Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

PV. (t/h)

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Nghị quyết số 103/2023/QH15 yêu cầu Chính phủ tiếp tục nghiên cứu tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí... cho doanh nghiệp.
Nghị quyết số 103/2023/QH15 yêu cầu Chính phủ tiếp tục nghiên cứu tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí... cho doanh nghiệp.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, với hơn 90% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Nghị quyết đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể trong năm 2024 như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6,0-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1-24,2%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,0-4,5%...

Để đạt được các chỉ tiêu này, Nghị quyết số 103/2023/QH15 đã đề ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đó là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Theo đó, trong năm 2024, Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác, nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), bám sát định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường năng lực phân tích dự báo, nắm chắc tình hình, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả với các vấn đề mới phát sinh. 

Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát thế giới, khu vực, nhất là diễn biến giá năng lượng để hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ phù hợp; cân đối hài hòa giữa việc giảm lãi suất và ổn định tỷ giá. Tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất và đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng.

Đồng thời, có giải pháp cụ thể để sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, không để tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý thu ngân sách nhà nước chặt chẽ, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, khai thác tối đa nguồn thu còn dư địa và có giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu hiệu quả, bền vững; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép; nghiên cứu tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, cơ cấu lại nợ; ban hành và kịp thời triển khai các chính sách phù hợp, hiệu quả liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.

Nghị quyết cũng yêu cầu phát triển mạnh thị trường trong nước và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, du lịch, mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu, phấn đấu thặng dư thương mại bền vững; thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.