Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nhiều nội dung lớn trong công tác lập pháp
Sáng ngày 15/02, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thường kỳ thứ 08. Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 2,5 ngày làm việc xem xét 8 nội dung lớn trong công tác lập pháp, đồng thời cho ý kiến và quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 2,5 ngày làm việc xem xét 8 nội dung lớn trong công tác lập pháp, đồng thời cho ý kiến và quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện cơ quan hữu quan tập trung cho phiên họp để bảo đảm hoàn thành phiên họp với chất lượng cao nhất.
Cụ thể, về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là những dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV dự kiến tổ chức vào tháng 5/2022. Do đó, bên cạnh việc cho ý kiến tiếp thu, giải trình, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những công việc tiếp theo trên cơ sở quy định của pháp luật để khi đưa dự án ra thảo luận trước Quốc hội bảo đảm cao nhất về mặt chất lượng chất và tiết kiệm nhất về thời gian.
Đối với dự án Luật Cảnh sát cơ động, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, sự phối hợp giữa cảnh sát cơ động với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát cơ động.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung cho ý kiến về một số vấn đề lớn liên quan đến giao quyền đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là nội dung được đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua, nhất là việc phân chia lợi ích giữa các bên khi chuyển giao kết quả nghiên cứu. Bên cạnh đó, còn có quy định về thu hẹp phạm vi xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ còn ý kiến khác nhau; về các nội dung lớn trong từng nhóm quyền tác giả và các quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.
Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan, Luật Khoa học, công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Giá… Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua rà soát cho thấy có sự liên quan đến các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới phát sinh, Ủy ban Thương vụ Quốc hội cần xem xét cho ý kiến về việc có nhất thiết phải sửa đổi luật liên quan.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đối với những dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền, trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp trước khi tổ chức các hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, trước khi trình Quốc hội thông qua cần có cách thức để lấy ý kiến của Phòng Thương mại, Công nghiệp Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ngoài ra, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là lần thứ hai Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung này, tuy nhiên trước đây chưa đảm bảo yêu cầu và Chính phủ phải trình lại.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung xem xét kỹ lưỡng về điều kiện, hồ sơ, tài liệu, nội dung chính sách đề ra trong dự án luật có đảm bảo khắc phục được hạn chế, bất cập, giải quyết được vấn đề mới phát sinh để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân; đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, cũng là thể chế hóa được tinh thần, chủ trương của Đảng liên quan đến Nghị quyết về chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới.
Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.
Cũng tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền đô thị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn và nguyện vọng của Nhân dân, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể của thị xã Phổ Yên.
Ngoài ra, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Xem xét dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu; Xem xét báo cáo về công tác dân nguyện là nội dung thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngay sau lễ khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động.