Uỷ ban Chứng khoán nỗ lực “khả thi hóa” quy định nới room

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

“Dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 60/2015 về nới room cho NĐT nước ngoài sẽ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) công bố tại Hội thảo diễn ra vào ngày thứ Năm tới (13/8), để lấy ý kiến các thành viên thị trường góp ý cho dự thảo thông tư này…”, Phó Chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long cho hay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bao giờ thực sự nới room?

Đó là một trong những câu hỏi được nhiều bạn đọc đặt ra cho ông Nguyễn Thành Long, với tư cách là khách mời tại cuộc Tọa đàm "Nới room: Đón nhận cơ hội và thách thức từ dòng vốn nước ngoài”, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức. Một câu hỏi nóng khác cũng được giới đầu tư, DN đặt ra cho đại diện UBCK là bao giờ ban hành thông tư về nới room khi thời điểm Nghị định 60/2015 hướng dẫn Luật Chứng khoán có hiệu lực đang cận kề (ngày 1/9)?

“Để triển khai Nghị định 60/2015, thực hiện chỉ đạo rất quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Tài chính, UBCK đã hoàn tất dự thảo Thông tư hướng dẫn về nới room cho NĐT nước ngoài và thứ Năm tuần này, sẽ công bố lấy ý kiến các thành viên thị trường…”, ông Long nói và cho biết thêm, trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý từ các bên liên quan, UBCK sẽ sớm hoàn tất dự thảo để trình Bộ Tài chính ban hành, qua đó đưa quy định về nới room đi vào cuộc sống.

Trong dự thảo Thông tư, UBCK đã tích hợp các quy định của Luật Doanh nghiệp mới. Đặc biệt, các tổ chức phát hành có thể tra cứu được ngành nghề kinh doanh của mình, cũng như tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đầu tư, để dễ dàng trong thực hiện quy định về nới room.

Theo ông Long, dự thảo Thông tư có các quy định nhằm hướng dẫn các thủ tục hành chính, chẳng hạn việc lấy ý kiến ĐHCĐ về tỷ lệ sở hữu nước ngoài; hoặc tham vấn các cơ quan quản lý kinh doanh (các sở Kế hoạch Đầu tư) và các cơ quan quản lý chuyên ngành về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (đối với các DN trong nhóm 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện). Một số nhóm DN thuộc lĩnh vực chứng khoán, có thể triển khai ngay việc lấy ý kiến ĐHCĐ về tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Nhiều chuyên gia đặt vấn đề không phải trên thị trường đã hết room cho khối ngoại, mà là câu chuyện thiếu hàng hóa tốt. Phải chăng việc nới room chỉ tập trung giải quyết vấn đề hết room cho một số ít cổ phiếu?

Theo ông Long, hiện có khoảng 40 công ty trên tổng số gần 700 công ty niêm yết đang gần cạn room. Tuy chỉ chiếm khoảng 6% số DN niêm yết, nhưng giá trị vốn hóa của các DN này chiếm tới trên 30% toàn thị trường. Đây thực sự là những DN lớn, thậm chí có quy mô tầm cỡ khu vực, luôn là đối tượng được NĐT nước ngoài quan tâm.

Nếu các DN này được nới room sẽ gia tăng đáng kể sự tham gia của NĐT nước ngoài vào TTCK Việt Nam. 94% DN niêm yết còn lại thuộc nhóm DN vừa và nhỏ, nếu vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp như hiện tại, thì dư địa cho NĐT nước ngoài đầu tư vào không nhiều, bởi các DN này không đủ lớn cho một hạng mục đầu tư của các tổ chức đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, theo lãnh đạo UBCK, việc nới room còn tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn thị trường. Theo đó, cùng với việc mở cửa TTCK, khả năng nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là khả thi. Điều này giúp TTCK Việt Nam lọt vào tầm ngắm của nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài lớn hơn, đồng thời giúp các tổ chức đầu tư này gia tăng nguồn vốn phân bổ vào TTCK Việt Nam. Việc kích cầu dòng vốn ngoại, còn hỗ trợ thúc đẩy nhanh và hiệu quả hơn quá trình cổ phần hóa các DNNN.

Doanh nghiệp cần làm gì để hấp dẫn vốn ngoại?

Đó là câu hỏi được nhiều DN đặt ra. Giải đáp mối quan tâm lớn này của nhiều DN, ông Long cho rằng, quy định về nới room là điều kiện cần, còn điều kiện đủ tùy thuộc vào nỗ lực cũng như mục tiêu của chính DN. Để thu hút NĐT nước ngoài quan tâm, bỏ vốn đầu tư vào DN, thì bản thân DN phải nỗ lực rất nhiều.

Theo đó, các DN phải chú ý tới nâng cao chất lượng quản trị để bảo đảm hài hòa các lợi ích và bảo vệ được quyền của cổ đông. Ngoài cần chú trọng nâng cao chất lượng công bố thông tin, các DN cũng cần tăng cường tính tuân thủ các quy định pháp luật cũng như các quy định nội bộ. Cùng với đó, DN cần tăng cường quản trị rủi ro, có kế hoạch đầu tư kinh doanh rõ ràng, nâng cao sức cạnh tranh…

“Để tránh rơi vào tình trạng hôm nay DN tốt, nhưng ngày mai không tốt, ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực thu hút và níu giữ dòng vốn ngoại ở lại lâu với DN, điều quan trọng là các DN cần theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, minh bạch…”, ông Long khuyến nghị đồng thời lưu ý thêm, chỉ khi DN hoạt động thực sự minh bạch gắn liền với trách nhiệm giải trình, thì mới tạo dựng được lòng tin trong giới đầu tư.

Đề phòng nguy cơ bị thâu tóm

“Tác dụng phụ”của quyết định nới room cho NĐT nước ngoài mà nhiều DN quan ngại là có nguy cơ bất ngờ bị thâu tóm ngoài ý muốn. Cách gì để giảm thiểu tác động tiêu cực này?

“Tôi nghĩ vấn đề này đặt ra với Nghị định 60/2015 là không hoàn toàn hợp lý, vì văn bản này đã có quy định trao cho DN quyết định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, nên sẽ không thể có tình trạng thâu tóm mà DN không biết...”, ông Long nhìn nhận và phân tích: không phải mọi trường hợp thâu tóm là xấu. Nó chỉ tác động tiêu cực với các trường hợp thâu tóm thù nghịch, không minh bạch, hoặc thâu tóm để chiếm ưu thế tuyệt đối, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh…

Vấn đề trên trong lĩnh vực chứng khoán đã được xử lý. Theo đó, với công ty đại chúng đã có quy định về chào mua công khai: một NĐT hoặc một nhóm NĐT muốn nắm giữ để sở hữu trên 25% cổ phần trở lên tại một DN, thì phải thực hiện chào mua công khai, để các cổ đông có thể theo dõi và quyết định việc bán cổ phần của mình. Còn đối với những công ty chưa đại chúng, khi NĐT nước ngoài muốn nâng tỷ lệ sở hữu thì họ phải mua cổ phần của từng cổ đông khác nhau. “Đây là thỏa thuận dân sự thuần túy của hai bên: bán hay không bán, bán bao nhiêu, với giá nào..., nên chúng ta phải tôn trọng, vì đây là tài sản của họ”, ông Long nói.

Ông Long cho biết thêm, để bảo đảm các hoạt động thâu tóm nói riêng, hay các hoạt động tập trung kinh tế nói chung không ảnh hưởng tới sự cạnh tranh lành mạnh, pháp luật về cạnh tranh đã đưa ra những quy định rất cụ thể về các trường hợp bị cấm. Có thể nói, để hạn chế việc thâu tóm thù nghịch, hiện có nhiều văn bản pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, pháp luật về DN, về cạnh tranh... điều chỉnh. Cơ chế giải quyết các vấn đề này cũng hoàn toàn theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, để ngăn chặn hoạt động thâu tóm thù nghịch, bản thân DN cần thực hiện một số giải pháp tự vệ như: phát hành cổ phiếu ưu đãi, cổ phiếu cho người lao động (ESOP), quyền mua cổ phiếu của công ty đi thâu tóm, thực hiện thâu tóm ngược...

“Nhà đầu tư ngoại có thêm món ngonđể lựa chọn”

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tếTrung ương

Trong danh mục DNNN đang được thúc đẩy cổ phần hóa, có nhiều DN trong tầm ngắm của NĐT nước ngoài. Quy định mới về nới room theo Nghị định 60/2015 như là chất xúc tác để đẩy nhanh thêm quá trình cổ phần hóa theo cả chiều rộng và chiều sâu, đồng thời gắn chặt hơn quá trình chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng với đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK. Qua đó bổ sung thêm cho thị trường nhiều mặt hàng có chất lượng. Điều này giúp NĐT nước ngoài có thêm nhiều “món ngon” để lựa chọn khi tìm kiếm cơ hội đầu tư vào TTCK Việt Nam.

Nới room mở ra cơ hội lớn hơn cho khối ngoại tham gia TTCK Việt Nam. Ở chiều ngược lại, quy định mới này giúp các DN Việt Nam có thêm các nguồn lực phát triển, nhất là nguồn lực vốn ngoại. Dĩ nhiên, cơ hội luôn đi liền với thách thức, nên các DN cần chủ động gia tăng sức đề kháng để tận dụng tối đa mặt tích cực của nới room, đồng thời giảm thiểu các tác động không mong muốn.