Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thứ 23

Bảo Thương

Sáng 13/5/2023 , sau 4,5 ngày làm việc việc rất khẩn trương, tích cực, trách nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 23. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 23.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 23.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành 17 nội dung dự kiến

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 4,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành 17 nội dung dự kiến và cho ý kiến, giải quyết thêm 2 nội dung bổ sung. Từng nội dung đều đã có kết luận cụ thể, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội rà soát để sớm ban hành thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Bên cạnh đó, vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, để có thẩm tra chính thức.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội rà soát để thẩm tra chính thức các nội dung, bảo đảm hoàn thiện hồ sơ tài liệu để gửi các đại biểu Quốc hội. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngay sau Phiên họp thứ 23, Tổng Thư ký Quốc hội rà soát và có văn bản thông báo các việc còn chậm và nêu rõ thời hạn cuối cùng để giao việc cho các cơ quan hữu quan, cả cơ quan trình và cơ quan thẩm tra. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ nguyên tắc là không xem xét, không đưa vào chương trình kỳ họp các nội dung quá thời hạn, không đủ điều kiện để bảo đảm kỷ luật thực hiện quy định của pháp luật. Đồng thời, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội rà soát các nội dung phải báo cáo định kỳ để có thông báo với các cơ quan bổ sung gửi Quốc hội theo đúng quy định.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, trước thềm khai mạc Kỳ họp thứ 5, sẽ có họp giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Cán sự đảng Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan hữu quan và TP. Hà Nội để rà soát lại toàn bộ công tác bảo đảm cho kỳ họp và sẽ có họp báo để cung cấp thông tin về kỳ họp theo quy định của pháp luật.

Đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Trước đó, dưới dự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh Phiên họp.
Quang cảnh Phiên họp.

Trình bày Tờ trình về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã chỉnh lý dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội; gửi văn bản đề nghị các cơ quan hữu quan hoàn thiện hồ sơ tài liệu của Kỳ họp thứ 5 để gửi đại biểu Quốc hội đúng thời gian quy định. 

Đến nay, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được ý kiến góp ý của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và một số đại biểu Quốc hội; các ý kiến cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình, đồng thời đề nghị một số vấn đề cụ thể. Chính phủ cũng tiếp tục đề nghị bổ sung một số nội dung vào dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 5.

Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến góp ý, căn cứ tình hình thực tế, cân nhắc thời gian, cách thức tiến hành kỳ họp và yêu cầu riêng đối với một số nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường dự kiến tiếp thu, điều chỉnh thứ tự, thời điểm, thời gian xem xét một số nội dung cho phù hợp.

Trong đó, tăng thời gian trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội 03 nội dung về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024; Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3 và thứ 4 của Quốc hội...

Bên cạnh đó, đề nghị giữ thủ tục trình bày tờ trình, báo cáo để bảo đảm thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật; bố trí kỳ họp thành 02 đợt với dự kiến tổng thời gian làm việc là 22 ngày theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị các nội dung bảo đảm yêu cầu, điều kiện đặt ra để kịp trình Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến phần lớn các nội dung của kỳ họp.

Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối và phục vụ tốt nhất cho kỳ họp. Đến nay, công tác phục vụ các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh... đã cơ bản hoàn tất để sẵn sàng phục vụ kỳ họp.

Cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đối với việc thực hiện quy trình thủ tục đọc báo cáo tại Kỳ họp, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan cần giám sát kỹ việc chuẩn bị tài liệu của các cơ quan, để đảm bảo đúng thời lượng trình bày báo cáo theo dự kiến chương trình. 

Đối với báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần chuẩn bị báo cáo thật kỹ lưỡng, vì đây là vấn đề lớn, đa chiều, đảm bảo các đại biểu phát biểu tập trung, đúng trọng điểm. Nhằm khắc phục vấn đề chậm gửi tài liệu của các cơ quan, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần khẩn trương trong công tác chuẩn bị, kịp thời gửi trước và cập nhật liên tục tài liệu cho các đại biểu Quốc hội để đảm bảo thời gian nghiên cứu.

Phát biểu tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị điều chỉnh tên báo cáo trong dự kiến chương trình kỳ họp là: Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, đây là lần đầu Quốc hội thảo luận về nội dung này nên Ban Dân nguyện sẽ rà soát kỹ lưỡng, trước khi gửi đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, Ban Dân nguyện cũng xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan liên quan để tiến hành tiếp công dân.