhập cao gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển cả nước và các khu vực vùng biển và ven biển trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh hướng đến Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh thời kỳ đến năm 2030.
Đề án phấn đấu tạo dựng cụm liên kết ngành kinh tế biển ở những khu vực vùng biển và ven biển có lợi thế, phấn đấu hình thành được khoảng 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển đến năm 2030... Các khu vực trọng điểm phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước từ 1,2 lần trở lên.
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Chính phủ nêu rõ 5 giải pháp thực hiện trong thời gian tới, đó là:
Thứ nhất, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế, tín dụng, sử dụng đất, mặt nước, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để thu hút doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư hoạt động và liên kết hợp tác với nhau hình thành cụm liên kết ngành kinh tế biển.
Theo đó, Chính phỉ chỉ đạo ngay trong thời gian tới nhanh chóng bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù cho thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn làm hạt nhân thúc đẩy phát triển cụm liên kết ngành. Đổi mới hoàn thiện cơ chế quản lý, mô hình phát triển kinh tế biển, thí điểm phát triển các mô hình khu kinh tế ven biển, khu kinh tế đảo, khu khoa học công nghệ biển, khu công viên công nghệ cao, khu chế xuất, khu thương mại, khu du lịch có mức độ quốc tế hóa cao gắn với cảng biển đầu mối, đô thị lớn ven biển để thu hút mạnh các nhà đầu tư, doanh nghiệp và cơ sở dịch vụ hoạt động tập trung và liên kết cộng tác với nhau trong sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, các cấp, ngành, liên tỉnh thực hiện lồng ghép nội dung nhiệm vụ phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển vào quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị có liên quan.
Chú trọng thực hiện bố trí quy hoạch, sắp xếp các khu vực, không gian hoạt động ven biển và trên biển, đảo cho thu hút doanh nghiệp, cơ sở kinh tế hoạt động tập trung theo ngành kinh tế biển, đa ngành kinh tế biển có liên quan với nhau đi kèm với cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở hoạt động liên kết hợp tác với nhau, sắp xếp, bố trí kết nối cơ sở hạ tầng kinh tế biển, liên kết không gian phát triển các khu cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung, vùng sản xuất, vùng du lịch, đô thị ven biển tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh, hình thành các trung tâm kinh tế biển mạnh.
Bố trí phát triển các đô thị dịch vụ cảng biển, đô thị công nghiệp gắn với cảng biển, đô thị du lịch biển, đô thị nghề cá, khu đô thị khoa học công nghệ biển có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo sức hấp dẫn cao doanh nghiệp đến tập trung hoạt động và đáp ứng điều kiện nhà ở, dịch vụ tiện ích đời sống cho người lao động.
Thứ ba, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển các trung tâm khoa học công nghệ biển, khu nghiên cứu biển gắn với bảo tồn biển, khu công nghệ cao kinh tế biển, các cơ sở khoa học công nghệ, cơ sở đào tạo nhân lực kỹ thuật chuyên sâu về lĩnh vực biển, kinh tế biển có tầm quốc tế và khuyến khích liên kết hợp tác với doanh nghiệp.
Trong đó, nhanh chóng rà soát lựa chọn, tập trung hỗ trợ phát triển một số cơ sở khoa học công nghệ, cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu, thiết kế, kiểm định sản phẩm đạt chuẩn quốc tế làm nòng cốt cho phát triển các cụm liên kết ngành kinh tế biển. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát triển mạng hạ tầng kết nối Internet Vạn vật IoT phục vụ liên kết ngành, doanh nghiệp, cơ sở kinh tế biển. Hình thành các trung tâm công nghiệp công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu lớn phục vụ doanh nghiệp và các tổ chức tham gia phát triển kinh tế biển.
Thứ tư, tạo lập cơ chế, chính sách thông thoáng cho phát triển và cộng tác giữa các doanh nghiệp, thành phần trong ngành kinh tế biển và liên quan đến kinh tế biển.
Trước hết, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong tổ chức liên kết ngành, liên kết mạng lưới doanh nghiệp ở phạm vi liên tỉnh theo cụm liên kết ngành kinh tế biển; Phối hợp giữa các cơ quan chức năng quản lý nhà nước và các tổ chức hiệp hội liên quan tổ chức các kênh, các hoạt động kết nối giao lưu, hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức, nhà đầu tư trong lĩnh vực kinh tế biển ở phạm vi liên tỉnh và với quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, hội ngành nghề kinh tế biển thiết lập, mở rộng quan hệ đối tác, hợp tác với các đối tác liên quan ở nước ngoài, tham gia vào mạng lưới cụm liên kết ngành kinh tế biển, tổ chức hiệp hội ngành nghề kinh tế biển quốc tế, khu vực.
Thứ năm, củng cố, tăng cường năng lực thực thi pháp luật, quốc phòng, an ninh trên các vùng biển đảo, bảo vệ an toàn, an ninh, bảo vệ quyền hoạt động trên biển theo pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế cho doanh nghiệp, cơ sở kinh tế biển tạo môi trường thuận lợi phát triển các cụm liên kết ngành kinh tế biển.
Nhanh chóng xây dựng hoàn thiện cơ chế phối hợp, liên kết các thành phần trong phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh biển đảo. Bổ sung cơ chế, chính sách huy động nguồn lực nâng cao hiệu quả phát triển các khu kinh tế quốc phòng trọng điểm trên vùng biển đảo, xây dựng một số đảo thành các trung tâm kinh tế - khoa học công nghệ - quốc phòng theo mô hình đa năng, tự chủ một phần về kinh tế, hoạt động kết hợp kinh tế với quốc phòng trên biển.
Chính phủ giao các bộ, ngành chủ động lồng ghép nội dung triển khai thực hiện đề án vào các nhiệm vụ chuyên môn được giao; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan xây dựng chương trình phát triển bao gồm cả cơ chế, chính sách để thực hiện đề án đối với lĩnh vực thuộc chức năng nhiệm vụ.
Theo đó, Bộ Tài chính được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp bổ sung cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực thuế để khuyến khích thu hút doanh nghiệp, thành phần kinh tế hoạt động tập trung và liên kết hợp tác với nhau theo đề án. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp xây dựng chương trình thực hiện đề án về liên kết ngành trong lĩnh vực công nghiệp...