Vai trò của thị trường chứng khoán phái sinh trong cấu trúc thị trường tài chính
Thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh bản chất là thị trường phòng ngừa rủi ro cho hoạt động đầu tư trên các mảng thị trường khác. Trên thế giới, TTCK phái sinh ngày càng phát huy vai trò là giải pháp hữu hiệu để giữ chân nhà đầu tư, tránh tình trạng nhà đầu tư tháo chạy khi thị trường cơ sở sụt giảm, mà không phải hút nguồn tiền của thị trường cơ sở.
Trên thế giới, phần lớn các nước có thị trường tài chính phát triển đều ưu tiên xây dựng và phát triển TTCK phái sinh như một cấu phần không thể thiếu trong cấu trúc thị trường tổng thể. TTCK phái sinh bản chất là thị trường phòng ngừa rủi ro cho hoạt động đầu tư trên các mảng thị trường khác, bao gồm cả TTCK cơ sở cũng như thị trường hàng hóa. Theo đó, nhà đầu tư có nhiều cơ hội và nhiều phân khúc thị trường để đa dạng hóa dòng tiền đầu tư và giảm thiểu rủi ro.
Theo các chuyên gia chứng khoán, cơ chế phòng ngừa rủi ro của TTCK phái sinh là khi lo ngại giá thị trường của tài sản cơ sở bị biến động mạnh, các nhà đầu tư sẽ mở các vị thế mua/bán sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro. Khi giá trên thị trường cơ sở sụt giảm, thay vì bán tài sản cơ sở để cắt lỗ, nhà đầu tư sẽ đóng các vị thế bán trên TTCK phái sinh để hiện thực hóa lợi nhuận, bù đắp cho phần giá trị thiệt hại của danh mục tài sản cơ sở với chi phí thấp, giúp bảo vệ tài sản của nhà đầu tư, giảm áp lực bán tháo trên thị trường cơ sở.
TTCK phái sinh cho phép nhà đầu tư có thể tìm kiếm lợi nhuận dựa vào biến động giá qua hoạt động mở, đóng vị thế liên tục ngay trong phiên, hạch toán bù trừ theo thời gian thực và bù trừ thanh toán ngay trong ngày (marking to market). Đặc biệt, TTCK phái sinh cho phép giao dịch 2 chiều giúp nhà đầu tư kiếm lợi nhuận ngay cả khi thị trường cơ sở giảm. Ngoài ra, trong chiến lược giao dịch trên TTCK phái sinh, các CTCK còn thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chêch lệch giá giữa 2 thị trường cơ sở và phái sinh (arbitrage).
Vì vậy, đối với các nhà đầu tư ngắn hạn, khi thị trường cơ sở trong xu hướng giảm ngắn hạn hay trung hạn, thậm chí giảm dài hạn, khả năng kiếm được lợi nhuận ngắn hạn trên thị trường cơ sở là rất khó khăn. Thay vào đó, nhà đầu tư sẽ tìm kiếm lợi nhuận từ TTCK phái sinh.
Có thể nói, khi thị trường cơ sở sụt giảm, cơ hội kiếm lợi nhuận ngắn hạn là thấp, sẽ kích thích tất cả các thành phần nhà đầu tư trên TTCK phái sinh (phòng vệ rủi ro - hedging; đầu cơ rủi ro - speculating; chênh lệch giá - arbitrage) tích cực tham gia giao dịch trên thị trường này hơn, và thanh khoản tăng đột biến như một hệ quả tất yếu.
Theo quy luật thị trường, ở đâu có cơ hội sinh lời thì ở đó thu hút dòng tiền đầu tư. Điều đó giải thích tại sao thanh khoản của TTCK phái sinh thông thường sẽ tăng rất mạnh trong các giai đoạn thị trường cơ sở biến động mạnh, bất kể theo chiều tăng hay giảm. TTCK phái sinh ngày càng phát huy vai trò là giải pháp hữu hiệu để giữ chân nhà đầu tư, tránh tình trạng nhà đầu tư tháo chạy khi thị trường cơ sở sụt giảm, mà không phải hút nguồn tiền của thị trường cơ sở.
Tại Việt Nam, sự ra đời của TTCK phái sinh vào năm 2017 là một bước tiến quan trọng giúp hoàn thiện cấu trúc TTCK. Sau hơn 5 năm hoạt động, thị trường thu hút sự tham gia ngày càng tích cực của các nhà đầu tư.
Số liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho thấy, tính đến hết tháng 11/2022, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt hơn 1,15 triệu tài khoản. Khối lượng hợp đồng mở (OI) của Hợp đồng tương lai VN30 từ 8.077 hợp đồng tại thời điểm cuối năm 2017 đã tăng lên 49.170 hợp đồng vào cuối tháng 10/2022. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong 10 tháng đầu năm 2022 cũng tăng mạnh chiếm 1,9% của toàn thị trường so với con số 0,1% của năm 2017...
Có thể nói, trong năm 2022, thị trường cơ sở có nhiều biến động do điều kiện kinh tế vĩ mô, tình hình Việt Nam và thế giới, TTCK phái sinh đã phát huy vai trò tích cực, là một kênh đầu tư mới cho thị trường, giúp nhà đầu tư đa dạng hóa dòng tiền đầu tư, giảm thiểu rủi ro và nắm bắt cơ hội sinh lời.
Theo các chuyên gia chứng khoán, sự phát triển quy mô thị trường phái sinh, mức độ chuyên nghiệp của nhà đầu tư chính là một trong những yếu tố quan trọng để các tổ chức quốc tế xem xét việc nâng hạng TTCK Việt Nam tiến tới trở thành thị trường mới nổi.