Vai trò vốn tri thức đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Bài viết phân tích chi tiết các thành phần của vốn tri thức (vốn nhân lực, vốn cấu trúc và vốn quan hệ). Phương pháp nghiên cứu định tính được áp dụng để phân tích thu thập dữ liệu từ phỏng vấn sâu đối với 22 doanh nghiệp đang hoạt động tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam trong tháng 02/2024. Kết quả nghiên cứu chỉ ra một bức tranh nhận thức về tầm quan trọng của vốn tri thức tại các doanh nghiệp Việt Nam và một số khuyến nghị để tăng cường khai thác nguồn vốn đặc biệt này.
Tổng quan về vốn tri thức và quản trị vốn tri thức
Vốn tri thức
Có khá nhiều cách tiếp cận và luận giải về vốn tri thức. Tại nghiên cứu này sử dụng khái niệm: Vốn tri thức là giá trị của kiến thức, kỹ năng, đào tạo kinh doanh của công ty hoặc tổ chức hay bất kỳ thông tin độc quyền nào có thể cung cấp cho công ty một lợi thế cạnh tranh. Vốn tri thức được coi là một tài sản, là tập hợp tất cả các nguồn thông tin mà công ty có thể sử dụng để thu lợi nhuận, thu hút khách hàng mới, tạo ra sản phẩm mới hoặc cải thiện kinh doanh (Hà và cộng sự, 2021).
Các thành phần của vốn tri thức
Theo Stewart (1997), vốn tri thức được phân loại thành 3 thành phần chính, bao gồm: Vốn nhân lực (Human Capital), vốn cấu trúc (Structural Capital), Vốn quan hệ (Relationship Capital). Cả 3 thành phần này đều chiếm giữ vai trò rất quan trọng và có trách nhiệm bổ sung, củng cố lẫn nhau, là mối quan hệ bền chặt tạo nên một mạng lưới vững chắc và linh hoạt. Vốn nhân lực: là tất cả những yếu tố liên quan đến nhân sự trong một tổ chức; cụ thể như thể chất, tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm, uy tín… Vốn cấu trúc: là tất cả những yếu tố mang tính tổ hợp và “vô hình” mà tổ chức sở hữu. Nó hiện thân như tri thức tập thể, các quy trình nội bộ, ý chí và văn hóa chung của tổ chức... Vốn quan hệ: giá trị của mối quan hệ được thiết lập bên trong và với bên ngoài của tổ chức.
Khi so sánh về tầm quan trọng của từng thành phần trong vốn tri thức, nhận định được đưa ra rằng, vốn nhân lực được coi là thành phần quan trọng nhất, bởi vốn nhân lực bao gồm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, thái độ và khả năng của các thành viên trong tổ chức, theo nghiên cứu của (Bramhandkar, 2007; Hà và cộng sự, 2021). Về bản chất, vốn nhân lực không tách rời khỏi vốn tri thức, và không thuộc sự sở hữu cũng như sự kiểm soát hoàn toàn của công ty.
Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu định tính, thực hiện thông qua phỏng vấn chuyên sâu với giả thuyết nghiên cứu: Vốn tri thức có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Các thành phần của vốn tri thức đều có tác động thúc đẩy hoạt động kinh doanh của DN tốt hơn.
Mô hình nghiên cứu: Kế thừa nghiên cứu của (Hà và cộng sự, 2020), nghiên cứu này phân tích vai trò của vốn tri thức đến hoạt động kinh doanh của các DN như Hình 1.

Phương pháp chọn mẫu áp dụng là phương pháp chọn mẫu thuận tiện và vết dầu loang dựa trên tính khả năng có thể tiếp cận đối tượng phỏng vấn của tác giả. Sau đó, các đối tượng này tiếp tục giới thiệu tới các đối tượng khác phù hợp với tiêu chí của mẫu.
Quy mô mẫu nghiên cứu: Để thực hiện nghiên cứu định tính thì quy mô mẫu được đề xuất cần khoảng 20 doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng nghiên cứu. Các doanh nghiệp được lựa chọn là doanh nghiệp đang hoạt động và có văn phòng tại Hà Nội. Đối tượng phỏng vấn là các nhân sự cấp quản lý của các doanh nghiệp trên.
Thang đo: Nghiên cứu kế thừa từ các nghiên cứu đi trước để xây dựng bảng hỏi với 16 câu hỏi, trong đó bao gồm: Câu hỏi chung về đặc điểm của doanh nghiệp, hiểu biết chung về vốn tri thức gồm 3 câu hỏi; những nhận định về vai trò của vốn nhân lực trong doanh nghiệp bao gồm 3 câu hỏi. 4 câu hỏi tiếp theo sẽ đưa ra các quan điểm để lập luận về vai trò của vốn cấu trúc đối với hoạt động của doanh nghiệp; Sau đó, vai trò của vốn quan hệ đối với hoạt động kinh doanh sẽ bao gồm 5 câu hỏi. Cuối cùng, 1 câu hỏi nhận định chung về nguồn vốn nào trong 3 nguồn vốn trên có vai trò quan trọng nhất đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, nghiên cứu tiến hành phân tích, tổng hợp phục vụ mục đích đưa ra các giải pháp khai thác nguồn vốn tri thức cho các doanh nghiệp.
Kết quả nghiên cứu
Hiểu biết của các doanh nghiệp về vốn tri thức
Khi được hỏi về “hiểu biết về vốn tri thức”, tất cả đối tượng phỏng vấn đều nhận định: Vốn tri thức là kiến thức của người lao động trong tổ chức. Đa phần cho rằng, vốn tri thức chỉ là những kiến thức mà họ tích lũy được trong quá trình học tập, giao tiếp học hỏi hay chỉ là những kinh nghiệm, chiếm 70% doanh nghiệp. “Vốn tri thức rất là rộng có bao gồm những kiến thức về quá trình mà mình tích lũy trong quá trình học, kiến thức trong xã hội, giao tiếp học hỏi trong rất nhiều sách vở, những kinh nghiệm sống của mình tích lũy trong việc học và làm thực tế” Đại diện DN5 cho biết. “Theo tôi, vốn tri thức có liên quan đến năng lực nhân sự trong công ty thì nó là vấn đề quyết định tính sống còn và tính cạnh tranh của công ty trong xu thế phát triển chung của xã hội” Đại diện DN2 chia sẻ. Bên cạnh đó, các đối tượng phỏng vấn đều đánh giá cao vai trò của vốn tri thức đối với hoạt động của mỗi doanh nghiệp bằng việc sử dụng các từ ngữ rất đắt khi nhắc đến vốn tri thức: “vấn đề quyết định tính sống còn”, “tính cạnh tranh của công ty” hay ví von vốn tri thức như “bóng đèn đi trong đêm”.
Có thể nhận thấy rằng, với vốn tri thức các doanh nghiệp nhận thức chỉ nằm ở khía cạnh nhỏ, vốn tri thức bao gồm vốn nhân lực, vốn cấu trúc và vốn quan hệ. Các doanh nghiệp Việt Nam đang chỉ nhận thức và trú trọng vốn nhân lực và vốn cấu trúc chưa có sự để tâm về vốn quan hệ bởi các doanh nghiệp này phần lớn chưa có những chiến lược chính sách đối với các đối thủ, các nhà cung cấp hay các bên liên quan.
Nhận diện tầm quan trọng của vốn tri thức
Kết quả phỏng vấn cho thấy, tất cả đều đồng ý rằng vốn tri thức có vai trò quan trọng, có tác động thúc đẩy tới kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp của họ. Tuy vậy, sau khi phân biệt các thành phần của vốn tri thức và đánh giá về tầm quan trọng của từng thành phần nầy thì có đến 69% đối tượng phỏng vấn cho rằng vốn cấu trúc là quan trọng nhất với tổ chức, quan trọng hơn so với vốn nhân lực và vốn quan hệ. Mặc dù sự nhận diện về nguồn vốn này của các đối tượng phỏng vấn là chưa cao, nhưng với những mô tả về các thành phần của vốn tri thức của doanh nghiệp đang triển khai thì luận giải này là phù hợp khi những người tham gia phỏng vấn đều là quản lý nên họ nhận thấy tầm quan trọng của cấu trúc tổ chức và tập trung nhiều vào bên trong doanh nghiệp hơn là bên ngoài như vốn quan hệ và các nhân sự khác.
Nhận diện tầm quan trọng của vốn nhân lực
Hầu hết các ý kiến tham gia khảo sát đều khẳng định nhân lực đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với tổ chức, với 77% người tham gia cho rằng, vốn nhân lực là vô cùng quan trọng và 23% ý kiến cho rằng rất quan trọng. Theo đánh giá của đại diện DN3: “Nhân lực đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhân lực sẽ tham gia vào hầu hết tất cả các quá trình, không có con người thì công việc chắc chắn sẽ bị ngưng chệ”.
Khi đánh giá nguồn nhân lực trên 4 khía cạnh: trình độ, kiến thức, kỹ năng và thái độ, có tới đồng tình với quan điểm này khi 85% ý kiến đồng ý thái độ là quan trọng nhất, 15% ý kiến cho rằng trình độ chuyên môn quan trọng hơn. Với cương vị là những nhà quản lý, nhà lãnh đạo của những doanh nghiệp này, thì đa phần họ đề cao yếu tố thái độ nhất trong 4 yếu tố. Đại diện DN10 chia sẻ: “Đối với bên anh thì kiến thức và kỹ năng có thể đào tạo được, thái độ nó là cái xuất phát từ nền tảng chính là con người. Nếu làm dịch vụ mà không có thái độ tốt thì chắc chắn khách hàng sẽ bỏ hệ thống mà đi thôi”, một ý kiến khác của đại diện DN1: “Kỹ năng, kiến thức hay kinh nghiệm có thể đào tạo trong quá trình làm việc hay học tập, nhưng thái độ phải được tích lũy cả đời, là thứ bản thân tự giác ngộ, người khác rất khó có thể can thiệp”. Tuy vậy, có những doanh nghiệp đánh giá yếu tố trình độ và thái độ là 2 yếu tố quan trọng đối với doanh nghiệp mình. Đại diện DN3 chia sẻ: “Trình độ và thái độ là hai yếu tố chị quan tâm nhất”. Đồng tình với quan điểm này thì DN12 cho rằng “Với anh là trình độ và thái độ. Bên anh cần những bạn đã học, nghiên cứu, có kiến thức và sự am hiểu nhất định. Bên cạnh đó, các bạn cần phải có thái độ tốt trong công việc” với doanh nghiệp có quy mô lớn, nhân sự trong công ty phải kiến thức và sự am hiểu nhất định nên họ đề cao trình độ và thái độ.
Tuy vậy, khi xem tầm quan trọng của vốn nhân lực đối với lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, quyết định sự thành công của doanh nghiệp, thì 61,5% cho rằng là không quan trọng và chỉ có 39,5% đồng tình với tầm quan trọng này. Đại diện cho nhóm đồng tình, DN16 chia sẻ: “Nguồn nhân lực tốt và đảm bảo, hạt giống mà phát triển được thì chắc chắn hệ thống của anh sẽ cạnh tranh được với các hệ thống khác và nó sẽ là 1 ưu thế lớn để đưa tập đoàn phát triển mạnh hơn”. Nguồn nhân lực chính là yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm/dịch vụ. Sản phẩm, dịch vụ có tốt thì mới có khách hàng. Phản đối với quan điểm trên, DN8 cho rằng: “Sản phẩm tốt mới là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Một sản phẩm tốt không quyết định bởi con người”.
Theo giả thuyết ban đầu, vốn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự thành công của tổ chức. Tuy nhiên, kết quả phỏng vấn chuyên sâu lại đưa ra kết luận ngược lại. Các doanh nghiệp đồng tình với vai trò quan trọng của vốn nhân lực nhưng cho rằng vốn nhân lực không phải là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp.
Nhận diện tầm quan trọng của vốn cấu trúc
Tổng quan tất cả các thành viên tham gia phỏng vấn đều cho thấy, vốn cấu trúc đóng vai trò đáng kể đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, và được các nhà lãnh đạo đánh giá khá cao với mức độ đồng tình lên đến 92,3%. Đóng góp nhiều nhất là thành phần xây dựng cơ cấu bộ máy và quy trình nghiệp vụ đối với sự thành công của doanh nghiệp, đạt 69% ý kiến cho rằng: bộ máy tổ chức và quy trình nghiệp vụ tốt sẽ vô cùng quan trọng, rất quan trọng và quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp. Theo ý kiến đánh giá của DN5 “Bộ máy tổ chức là xương sống của tổ chức, còn quy trình nghiệp vụ là xương sống của các hoạt động”.
Về vai trò của văn hóa doanh nghiệp, nhiều sự đồng thuận về tầm quan trọng và mức độ đóng góp của văn hóa DN với kết quả hoạt động. Cũng có những ý kiến khác nhau do những hiểu chưa đầy đủ về văn hoá doanh nghiệp của tổ chức, như chi sẻ của DN21: “Văn hóa ở đây đơn giản chỉ là việc đi làm đúng giờ, cách nói chuyện hay thái độ tôn trọng với đồng nghiệp, với cấp trên hay với công việc của chính mình” đây có thể là những việc rất nhỏ nhặt nhưng nó tạo nên sự chuẩn mực và nề nếp của công ty. Theo chia sẻ của đại diện DN17: “DN có số lượng nhân viên ít nên DN chưa quan tâm đến yếu tố này. Mọi người làm việc với nhau chủ yếu dựa trên tình cảm và sự chia sẻ”. Qua chia sẻ này, cũng giống như hầu hết các công ty siêu nhỏ, số lượng nhân viên ít, cán bộ lãnh đạo chưa quan tâm nhiều đến văn hóa doanh nghiệp, tuy nhiên, cách mọi người làm việc với nhau bằng tình cảm và sự chia sẻ cũng chính là văn hóa.
Mức độ quan trọng của việc quản trị hệ thống thông tin đến kết quả hoạt động kinh doanh cũng đạt được tỷ lệ đồng thuận nhận được rất cao, với 84,6%. Đại diện DN13 chia sẻ “Các phần mềm quản lý chính là chìa khóa cho sự phát triển của hệ thống”. Những công có quy mô nhỏ, hệ thống thông tin trở thành điều tất yếu, để tinh gọn bộ máy, bắt kịp sự phát triển của môi trường, thay đổi phong cách làm việc, quản lý ngày càng chuyên nghiệp và hoàn thiện hơn. Còn đối với những công ty lớn thì việc sử dụng hệ thống thông tin là lựa chọn bắt buộc đối với thời điểm hiện tại, không thể theo dõi hoặc quản lý thủ công được cho nên việc thông qua các hệ thống quản trị dễ dàng truy xuất hoặc phổ biến thông tin đến các bộ phận.
Nhận diện tầm quan trọng của vốn quan hệ
Kết quả nghiên cứu cho thấy, vai trò của vốn quan hệ rất đáng chú ý và được các doanh nghiệp coi trọng, quan tâm và đánh giá cao. Trong đó, các nhà quản trị đều có rằng quan hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng, với đối tác và quan hệ giữa các thành viên trong doanh nghiệp chiếm vai trò rất lớn. Có tới 69,2% các thành viên tham gia phỏng vấn khẳng định rằng, việc xây dựng mối quan hệ của doanh nghiệp với các bên liên quan nằm ở mức quan trọng trở lên trong việc tạo nên sự thành công của doanh nghiệp.
Theo ý kiến của đại diện DN20 “Quan hệ khách hàng thuộc về mỗi doanh nghiệp nhưng quan hệ với các đối tác sẽ được hưởng nhiều ưu đãi nếu mình có mối quan hệ tốt. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận và doanh thu của DN”. Đại diện DN4 chia sẻ rằng: “Mối quan hệ xây dựng dựa trên nguyên tắc win - win 2 bên đều có lợi, song đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chú trọng hơn trong việc xây được các mối quan hệ. Bởi thứ nhất là ổn định nguồn lực về hàng hóa, thứ hai là thị trường nội bộ”. Tuy vậy, đại diện ND14 chia sẻ rằng “Theo quan điểm cá nhân, cần đề cao chất lượng, dịch và trải nhiệm của khách hàng. Đó mới là quyết định thành công của doanh nghiệp”. Câu trả lời này đã đi ngược lại với số đông các câu đánh giá rằng xây dựng mối quan hệ là quan trọng. Chất lượng và dịch vụ của sản phẩm là điều kiện kiên quyết đưa được sản phẩm tiếp xúc và đáp ứng nhu cầu của khách hàng là hướng đi lâu dài và bền vững của doanh nghiệp.
Trong các thành tố của vốn quan hệ thì mối quan hệ với khác hàng và đối tác được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất với 100% các đáp viên đồng thuận. Theo chia sẻ của địa diện DN18, mối quan hệ với khách hàng là mối quan hệ sống còn của mỗi doanh nghiệp, nhà cung cấp quyết định đầu vào của doanh nghiệp, khách hành quyết định tới đầu ra của doanh nghiệp và “phải có khách hàng mới bán được hàng và có doanh số, nhưng có đối tác, có nhà cung cấp mới có hàng để bán.”
Kết luận và một số khuyến nghị
Qua phân tích cũng như khảo sát thì các doanh nghiệp quan tâm đến vốn tri thức và nhận định về tầm quan trọng của vốn tri thức, xác định vốn tri thức có tác động thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp của mình. Trong đó, điều đặc biệt là các doanh nghiệp nhận định vốn cấu trúc là quan trọng nhất. Với kết quả đó, tác giả đề xuất các giải pháp để tăng cường khai thác vốn tri thức gồm:
Thứ nhất, tăng cường vốn cấu trúc. Xây dựng cơ sở dữ liệu hợp nhất là yêu cầu cấp thiết đối với nước ta hiện nay. Bên cạnh đó, đảm bảo cho sự thông suốt cho quá trình hoạt động; Đổi mới tổ chức, cải tiến quy trình, nâng cao trình độ quản lý, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Thứ hai, tăng cường vốn con người: Mở rộng các ngành đào tạo, hoàn thiện hệ thống chương trình đào tạo, dạy nghề thống nhất và chuyên nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ công chức, người lao động trong các doanh nghiệp. Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các mô hình xã hội hóa, mô hình đào tạo theo nhu cầu của thị trường, mô hình đào tạo liên kết “Doanh nghiệp – Viện – Trường”, mô hình liên danh, liên kết quốc tế... để cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực đủ về số lượng, cao về trình độ và chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ ba, tăng cường vốn quan hệ: Tăng cường hợp tác, liên kết trong nước và quốc tế; tranh thủ sự hỗ trợ và chia sẻ về thông tin, tri thức, kinh nghiệm, công nghệ trên các lĩnh vực nghiên cứu, quản lý, sản xuất, kinh doanh, đào tạo của các tổ chức quốc tế, các công ty đa quốc gia, các cơ sở nghiên cứu, các trung tâm tư vấn, các chuyên gia, đặc biệt là của người Việt Nam ở nước ngoài. Thường xuyên củng cố và phát huy mối quan hệ hợp tác và liên kết giữa ba chủ thể Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng. Phát huy vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp về công nghệ thông tin và truyền thông trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông.
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Thị Việt Hà, Nguyễn Thị Hương Giang; Nguyễn Phương Anh, 2020, “Đề xuất mô hình nghiên cứu tác động của vốn tri thức tới kết quả hoạt động của ngân hàng thương mại”, Kinh tế và dự báo, T5.2020, 162-165;
- Nguyễn Thị Việt Hà (Chủ biên), Nguyễn Hương Giang, Trần Hải Vân; 2021, Vốn tri thức trong ngành Ngân hàng, NXB Lao Động;
- Ahangar, R.G. (2010), “The relationship between intellectual capital and financial performance: an empirical investigation in an Iranian company”, African Journal of Business Management, Vol. 5 No. 1, pp. 88-95;
- Bramhandkar, A., Erickson, S. and Applebee, I. (2007), “Intellectual capital and organizational performance: an empirical study of the pharmaceutical industry”, The Electronic Journal of Knowledge Management, Vol. 5 No. 4, pp. 357-362;
- Chan, K.H. (2009), “Impact of intellectual capital on organisational performance: an empirical study of companies in the Hang Seng Index (Part 2)”, The Learning Organization, Vol. 16 No. 1, pp. 4-21;
- Firer, S., and Stainbank, L., (2003). “Testing the relationship between intellectual capital and a company’s performance: Evidence from South Africa”. Meditari Accountancy Research, 11, 25–44;
- Gogan, Luminita & Artene, Alin & Sarca, Ioana. (2016). The Impact of Intellectual Capital on Organizational Performance. Procedia - Social and Behavioral Sciences. 221. 194-202;
- Stewart, T.A. (1997) Intellectual Capital: The New Wealth of Organizations. Doubleday/Currency, New York.