Vân Đồn và những bước chạy đà sớm cho cơ hội "chuyển mình"
Với những bước chạy đà sớm từ giai đoạn 2012 đến nay, quyết định Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 vừa qua đã khiến Huyện đảo này bừng sáng lên sau chuỗi ngày ảm đạm, "đóng băng".
Dấu mốc đáng nhớ
Ngày 17/2/2020 trở thành dấu mốc đáng nhớ với Vân Đồn khi Huyện đảo này chính thức được phê duyệt quy hoạch, định hướng trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp.
Chia sẻ về niềm vui ấy, ông Mạc Thành Luân, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho hay: "Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 sẽ là tiền đề, cơ sở pháp lý quan trọng để huyện triển khai các kế hoạch phát triển, quản lý đầu tư xây dựng, thu hút các nhà đầu tư, tổ chức phân bố dân cư, phân bố đô thị, phân bố không gian các khu chức năng và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ".
Không chỉ vậy, vị lãnh đạo này kỳ vọng, đồ án và quy hoạch mới sẽ là động lực giúp xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, là cửa ngõ giao thương quốc tế để tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế; xây dựng đô thị biển đảo xanh, hiện đại và thông minh, bền vững; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực…
"Giai đoạn này là một bước ngoặt vô cùng quan trọng, đánh dấu sự phát triển mới không chỉ của huyện Vân Đồn, mà còn là nguồn lực phát triển mới của Tỉnh. Trong tương lai, Quảng Ninh sẽ trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á - Thái Bình Dương… Cùng với các trung tâm khác như Hạ Long, Vân Đồn sẽ đóng góp một phần đáng kể vào lộ trình này", ông Luân chia sẻ.
Những kỳ vọng này là một phần tác động giúp quá trình triển khai, nghiên cứu quy hoạch, khu kinh tế Vân Đồn đã nhận được sự tham gia của đông đảo các chuyên gia tư vấn, các nhà đầu tư chiến lược với nhiều đề xuất, ý tưởng đột phá nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương như: Phát triển đô thị xung quanh khu vực sân bay, phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, phát triển đô thị du lịch gắn với bến du thuyền, phát triển du lịch cao cấp tại các đảo…
Những phương án tối ưu, những đề xuất táo bạo và mới mẻ đều được đặt ra với hy vọng "chắp cánh" cho miền đất hứa đầy tiềm năng này.
Vân Đồn đã sẵn sàng "chuyển mình" trước vận hội mới
Không phải cho tới khi có thông tin về quy hoạch hay có văn bản "giấy trắng mực đen" thì Huyện đảo này mới trở thành tâm điểm phát triển. Ngay từ trước đó cả chục năm, Vân Đồn đã tập dượt những bước chạy đà chất lượng cho cuộc đua mới này.
Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã huy động và thu hút được nguồn vốn lớn trên 57.600 tỷ đồng (tương đương 2,62 tỷ USD) để cải thiện kết cấu hạ tầng và đầu tư các công trình động lực phục vụ phát triển Khu kinh tế Vân Đồn. Trong đó, đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước chiếm 30% tổng vốn đầu tư, đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách chiếm 70%, chủ yếu bằng hình thức đầu tư PPP.
Và trên thực tế, trong giai đoạn hiện tại, nguồn lực xã hội vẫn đang được tập trung về Vân Đồn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ. Một số dự án, công trình trọng điểm được ưu tiên, dồn lực phát triển như: Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại xã Vạn Yên; Khu công nghiệp Y - Dược công nghệ cao; khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng; khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City… và các công trình, dự án ưu tiên đầu tư được xác định trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
Tất thảy đó, hứa hẹn sẽ đem đến diện mạo mới, hiện đại, đồng bộ và là động lực quan trọng cho các kế hoạch thu hút đầu tư mới vào Quảng Ninh nói chung và Vân Đồn nói riêng.
"Quy hoạch mới của Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 là kỳ vọng của Chính phủ, mong ước của nhân dân Vân Đồn, của tỉnh Quảng Ninh và của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vì thế cùng với các nhiệm vụ triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được tỉnh thực hiện, Huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền công khai Quy hoạch sâu rộng tới các cấp, các phòng ban, các tổ chức chính trị xã hội và toàn thể nhân dân trên địa bàn", ông Mạc Thành Luân chia sẻ.
Nhìn thấy tiềm năng và cơ hội của nơi Huyện đảo còn hoang sơ này, cách đây vài năm, nhiều nhà phát triển bất động sản lớn trên thị trường như Vingroup, Sun Group, Tập đoàn CEO, FLC, HD Mon... đã có những bước khai phá, đầu tư phát triển, để đến nay, Vân Đồn ít nhiều đã đủ tự tin để chuyển mình trước vận hội mới.
Không chỉ có Sun Group với vai trò là nhà đầu tư chiến lược, nhiều nhà đầu tư khác cũng đã đề xuất và triển khai thực hiện các dự án quy mô lớn, đẳng cấp với tổng mức đầu tư được đề xuất lên đến 56.000 tỷ đồng (tương đương 2,4 tỷ USD).
Điển hình như: Dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - Phân khu 1 do Tập đoàn CEO đầu tư; Dự án Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas do Công ty CP Viglacera Vân Hải (Tổng Công ty Viglacera) đầu tư; Dự án Con đường di sản Vân Đồn do Công ty CP Vân Đồn Heritage Road đề xuất đầu tư; Dự án quần thể sân golf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực Ao Tiên do Công ty CP Đầu tư xây dựng Hải Đăng đầu tư; Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng do Tập đoàn FLC đề xuất nghiên cứu đầu tư.
Ngoài ra, còn một số nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đang nghiên cứu quy hoạch khu vực phía Bắc đảo Cái Bầu; Tổ hợp công nghệ cao, thương mại tự do và khu đô thị thông minh Vân Đồn; Phân khu 2, 3 - Khu đô thị Cái Rồng Khu công nghiệp Y - Dược công nghệ cao.
Các chuyên gia đánh giá, với quy hoạch phát triển có tầm nhìn, hạ tầng kết nối thuận lợi đến Hà Nội, Hải Phòng, “thị trường tỷ dân” Trung Quốc và các đường bay quốc tế được đưa vào khai thác… Vân Đồn sẽ không chỉ là thị trường tiềm năng cho bất động sản đô thị mà còn mở ra một thời kỳ mới cho bất động sản nghỉ dưỡng tại đây tăng tốc.
Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 266/QĐ-TTg ngày 17/02/2020 với nhiều điểm mới so với quy hoạch đã được phê duyệt năm 2009. Đó là, cập nhật các dự án động lực gồm: Sân bay, đường cao tốc; quy mô dân số có sự thay đổi với giai đoạn 2030 là 140.000 - 200.000 người, giai đoạn 2040 là 300.000 - 500.000 người.
Định hướng cấu trúc phát triển không gian Khu kinh tế Vân Đồn chia theo 2 vùng gồm: Đảo Cái Bầu và quần đảo Vân Hải; định hướng thành 5 vành đai phát triển gồm: Vành đai nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; vành đai du lịch sinh thái gắn với bảo vệ di sản thiên nhiên; vành đai đô thị dịch vụ, văn hóa và vui chơi giải trí (khu vực phía Đông đảo Cái Bầu); vành đai dịch vụ, thương mại công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hậu cần (khu vực phía Tây đảo Cái Bầu); vành đai dự trữ phát triển mở rộng phía Tây (thuộc địa giới TP. Cẩm Phả và huyện Tiên Yên).