Ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường trong chuyển giao tri thức và khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam
Ở Việt Nam, hoạt động chuyển giao tri thức đã có những thành công nhất định nhưng nhìn chung các doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự bứt phá mạnh mẽ. Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử năm 2023 của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), đa số doanh nghiệp đều chủ yếu sử dụng các công cụ như Viber, WhatsApp, Skype, Facebook Messenger, Zalo để trao đổi công việc, chuyển giao tri thức. Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ này chỉ giải quyết được một phần trong hoạt động chuyển giao tri thức, các công cụ và các phương thức khác chưa được triển khai rộng rãi. Bài viết này, nhóm tác giả nghiên cứu một số ứng dụng điển hình của công nghệ thực tế tăng cường trên thế giới và đưa ra một số khuyến nghị cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đặt vấn đề
Một công nghệ đang nhận được sự quan tâm lớn từ nhiều công ty thời gian qua là thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR). Trong khoảng một thập niên trở lại đây, có nhiều công ty lớn đã ra mắt sản phẩm AR của mình như Google với Google Glass, Microsofts có Hololens, Meta có Meta's AR glasses hay gần nhất là Apple đã tham gia thị trường với Apple Vision Pro.
Theo Brands Vietnam, đến cuối năm 2023, có 1,4 tỷ người dùng thiết bị AR trên thế giới, 70% các nhà lãnh đạo công nghệ dự báo rằng, thị trường AR sẽ vượt qua thị trường AR về doanh thu. Công nghệ AR có thể cung cấp một cách làm việc độc đáo và hấp dẫn để các doanh nghiệp cung cấp cho các thành viên trong tổ chức. Điều này có khả năng làm tăng sự hài lòng, lòng trung thành và cuối cùng là sự hiệu quả của công việc do cách thức làm việc qua công nghệ AR mang lại mức độ tương tác tốt hơn trong nhiều lĩnh vực.

Nguồn: Statista
Theo Hình 1 cho thấy, số lượng thiết bị người dùng AR đang hoạt động trên toàn thế giới từ năm 2019 đến năm 2024. Trong các năm gần đây, số lượng thiết bị di động sử dụng công nghệ thực tế tăng cường đang ngày càng tăng. Dự báo đến năm 2024 thì sẽ có trên 1.73 tỷ thiết bị di động sử dụng công nghệ mới này.
Ở Việt Nam, hoạt động chuyển giao tri thức đã có những thành công nhất định nhưng nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự bứt phá mạnh mẽ. Trong các lĩnh vực kinh tế nói chung, tỷ lệ nhóm ngành sử dụng công nghệ cao của Việt Nam chỉ đạt khoảng 20%, trong khi tỷ lệ này của các nước trong khu vực vượt khá xa chúng ta (của Thái Lan là 31%, Malaysia đạt 51% và Singapore là 73%). Thậm chí là với một lĩnh vực ứng dụng công nghệ phổ biến như thương mại điện tử (TMĐT) và công nghệ thông tin.
Theo Báo cáo chỉ số TMĐT năm 2023 của VECOM, đa số doanh nghiệp đều chủ yếu sử dụng các công cụ như: Viber, WhatsApp, Skype, Facebook Messenger, Zalo trong công việc của doanh nghiệp để trao đổi công việc, chuyển giao tri thức. Trong số đó, 55% doanh nghiệp cho biết có trên 50% lao động thường xuyên sử dụng các công cụ trên (cao hơn so với tỷ lệ 44% của năm 2021), 30% doanh nghiệp cho biết có từ 10%-50% lao động thường xuyên sử dụng và 15% doanh nghiệp cho biết có dưới 10% lao động thường xuyên sử dụng.
Nhóm doanh nghiệp lớn có tỷ lệ lao động sử dụng thường xuyên các nền tảng này cao hơn hẳn nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ: 73% doanh nghiệp lớn cho biết có trên 50% lao động thường xuyên sử dụng các nền tảng này, trong khi đó tỷ lệ này ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ có 53%.
Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ này chỉ là giải quyết được một phần trong hoạt động chuyển giao tri thức, các công cụ và các phương thức khác chưa được triển khai rộng rãi. Do đó, hoạt động chuyển giao tri thức ở các doanh nghiệp Việt Nam cần có phải đi tắt, đón đầu công nghệ mới để có được sự chuyển mình mạnh mẽ.
Tóm lại, việc ứng dụng công nghệ AR trong chuyển giao tri thức tại doanh nghiệp Việt Nam là việc làm cấp thiết. Bài viết này, nhóm tác giả nghiên cứu một số ứng dụng điển hình của công nghệ AR trên thế giới và đưa ra một số khuyến nghị cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Cơ sở lý thuyết
Khái niệm cơ bản
- Thực tế tăng cường: Theo Ronald Azuma (1997), định nghĩa AR là "một môi trường bao gồm cả thực tế ảo và các yếu tố thực tế. Ví dụ, một người sử dụng AR có thể đeo kính lờ mờ; Thông qua đó, ông có thể nhìn thấy thế giới thực, cũng như các hình ảnh được tạo ra trên máy tính được chiếu trên thế giới đó".
- Chuyển giao tri thức: Theo Nguyễn Văn Minh (2021), chuyển giao tri thức là quá trình truyền đạt tri thức (kinh nghiệm, bài học kinh nghiệm, bí quyết...) từ một nguồn tới một nguồn khác và sử dụng những tri thức đó. Các hoạt động chỉ đơn thuần làm cho tri thức sẵn dùng, không được coi là chuyển giao tri thức, nó là sự kết hợp giữa truyền đạt và hấp thụ tri thức. Mục đích của quá trình này là nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho việc chia sẻ, cộng tác và kết nối mạng lưới tri thức. Chuyển giao tri thức tạo ra cơ hội tiếp cận với các nguồn tài nguyên khan hiếm (tri thức ẩn), những hiểu biết mới, làm nảy sinh những tri thức mới, ưu việt, và tạo ra một môi trường làm việc lý tưởng trong tổ chức.
Lợi ích của công nghệ thực tế tăng cường trong chuyển giao tri thức tại doanh nghiệp
Chuyển giao tri thức theo cách thức truyền thống trong giai đoạn hiện nay không đem lại hiệu quả như mong muốn. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ AR trong chuyển giao tri thức tại các doanh nghiệp có thể mang lại nhiều lợi ích. AR giúp cho việc trao đổi tri thức trở nên thú vị hơn, cho phép các nhân viên trong doanh nghiệp có thể học tập, thực hành trực quan và giảm khả năng hiểu sai vấn đề. Hơn nữa, công nghệ AR có thể giúp cho các nhà quản lý, nhân viên cùng lúc tương tác với nhiều tài liệu trực tiếp, giảm khả năng sai sót.
Ngoài ra, công nghệ AR có thể mang lại những lợi ích khác cho doanh nghiệp như: Với cách làm việc hấp dẫn hơn, doanh nghiệp có thể giữ chân nguồn nhân lực tốt hơn; Các công việc phức tạp, nguy hiểm có thể được thực hiện dễ dàng hơn do có hướng dẫn trực quan và sự tham gia trực tiếp từ các chuyên gia; Cải thiện hiệu quả đào tạo nhân viên vì khả năng tương tác tốt hơn trong quá trình này; Tăng cường hiệu quả của hoạt động họp trực tuyến, trao đổi thông tin trực tuyến ngay cả khi có những thành viên không thể tham gia trực tiếp.
Tóm lại, AR giúp duy trì chất lượng chuyển giao tri thức ở mức độ cao, giúp những người lao động thiếu kinh nghiệm luôn được đào tạo và cung cấp thông tin một cách hiệu quả. Điều này làm giảm thời gian đào tạo và giảm thời gian tiếp cận thông tin. Hướng dẫn có chú thích, đào tạo theo yêu cầu hoặc hướng dẫn từ xa của chuyên gia có thể cải thiện khả năng giao tiếp, lưu giữ tri thức và giảm chi phí về lâu dài.
Vấn đề của chuyển giao tri thức tại các doanh nghiệp
Chuyển giao tri thức tại doanh nghiệp là hoạt động vô cùng quan trọng để nhân viên nâng cao kiến thức và phát triển kỹ năng của họ. Điều này có thể nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức. Việc đào tạo nhân viên có thể tốn nhiều chi phí nhưng mang lại lợi ích đầu tư bền vững về lâu dài. Tuy nhiên, đối với đa số các doanh nghiệp hiện nay, việc chia sẻ thông tin và chuyển giao tri thức trong công ty có thể coi là một công việc tẻ nhạt và chưa được coi trọng đúng mức. Do đó, việc phát triển các cách thức, phương pháp và khuôn khổ chuyển giao tri thức là một việc quan trọng.
Chuyển giao tri thức thường là một quá trình gồm nhiều bước. Mỗi bước đều làm tăng nguy cơ truyền đạt hoặc nhận thức thông tin không chính xác. Trong chuyển giao tri thức truyền thống, nhân viên chuyển tải tri thức thành thông tin có thể đọc được, bị giới hạn bởi ngôn ngữ của mình, các ký hiệu (bảng chữ cái) mô tả ngôn ngữ này và chính phương tiện sử dụng. Tất nhiên, nhân viên hoàn toàn có thể truyền tải nhiều thông tin bằng việc sử dụng video hoặc bản ghi âm. Nhưng việc này có thể chỉ làm tăng thêm độ phức tạp hơn là làm cho nó dễ hiểu hơn. Ngoài ra, việc ghi lại mọi thứ và sử dụng tài liệu sẽ phức tạp hơn so với thông tin chỉ bằng văn bản.
Do đó, cần phải có cách sáng tạo hơn để chuyển thông tin từ nhân viên có kinh nghiệm sang nhân viên mới. Một trong những cách đó là triển khai AR thông qua việc tạo ra trải nghiệm tương tác và phong phú, sử dụng AR có thể hỗ trợ giải quyết các vấn đề với việc truyền thông tin thông thường.
Cách thức ứng dụng thực tế tăng cường trong hoạt động chuyển giao tri thức
Có thể nói rằng, với các kính AR được giới thiệu trong thời gian qua, các công ty công nghệ đã giúp cho công nghệ AR tiến tới giai đoạn đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế là các ứng dụng trong công việc nói chung, trong chuyển giao tri thức nói riêng mới bắt đầu được nhen nhóm và một số ứng dụng ban đầu có được sự thành công. Tuy nhiên, để có thể tổng hợp được hết các cách thức ứng dụng AR thì sẽ cần một thời gian nữa khi công nghệ này đi sâu vào cuộc sống con người. Dưới đây là một số ứng dụng AR vào hoạt động chuyển giao tri thức của doanh nghiệp hiện nay:
Ứng dụng Vuforia Chalk
Vuforia Chalk kết hợp AR với giao tiếp thời gian thực để kết nối kỹ thuật viên hiện trường với chuyên gia, để chuyên gia có thể xem và thảo luận về tình hình tại hiện trường. Kỹ thuật viên và chuyên gia có thể vẽ chú thích kỹ thuật số trên màn hình di động hoặc máy tính để bàn bám chính xác vào các vật thể vật lý 3D, cho phép chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật viên thực hiện từng bước một quy trình. Với các chú thích chính xác hơn, các chuyên gia và kỹ thuật viên sẽ tốn ít thời gian hơn để giải quyết vấn đề, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, không tốn thời gian và chi phí đi lại.
Ứng dụng Remote eye
Wideum là công ty dịch vụ cộng tác kỹ thuật từ xa, ứng dụng dành cho điện thoại thông minh, bảng máy tính và kính thông minh. Phần mềm độc quyền của Wideum cho phép người dùng thực hiện các tác vụ và vận hành khó với sự hỗ trợ từ xa nhờ chia sẻ thông tin giữa các người tác nghiệp tại hiện trường và các bộ phận hỗ trợ. Remote Eye là phần mềm hỗ trợ giúp cải thiện việc chuyển giao tri thức và giao tiếp giữa chuyên gia từ xa và người tác nghiệp trực tiếp. Chuyên gia từ xa sẽ có thể hình dung những gì người tác nghiệp trực tiếp có trước mắt để hướng dẫn và hỗ trợ trong việc lắp đặt, bảo trì hoặc sửa chữa đòi hỏi kiến thức chuyên môn hơn từ bên ngoài. Remote Eye được thiết kế đặc biệt cho Kính thông minh, thiết bị rảnh tay cho phép người vận hành hoàn toàn tự do di chuyển. Nó cũng có sẵn trên điện thoại di động Android và iOS.
Ứng dụng Onsight NOW
Onsight NOW giúp cho người dùng có thể tham gia cuộc họp, trò chuyện với đồng nghiệp hoặc thực hiện cuộc gọi điện video mà không cần rời khỏi nền tảng. Onsight NOW là nguồn tài nguyên tổng hợp giúp nhân viên trong doanh nghiệp có thể tìm kiếm thông tin và chuyển giao tri thức với các thành viên trong nhóm. Với khả năng ứng dụng AR và AI nâng cao, hướng dẫn công việc kỹ thuật số và khả năng tích hợp liền mạch với môi trường của Microsoft đã giúp cho Onsight NOW trở thành công cụ dễ sử dụng, không thể thiếu để hướng dẫn, chuyển giao tri thức và giải quyết các vấn đề phức tạp từ xa.
Không những vậy, Onsight NOW cung cấp bản dịch ngôn ngữ theo thời gian thực thông qua chú thích trên màn hình. Chuyển đổi hình thức liên lạc bằng giọng nói thành bản dịch văn bản theo thời gian thực cho hơn 50 ngôn ngữ. Vì vậy, đây là ứng dụng rất lý tưởng cho các nhóm làm việc toàn cầu hoặc để liên lạc với các nhà cung cấp và khách hàng trên toàn thế giới.
Ứng dụng Glartek
Giải pháp Glartek là một nền tảng giúp cho công nhân được tăng cường và kết nối với bộ phận hỗ trợ, chẳng hạn như thực hiện nhiệm vụ và quy trình công việc, giúp cải thiện tính an toàn và hiệu quả trong ngành sản xuất. Thông qua các quy trình số hóa, hướng dẫn công việc kỹ thuật số và hỗ trợ ứng dụng di động có hướng dẫn 2D và AR, công nhân tuyến đầu sẽ làm việc hiệu quả hơn, nâng cao kỹ năng, độ an toàn và năng suất của họ.
Ngoài ra, Glartek còn giúp tăng cường quản lý nhóm và công việc, hướng dẫn công việc kỹ thuật số, giám sát, báo cáo và phân tích, quản lý đào tạo và kỹ năng cũng như chuyển giao tri thức. Glartek giúp cải thiện kết quả kinh doanh với nền tảng quản lý tài liệu và kiến thức giúp cho doanh nghiệp dễ dàng lưu trữ, truy cập và sắp xếp thông tin cần thiết, đồng thời hưởng lợi từ tính chính xác và khả năng cộng tác nâng cao.
Trên đây là một số ứng dụng của công nghệ AR tại doanh nghiệp trên thế giới. Tuy rằng chưa thực sự đầy đủ nhưng cũng đã cho thấy tiềm năng rất lớn của công nghệ này đối với hoạt động của doanh nghiệp nói chung và hoạt động chuyển giao tri thức của doanh nghiệp nói riêng.
Kết luận và khuyến nghị cho doanh nghiệp
Mặc dù AR là một công nghệ chưa thực sự phổ biến, nhưng nó đã được nghiên cứu và sử dụng trong một số lĩnh vực nghiên cứu như kiến trúc, bảo trì, giải trí, giáo dục, y học và phương pháp điều trị tâm lý,... Công nghệ AR đang ngày càng được áp dụng ở nhiều ngành nghề trong các doanh nghiệp. Công nghệ này cho phép các doanh nghiệp cung cấp những trải nghiệm mới mẻ, trực quan và hấp dẫn hơn cho nhân viên cũng như khách hàng của mình. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng AR trong doanh nghiệp, đặc biệt là với chuyển giao tri thức có thể giúp cho hoạt động này trở nên hiệu quả hơn rất nhiều so với cách thức truyền thống.
Thêm vào đó, các thiết bị sẽ cung cấp trải nghiệm được cá nhân hóa, dễ tiếp cận và được thiết kế tốt. Khi các yếu tố này được giữ vững, một sự thay đổi nền tảng sẽ xảy ra. Mỗi một hệ thống AR nên: (1) kết hợp các đối tượng thực và ảo trong môi trường thực; (2) chạy tương tác và trong thời gian thực; (3) đăng ký các đối tượng thực và ảo với nhau. Cảm giác hiện diện, mức độ hiện thực và mức độ thực tế của AR đại diện cho các tính năng chính có thể được coi là chỉ số đánh giá chất lượng của trải nghiệm AR. Trải nghiệm càng cao thì càng được coi là thực tế và có sự phù hợp giữa kỳ vọng của người dùng và sự tương tác bên trong môi trường AR, càng cao thì nhận thức về việc “ở đó” về mặt thể chất cũng như ở cấp độ nhận thức và cảm xúc.
Có thể thấy rằng, việc ứng dụng công nghệ AR trong hoạt động nói chung và chuyển giao tri thức của doanh nghiệp là vô cùng cần thiết. Ở Việt Nam hiện nay, công nghệ AR và chuyển giao tri thức đều rất mới mẻ đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây lại là điều kiện rất thuận lợi để có thể đưa cả hai song hành vào hoạt động của doanh nghiệp do chưa có các lối mòn giống như các doanh nghiệp trên thế giới. Mặc dù vậy, đây vẫn là một thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam khi muốn tích hợp công nghệ AR và hoạt động chuyển tri thức. Tùy vào lĩnh vực đang hoạt động mà các doanh nghiệp có thể xem xét các cách thức ứng dụng công nghệ AR dưới đây để thực hiện:
- Hướng dẫn làm việc kỹ thuật số: Chuyển từ chuyển giao tri thức truyền thống sang quy trình làm việc kỹ thuật số, giảm thiểu việc sử dụng tổng thể bảng nhớ tạm và danh sách giấy tờ.
- Hỗ trợ từ xa: Kết hợp phát trực tiếp với công nghệ AR để tăng cường kiểm tra và trao quyền cho các chuyên gia quản lý từ xa. Chia sẻ dữ liệu, nhận phản hồi từ các chuyên gia và cải thiện hoạt động chuyển giao tri thức theo cách hiệu quả hơn bằng cách xây dựng hệ thống lưu trữ tri thức.
- Điều hướng trong nhà: AR có thể theo dõi chuyển động hoặc tìm vị trí của một số vật thể nhất định. Với AR, không chỉ giúp nhân viên tìm đường đi trong tòa nhà dễ dàng hơn mà môi trường còn có thể tương tác với nhân viên, cung cấp cho họ thông báo ngay lập tức, mẹo hữu ích hoặc thông tin cần thiết khác ngay lập tức.
Với sự phát triển lớn mạnh của công nghệ AR trên thế giới, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài luồng phát triển. Mặc dù công nghệ này hiện nay vẫn chưa thực sự phổ biến và được nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam biết đến nhưng mong rằng với sự tích cực đổi mới của đất nước, tinh thần ham học hỏi, dễ dàng thích nghi của người dân cùng với những khuyến nghị đưa ra sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng quen thuộc với công nghệ mới này.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Văn Minh và cộng sự, Quản trị tri thức doanh nghiệp trong kỷ nguyên số, NXB Hà Nội, 2021;
- Báo cáo chỉ số TMĐT 2023, VECOM;
- Azuma, R. T. (1997). A survey of augmented reality. Presence: teleoperators & virtual environments;
- https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/330892-Nhung-con-so-biet-noi-ve-tiem-nang-phat-trien-cua-AR-trong-nam-2023.