Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết thành lập TP. Phổ Yên
Chiều ngày 15/02, sau khi nghe tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã nhất trí biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thị xã Phổ Yên nằm ở vị trí cửa ngõ phía Nam của tỉnh Thái Nguyên, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội với chức năng là trung tâm kinh tế, thương mại và dịch vụ phía Nam của tỉnh.
Việc thành lập TP. Phổ Yên trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Phổ Yên là cần thiết, tạo thuận lợi cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền đô thị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đô thị Phổ Yên nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung.
Tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ, việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập TP. Phổ Yên thuộc tỉnh Thái Nguyên đảm bảo các điều kiện quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; phù hợp với Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 và Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035.
Việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập TP. Phổ Yên thuộc tỉnh Thái Nguyên đều đạt đủ tiêu chuẩn được quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Đặc biệt, phương án thành lập các phường và thành lập TP. Phổ Yên đã được đa số cử tri đồng thuận, nhất trí cao. Trong đó, 9/9 xã đồng ý thành lập phường và đa số cử tri toàn thị xã Phổ Yên đồng ý thành lập TP. Phổ Yên.
Trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập 09 phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên với những lý do nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ.
Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên đã bảo đảm đầy đủ điều kiện và tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị; việc thành lập TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, phân loại đô thị, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, việc thành lập TP. Phổ Yên sẽ có nhiều tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hoá, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội cũng như đời sống của người dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, cũng sẽ có nhiều vấn đề phát sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống của người dân, môi trường, quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan đô thị trên địa bàn…
Do vậy, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên cần quan tâm, đề ra định hướng, giải pháp toàn diện đầu tư xây dựng, phát triển TP. Phổ Yên và các phường sau khi được thành lập, bảo đảm phát triển đô thị theo hướng bền vững, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ số, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình chưa xác định thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết, Uỷ ban Pháp luật đề nghị xác định ngày có hiệu lực thi hành của Nghị quyết là ngày 10/4/2022 để các cơ quan, tổ chức và địa phương kịp thời kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới được thành lập.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, qua thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập TP. Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên trên cơ sở nâng cấp nguyên trạng.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Tờ trình, Đề án của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật; đồng thời đánh giá cao sự chuẩn bị của tỉnh Thái Nguyên và sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Hồ sơ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo đầy đủ theo quy định và đủ điều kiện để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết.