Vai trò tổ chức công tác kế toán trong các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam
Tổ chức công tác kế toán là một trong những nội dung có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vai trò quan trọng của kế toán chỉ được phát huy khi đơn vị kế toán tổ chức công tác kế toán một cách khoa học và hiệu quả. Đặc biệt, đối với các tập đoàn kinh tế thì tổ chức công tác kế toán càng có vai trò quan trọng.
Để phát huy chức năng, vai trò quan trọng của kế toán trong công tác quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như các hoạt động khác trong các tập đoàn kinh tế thì đòi hỏi phải tổ chức công tác kế toán một cách khoa học, hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của các đối tượng sử dụng thông tin.
Khái quát về tổ chức công tác kế toán trong doanh nghiệp
Tổ chức công tác kế toán là một trong những nội dung quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý tại doanh nghiệp (DN). Để phát huy vai trò của công tác này, đòi hỏi mỗi DN phải có sự thích ứng, linh hoạt với điều kiện về quy mô, đặc điểm tổ chức sản xuất kinh doanh gắn với những yêu cầu quản lý cụ thể tại đơn vị mình.
Luật Kế toán số 88/2015/QH13 của Quốc hội, các nghị định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính quy định cụ thể các nội dung cơ bản liên quan đến tổ chức công tác kế toán tại DN.
- Tổ chức bộ máy kế toán: Là sự sắp xếp, phân công công việc cho từng kế toán viên và tổ chức luân chuyển chứng từ trong phòng kế toán của DN. Một bộ máy kế toán được tổ chức tốt sẽ giúp cho các thủ tục hành chính của DN hoạt động hiệu quả (đúng thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí thuế DN...).
- Tổ chức vận dụng chứng từ kế toán: Khi có các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến hoạt động của mình, DN phải tổ chức lập chứng từ kế toán. Chứng từ kế toán là tài liệu gốc có tính bằng chứng, tính pháp lý và là thông tin quan trọng trong công tác kế toán của DN.
- Tổ chức hệ thống sổ kế toán: Sổ kế toán dùng để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các thông tin về nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh có liên quan đến đơn vị kế toán. DN phải tuân thủ các quy định chung về sổ kế toán được quy định tại Luật Kế toán. Trường hợp DN ghi sổ kế toán bằng máy vi tính, thì cũng phải thực hiện các quy định về sổ kế toán tại Luật Kế toán và chế độ sổ sách kế toán hiện hành. Sau khi khóa sổ kế toán trên máy vi tính phải in sổ kế toán ra giấy và đóng thành quyển riêng cho từng thời kỳ kế toán.
- Tổ chức hệ thống tài khoản kế toán: Tài khoản kế toán là phương tiện để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo từng đối tượng kế toán riêng biệt. Một DN bình thường sử dụng rất nhiều tài khoản kế toán khác nhau, tạo nên một hệ thống tài khoản kế toán.
- Lập và phân tích báo cáo kế toán: Đây là nội dung quan trọng trong hoạt động kế toán của DN. Nhà nước đã quy định thống nhất về nội dung, phương pháp, thời gian lập và gửi đối với các báo cáo kế toán định kỳ, đó là các báo cáo tài chính (BCTC), cung cấp thông tin cho các đối tượng quan tâm, sử dụng thông tin kế toán với những mục đích khác nhau để đưa ra các quyết định phù hợp. Ngoài BCTC, hệ thống báo cáo kế toán của DN còn bao gồm các báo cáo kế toán quản trị, không mang tính chất bắt buộc, nhằm cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu quản lý nội bộ ngành, nội bộ đơn vị. Do vậy, nội dung, hình thức trình bày, kỳ báo cáo kế toán được quy định tùy theo yêu cầu quản trị trong từng DN cụ thể.
- Tổ chức công tác kiểm tra kế toán: Công tác kiểm tra kế toán trong nội bộ DN thường do giám đốc và kế toán trưởng chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo. Trong bộ máy kế toán của DN nên cơ cấu riêng bộ phận kiểm tra kế toán hoặc nhân viên chuyên trách kiểm tra kế toán. Việc kiểm tra có thể được tiến hành với các nội dung hoặc từng nội dung riêng biệt, theo định kỳ hay đột xuất. Việc tổ chức công tác kiểm tra kế toán nhằm đảm bảo cho công tác kế toán trong các DN thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ và chức năng của mình trong công tác quản lý.
- Ứng dụng công nghệ xử lý thông tin trong công tác kế toán: Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán của DN không chỉ giải quyết được vấn đề xử lý và cung cấp thông tin nhanh chóng, thuận tiện, mà nó còn làm tăng năng suất lao động của bộ máy kế toán, tạo cơ sở để tinh giảm bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác kế toán.
Khái quát về tập đoàn kinh tế và đặc điểm của tập đoàn kinh tế
Hiện nay, quan niệm về tập đoàn kinh tế (TĐKT) và nhận diện về loại hình TĐKT ở các nước trên thế giới là rất đa dạng. Quan niệm về TĐKT có sự thay đổi và khác nhau theo thời gian, điều kiện, trình độ phát triển kinh tế, sự phân công chuyên môn hoá, hợp tác hoá giữa các DN, cách tiếp cận và mục tiêu quản lý ở mỗi nước.
Tuy nhiên, phần lớn các quan niệm đều đồng ý với cách hiểu sau: “TĐKT là tổ hợp các DN hoạt động trong một hay nhiều lĩnh vực khác nhau, ở phạm vi một nước hay nhiều nước, trong đó có một DN (Công ty mẹ) nắm quyền lãnh đạo, chi phối hoạt động của các DN khác (Công ty con) về mặt tài chính và chiến lược phát triển. TĐKT là một cơ cấu tổ chức vừa có chức năng kinh doanh, vừa có chức năng liên kết kinh tế nhằm tăng cường tích tụ, tập trung, nâng cao khả năng cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận trong hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Việc nghiên cứu đặc điểm của các TĐKT có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì chính những đặc điểm này có ý nghĩa quyết định đến việc tổ chức công tác kế toán tại TĐKT. Đặc điểm của TĐKT thể hiện ở những nội dung sau:
Thứ nhất, về tính chất pháp lý. TĐKT không có tư cách pháp nhân mà chúng chỉ là tập hợp của những công ty có tư cách pháp nhân. Như vậy, mỗi công ty trong tập đoàn là một pháp nhân độc lập và đều bình đẳng với nhau trước pháp luật. Dưới góc độ pháp lý, nếu một công ty thành viên trong tập đoàn vi phạm pháp luật thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến công ty mẹ và các công ty con khác. Mỗi công ty phải tự chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình trước pháp luật theo điều lệ của tập đoàn và theo quyết định của hội đồng quản trị.
Thứ hai, về phạm vi hoạt động. TĐKT có phạm vi hoạt động lớn, không chỉ trong một quốc gia mà còn vươn ra nhiều quốc gia khác nhau. Các Tập đoàn lớn thường có nhiều chiến lược linh hoạt trong đầu tư, việc sản xuất và phân phối sản phẩm không chỉ bó hẹp trong phạm vi nhỏ mà vươn ra ở nhiều vùng địa lý khác nhau.
Thứ ba, về quy mô hoạt động. TĐKT thường có quy mô lớn. Quy mô của TĐKT thể hiện cụ thể ở những chỉ tiêu như nguồn vốn, số lượng lao động, doanh thu hay tổng tài sản. Thực chất, quy mô hoạt động ngày càng lớn mạnh của các Tập đoàn chính là sự đáp ứng linh hoạt với môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Thứ tư, về ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh. Các TĐKT thường hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực để phân tán rủi ro, lại tận dụng được hết các tiềm năng về vật chất và lao động của tập đoàn. Tuy hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực, nhưng tập đoàn nào cũng có một lĩnh vực được gọi là chủ đạo, then chốt. Hầu hết các TĐKT tại Việt Nam đều là những tổ hợp có quy mô lớn, giữ vai trò nòng cốt trong những ngành nghề, lĩnh vực then chốt đối với nền kinh tế quốc dân như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. Bên cạnh các tập đoàn hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực thì cũng có những tập đoàn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tương đối hẹp để tận dụng và khai thác triệt để thế mạnh về chuyên môn và kỹ thuật công nghệ.
Thứ năm, về hình thức sở hữu. Các TĐKT đều tồn tại dưới hình thức đa chế độ sở hữu. Công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn có thể tồn tại dưới hình thức DN Nhà nước, công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh, công ty liên doanh với công ty nước ngoài… Do đó, tương ứng với từng hình thức sở hữu thì các công ty này sẽ hoạt động theo luật tương ứng, theo điều lệ của riêng mỗi công ty và theo điều lệ chung của công ty mẹ - công ty con.
Thứ sáu, về cơ cấu tổ chức của tập đoàn. Các tập đoàn đều có đặc điểm chung là thực hiện quản lý theo mô hình khối, trong đó có một DN giữ vai trò trụ cột. Mối quan hệ của DN này với các thành viên trong tập đoàn không phải là quan hệ cấp trên, cấp dưới hay quan hệ hành chính mà là mối quan hệ gắn kết về đầu tư tài chính và lợi ích kinh tế. Không có bộ máy quản lý cho cả Tập đoàn mà các đơn vị thành viên trong Tập đoàn đều có tư cách pháp nhân riêng, có quyền lực riêng và tổ chức bộ máy quản lý riêng.
Thứ bảy, về quan hệ quản lý vốn. Sự liên kết chủ yếu giữa các thành viên trong tập đoàn là thông qua quan hệ đầu tư về vốn. Bản chất của TĐKT là mối quan hệ về vốn giữa công ty mẹ và công ty con. Vốn của tập đoàn được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau và được sử dụng để đầu tư vào những công ty, những dự án có hiệu quả cao. Với các tập đoàn được hình thành theo mô hình công ty mẹ - công ty con thì công ty mẹ đầu tư toàn bộ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối ở các công ty con thông qua việc đầu tư vốn.
Đặc điểm của tập đoàn kinh tế tác động như thế nào đến tổ chức công tác kế toán?
Đặc điểm của các TĐKT có ý nghĩa quyết định đến việc tổ chức công tác kế toán tại TĐKT, cụ thể:
Thứ nhất, TĐKT không có tư cách pháp nhân, mà chỉ là tổ hợp của các pháp nhân kinh tế. Vì vậy, không thể coi tổ chức công tác kế toán TĐKT như là tổ chức công tác kế toán của một DN độc lập cho dù bỏ qua tính pháp lý của nó.
Thứ hai, trong TĐKT, các thành viên của nó đều thực hiện hạch toán độc lập, tổ chức công tác kế toán ở các đơn vị thành viên có thể chịu sự chi phối ảnh hưởng khác nhau bởi các quy chế tài chính và chế độ kế toán đặc thù tương ứng với loại hình DN của từng đơn vị thành viên đó.
Thứ ba, trong TĐKT, các đơn vị thành viên là các pháp nhân kinh tế, thực hiện hạch toán độc lập và phải lập báo cáo tài chính (BCTC) theo luật định, các BCTC này gọi là các BCTC riêng. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng thông tin của các đối tượng quan tâm không chỉ dừng lại ở phạm vi từng đơn vị riêng lẻ mở rộng ra phạm vi toàn tập đoàn.
Do vậy, ngoài việc các đơn vị trong tập đoàn phải lập BCTC riêng như các DN thông thường khác thì toàn bộ tập đoàn phải lập một BCTC chung để cung cấp thông tin tổng hợp về toàn bộ hoạt động của tập đoàn.
Vấn đề trọng tâm của tổ chức công tác kế toán trong TĐKT là việc phân công trách nhiệm lập BCTC hợp nhất và thiết lập mối quan hệ về hạch toán, tổ chức hướng dẫn kế toán của công ty mẹ với công ty con; kiểm tra, kiểm soát kế toán trong việc tổ chức thu nhận, xử lý, cung cấp những thông tin cần thiết phục vụ việc lập BCTC hợp nhất.
Thứ tư, công ty mẹ không phải là cấp trên của công ty con mà chỉ là người đầu tư, kiểm soát công ty con và có địa vị pháp lý bình đẳng với công ty con. Việc lập BCTC hợp nhất có thể thuộc trách nhiệm của kế toán ở công ty mẹ, nhưng không có nghĩa là phòng kế toán ở công ty mẹ trở thành phòng kế toán trung tâm của cả tập đoàn.
Thứ năm, về tổ chức bộ máy kế toán trong tập đoàn. Một TĐKT gồm các công ty mẹ và các công ty con không có tư cách pháp nhân, mà mỗi đơn vị trong đó là một pháp nhân độc lập. Do vậy, không có một bộ máy kế toán nào được thiết lập cho cả một TĐKT. Trong mỗi đơn vị thành viên cần bố trí nhân viên kế toán phù hợp để theo dõi các thông tin phục vụ cho việc lập BCTC.
Kết luận
Những đặc điểm đã được phân tích ở trên cho thấy, tổ chức công tác kế toán tại các TĐKT ở Việt Nam có vai trò rất quan trọng. Do mỗi TĐKT có một đặc thù riêng nên việc nghiên cứu các điểm đặc thù của từng tập đoàn để tổ chức công tác kế toán tại từng TĐKT một cách khoa học và có hiệu quả đang là một nhu cầu bức thiết để đáp ứng được nhu cầu quản lý tại các TĐKT, cũng như đáp ứng được nhu cầu thông tin của các đối tượng sử dụng thông tin bên trong và bên ngoài TĐKT.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán số 88/2015/QH13;
2. Chính phủ (2016), Nghị định số 174/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán năm 2015;
3. Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp;
4. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa;
5. Nguyễn Thanh Thủy (2017), Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Luận án tiến sĩ kinh tế, Học viện Tài chính;