Vẫn còn nhiều thách thức cho thị trường xe "xanh" tại Việt Nam

Xuân Thảo

Thời gian qua, Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thị trường xe "xanh" và được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai nhờ quy mô dân số lớn đứng thứ 3 ASEAN. Nhiều chuyên gia đánh giá, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để dẫn đầu "cuộc đua" này.

Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thị trường xe "xanh". Ảnh minh họa: Internet.
Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thị trường xe "xanh". Ảnh minh họa: Internet.

Tiềm năng lớn

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, ngành giao thông - đặc biệt là ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, đang là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính (CO₂) lớn nhất. Để giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng và hướng tới một nền kinh tế bền vững, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang chuyển dịch sang xe "xanh" (xe điện, xe hybrid, xe chạy nhiên liệu hydro,…) như một giải pháp tất yếu.

Tại Việt Nam, nếu mỗi chiếc xe (ô tô và xe máy) lưu thông trên đường như một "trạm phát thải di động" thì Việt Nam đang có gần 84 triệu "trạm phát thải" như vậy (77 triệu xe máy và khoảng 6,5 triệu xe ô tô, tính đến tháng 9/2024). Và đây là tác nhân chính gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tiêu cực sức khỏe người dân.

Vì vậy, việc chuyển đổi, thay thế những "trạm phát thải" này không chỉ là hành động phù hợp với xu thế chung trên toàn thế giới, mà còn là một nhiệm vụ cấp bách nếu Việt Nam muốn đạt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 - còn gọi là Net Zero vào năm 2050 như Chính phủ đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Phát biểu tại tọa đàm "Phát triển xe xanh tại Việt Nam: Hướng tới mục tiêu Net Zero", TS. Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn về an toàn giao thông khi số lượng phương tiện sử dụng động cơ đốt trong tăng nhanh chóng. Sự gia tăng này không chỉ gây ùn tắc mà còn làm trầm trọng hơn vấn đề ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, suy giảm chất lượng cuộc sống.

“Đối với Việt Nam, việc chuyển sang năng lượng điện là cần thiết vì năng lượng hóa thạch sẽ dần hết, và không còn vào tương lai. Chúng ta đang có xu hướng người dân sử dụng phương tiện cá nhân tăng cao, điều này không có gì sai cả. Bởi khi tăng trưởng kinh tế tăng cao, thu nhập người dân tăng cao, đời sống tăng cao thì việc sử hữu thêm tài sản là phương tiện thể hiện sự thịnh vượng, phát triển của xã hội. Do đó, chúng ta tiến hành "xanh hoá" phương tiện càng nhanh càng tốt, càng ít bị tổn thương trong lĩnh vực năng lượng”, TS. Trần Hữu Minh nhấn mạnh.

Cần có thêm các chính sách hỗ trợ cụ thể

Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thị trường xe "xanh", được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai, cùng quy mô dân số lớn đứng thứ 3 ASEAN. Trong khi một số nước khác đang triển khai rất mạnh, thì Việt Nam dù có sự chuyển dịch rõ ràng, nhưng tỷ lệ chưa cao. Bởi còn nhiều vướng mắc về thói quen, hạ tầng trạm sạc còn hạn chế, giá thành xe "xanh" còn cao, chưa có nhiều chính sách ưu đãi đủ mạnh hay tâm lý người tiêu dùng chưa sẵn sàng.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban Truyền thông, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, Nhà nước thời gian gần đây hỗ trợ rất tốt với dòng xe BEV (xe thuần điện chạy hoàn toàn bằng pin). Đây cũng là một trong những sự thành công khi sự chuyển dịch sang dòng xe BEV rất mạnh mẽ. Không chỉ thuế trước bạ, mà còn thuế tiêu thụ đặc biệt, nhập khẩu,...

“Để góp phần thúc đẩy phát triển xe "xanh" tại Việt Nam, về tổng thể, chúng tôi đã thấy có Quyết định 1168/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn năm 2050. Bộ Công thương cũng đã có Dự thảo chiến lược phát triển xe điện năm 2050. Tuy nhiên, cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể cho dòng xe điện hoá như xe HEV (Hybrid - xe xăng lai điện) hoặc PHEV (Plug-in Hybrid - xe hybrid sạc điện). Với người tiêu dùng, hỗ trợ thuế trước bạ, phí đỗ xe, các phí khác để người tiêu dùng làm quen chuyển dần sang dùng xe điện...”, ông Đào Công Quyết kiến nghị.

 

Theo một nghiên cứu của Mordorintelligence, quy mô thị trường xe điện Việt Nam ước tính đạt 2,48 tỉ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 5,67 tỉ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 18% trong giai đoạn dự báo (2024 - 2029). Trong trung hạn, nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại xe tiết kiệm nhiên liệu, hiệu suất cao và phát thải thấp. Các quy định ngày càng nghiêm ngặt về khí thải của xe, chi phí pin giảm và các yếu tố khác dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong giai đoạn 2024 - 2029.