Vai trò Kiểm toán Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư công

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), hằng năm, Chính phủ đã phải chi khoảng 20% dự toán ngân sách quốc gia cho hoạt động đầu tư xây dựng, chưa kế đến đầu tư của các doanh nghiệp và của người dân. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư xây dựng là một lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn đối với sự vận hành của nền kinh tế đất nước, diễn ra liên quan đến nhiều cơ quan, bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp..., nên việc giám sát và đong điếm kết quả rất phức tạp, hiệu quả còn nhiều hạn chế cần có giải pháp bổ khuyết.

Vai trò Kiểm toán Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư công
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Kiến nghị xử lý tài chính 5.122 tỷ đồng

Trong 4 năm gần đây (từ 2010 đến năm 2013),với chức năng, nhiệm vụ được giao, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 76.391 tỷ đồng, tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước 26.559 tỷ đồng, kiến nghị Chính phủ và các các cơ quan thuộc Chính phủ hủy bỏ, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung 180 văn bản quy phạm pháp luật.

Lĩnh vực đầu tư xây dựng cũng là một trong những lĩnh vực được KTNN quan tâm lựa chọn đầu mối kiểm toán thường xuyên. Thống kế 4 năm gần đây (từ năm 2010 đến 2013) cho thấy, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 5.122 tỷ đồng chiếm 6,71% giá trị kiến nghị xử lý tài chính của KTNN. Một số sai sót, tồn tại chủ yếu trong công tác quản lý điều hành lĩnh vực đầu tư xây dựng cũng được KTNN đề cập nhằm hướng tới giúp Chính phủ và các cơ quan điều hành NSNN kịp thời chấn chỉnh.

Hoạt động xây dựng là sự liên kết của một chuỗi các hoạt hoạt động khác bao gồm: lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, thi công xây dựng công trình, giám sát thi công công trình, quản lý dự án đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng và còn rất nhiều các hoạt động khác liên quan đến xây dựng công trình; có liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều chủ thể kinh tế như các cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp liên quan đến xây dựng, chủ đầu tư xây dựng công trình, các doanh nghiệp thi công xây dựng, các tổ chức tư vấn đầu tư xây dựng, các tổ chức cung ứng vật tư, thiết bị…, nên rất dễ xảy ra tiêu cực khó kiểm soát.

Mặc dù chưa chưa có một thống kê cụ thể để nêu ra được tỷ lệ và số liệu chính xác về thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng được sử dụng nguồn vốn NSNN hằng năm là bao nhiêu nhưng thất thoát, lãng phí là có thực và nó xảy ra ở tất cả các khâu, các giai đoạn của quá trình đầu tư, từ chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, cấp phát vốn đầu tư, đến khâu nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng và quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình.

Phòng chống thất thoát trong đầu tư xây dựng

Để giải quyết cơ bản tình trạng trên, KTNN cũng đề xuất một số giải pháp đáng chú ý.

Thứ nhất, nhóm giải pháp liên quan đến con người, cá nhân thực hiện. Cần xác định rõ người đứng đầu, quyết định là người chịu trách nhiệm toàn bộ cho mọi sai phạm trong một quá trình chứ không phải là trách nhiệm tập thể.

Thứ hai, nhóm giải pháp liên quan đến xây dựng hành lang pháp lý. Cần rà soát các quy định hiện tại một cách quy mô, đầy đủ để sửa đổi, bổ sung để từ đó hình thành một hệ thống các quy định quản lý đầu tư xây dựng rõ ràng, dễ hiểu, minh bạch và phù hợp với thực tế hoạt động đầu tư xây dựng trong nước cũng như trong khu vực quốc tế mà Việt Nam tham gia.Nghiên cứu, áp dụng rộng rãi những hình thức đầu tư tiên tiến, giảm tối đa các giai đoạn trung gian trong hoạt động đầu tư, giảm tối đa thời gian chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án nhằm mang lại hiệu quả tối đa công tác đầu tư vốn.

Thứ ba, nhóm giải pháp liên quan đến công tác kiểm tra, thẩm định, thanh tra, kiểm toán. Cần tuyển chọn, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác thẩm định, thanh tra, kiểm toán có trình độ chuyên môn sâu, có tâm huyết, có đạo đức nghề nghiệp để thực hiện chức trách được giao. Hạn chế tối đa hoạt động chồng chéo đồng thời gắn với quy chế tự chịu trách nhiệm đối với từng tổ chức;

Nâng cao chất lượng kiểm toán nhà nước

Trong lúc cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư xây dựng đang từng bước hoàn thiện, tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, ngoài việc Nhà nước phải hoàn thiện cơ chế quản lý đầu tư, KTNN cần tăng cường thực hiện nhiều hơn nữa một số nhóm giải pháp.

Một là, chú trọng hơn việc phân tích để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân dẫn đến sai phạm trong từng khâu của quá trình thực hiện dự án như trách nhiệm của chủ đầu tư và các nhà quản lý đầu tư; trách nhiệm của các nhà thầu xây lắp, cung cấp thiết bị, vật tư; trách nhiệm của các nhà quản lý tư vấn... qua đó có thể đưa ra những kiến nghị xử lý một cách triệt để và hiệu quả.

Hai là, ngoài kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ, tích cực chuyển dần trọng tâm sang kiểm toán hoạt động; tăng cường kiểm toán trước đối với các dự án đầu tư, để tập trung phân tích tính đúng đắn của chủ trương đầu tư, sự phù hợp của hồ sơ thiết kế để có thể đưa ra những kiến nghị xử lý phù hợp. Có như vậy mới có thể ngăn chặn kịp thời thiệt hại ngay trước khi quyết định đầu tư dự án, thi công công trình, tránh lãng phí nguồn lực.

Ba là, tăng cường công khai kết quả kiểm các công trình bị thất thoát, lãng phí và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan, tạo nên áp lực mà các đơn vị không thể né tránh đồng thời tạo nên dư luận xã hội rộng rãi để công chúng cùng tham gia vào quá trình giám sát hoạt động của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, góp phần đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng NSNN.

Bốn là, tăng cường kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đồng thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ trách nhiệm đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc không thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN.