Vấn đề quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn

PV.

Việc triển khai những quy định về quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, tồn tại cần khắc phục.

Công trình nước sạch nông thôn. Ảnh: Internet
Công trình nước sạch nông thôn. Ảnh: Internet

Công trình cấp nước sạch nông thôn là một trong những công trình thiết yếu trong đời sống, không chỉ góp phần cải thiện điều kiện sống, nâng cao nhận thức của người dân khu vực nông thôn mà còn góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển mạng lưới cấp nước sạch nông thôn, thể hiện ở các chương trình: Mục tiêu quốc gia về nước sạch, Ứng phó với biển đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chiến lược quốc gia về tài nguyên nước, chương trình 134, 135

Năm 2013 Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã hỗ trợ Bộ Tài chính thực hiện Dự án: “Xây dựng chế độ quản lý, sử dụng và khai thác tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, xây dựng Phần mềm quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung”. Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; Thông tư số 149/2015/TT-BTC ngày 23/9/2015 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác phần mềm quản lý tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung và tạo lập được cơ sở dữ liệu quốc gia về công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.

Báo cáo cụ thể về tình hình quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn, ông La Văn Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết: Đến nay, trong cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản là công trình cấp nước sạch cả nước đã cập nhật được thông tin ban đầu của 14.911/15.878 công trình, đạt tỷ lệ 94%.

Số công trình này có tổng giá trị khoảng 19.654 tỷ đồng, trong đó, các đơn vị quản lý, sử dụng công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, cụ thể: Ủy ban nhân dân xã quản lý, sử dụng 12.614 công trình (chiếm 84,60%); đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng 1.860 công trình (chiếm 12,47%); doanh nghiệp quản lý, sử dụng 437 công trình (chiếm 2,93).

Việc triển khai những quy định về quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn đã đem lại nhiều kết quả tích cực, khuyến khích việc huy động các nguồn lực tham gia thông qua giao tài sản nhà nước bằng các hình thức thuê khai thác; Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung đã trở thành cơ sở đánh giá và đưa ra những biện pháp quản lý có hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được theo mục tiêu đề ra, trong quá trình triển khai Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 còn tồn tại một số vướng mắc, cụ thể: (i) Việc thiết lập hồ sơ ban đầu hết sức khó khăn do nguồn vốn xây dựng công trình đa dạng (vốn tài trợ nước ngoài, vốn trung ương, cấp tỉnh, huyện…), nhiều chương trình đầu tư (chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 134, 135, quốc phòng, nông thông mới); chủ đầu tư đa dạng (trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh, Phòng nông nghiệp…)…; (ii) Tỷ lệ công trình giao cho doanh nghiệp quá thấp, chưa như mục tiêu đề ra do vướng mắc về xác định giá trị công trình, bất cập trong cơ chế giao; (iii) Dự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa chặt chẽ; (iv) Việc hạch toán, tính khấu hao công trình chưa được quan tâm đúng mức; các chỉ tiêu liên quan đến công suất thực tế, giá thành nước sạch, tỷ lệ hao hụt nước hầu như không có…

Hiện nay, sự xâm nhập mặn và tình hình hạn hán kéo dài trên diện rộng, đặc biệt ở khu vực phía Nam, ảnh hưởng tới chất lượng đất và chất lượng nước, nguồn nước. Do đó, gìn giữ và cung cấp nước sạch là cần thiết và cấp bách cho khu vực nông thôn. Trên cơ sở đánh giá những mặt được, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, Bộ Tài chính đưa ra các đề xuất nhằm thực hiện hiệu quả hơn việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, cụ thể:

- UBND cấp tỉnh rà soát, phân loại, lập danh mục công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Trên cơ sở đó đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động, quản lý vận hành và khai thác công trình nước sạch nông thôn tập trung; trong đó, cần chú trọng hình thức giao cho Doanh nghiệp quản lý vận hành và khai thác.

- Thực hiện triệt để nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất vào giá thành nước sạch.

- Hướng dẫn cụ thể hơn nữa hình thức đầu tư công trình nước sạch theo hình thức đối tác công tư.

Căn cứ vào thực trạng nêu trên, để phù hợp với việc quản lý, sử dụng tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung theo quy định của Luật quản lý tài sản nhà nước, phù hợp với mục tiêu của các nhà tài trợ là hướng tới hỗ trợ trực tiếp cho khu vực tư, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung theo hướng cho phép UBND cấp tỉnh rà soát, đánh giá giá trị thực tế còn lại của từng công trình để giao doanh nghiệp quản lý, vận hành. Trên cơ sở Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 54/2013/TT-BTD ngày 4/5/2013.