Vận dụng kế toán xanh - Xu thế tất yếu để phát triển bền vững
Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, việc phát triển và ứng dụng kế toán xanh trở thành nhu cầu tất yếu đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Kế toán xanh được coi là một công cụ quan trọng liên quan đến các khía cạnh ảnh hưởng của môi trường tự nhiên đối với nền kinh tế và được xem là hướng chuyển đổi theo phương thức phát triển bền vững. Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã có giải pháp đồng bộ để nắm bắt xu thế này.
Theo các nghiên cứu trên thế giới, kế toán xanh được coi là một công cụ quan trọng liên quan đến các khía cạnh ảnh hưởng của môi trường tự nhiên đối với nền kinh tế và được xem là hướng chuyển đổi theo phương thức phát triển bền vững, hướng tới phát triển nền kinh tế xanh.
Ngoài việc cung cấp thông tin, kiểm tra lợi nhuận, doanh thu và chi phí môi trường của DN, kế toán xanh còn là một lĩnh vực đang phát triển tập trung hoặc cung cấp cho kế toán tác động môi trường, một số yếu tố có thể gây ra cho một DN hoặc tổ chức, từ đó giúp các nhà làm chính sách và quản trị DN có cách thức đối phó và giải quyết hợp lý.
Những năm gần đây, kế toán môi trường - một nội dung cụ thể của kế toán xanh trong hệ thống kế toán nói chung, được nhìn nhận như là một công cụ hữu ích cung cấp các thông tin về môi trường ngoài các thông tin về tình hình sản xuất - kinh doanh của DN, làm cơ sở cho các nghĩa vụ bảo vệ môi trường của DN. Nhờ đó, sẽ giúp giảm các rủi ro về môi trường, cũng như rủi ro về sức khoẻ cộng đồng, đồng thời cải thiện công tác kế toán quản trị và tài chính môi trường ở phạm vi DN.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc chấp nhận kế toán xanh trong hoạt động DN hiện nay nói riêng và phát triển kinh tế nói chung thể hiện cam kết và trách nhiệm xã hội mà một DN hoặc tổ chức hướng tới môi trường bền vững.
Nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền vững, bảo vệ tốt môi trường và giải quyết hài hòa các vấn đề kinh tế, môi trường và xã hội, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hạn chế sự khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế tới mức tối đa các hành vi vi phạm, hủy hoại môi trường, gây ô nhiễm môi trường.
Việt Nam hiện cũng đã ban hành một số quy định yêu cầu các DN, các nhà đầu tư phải tiến hành đánh giá tác động đến môi trường, phải đưa ra hoặc triển khai các giải pháp xử lý môi trường trước khi thực hiện các dự án. Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng kế toán xanh tại Việt Nam hiện nay cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể, DN có xu hướng né tránh việc áp dụng kếtoán xanh bởi đểthực hiện các quy định pháp lý đó, tất yếu phát sinh thêm nhiều loại chi phí với quy mô ngày càng lớn liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý các chất thải tác động đến môi trường và nâng cao chất lượng môi trường trong hợp đồng kinh doanh của các DN và trong triển khai các dự án đầu tư.
Thực tế cho thấy, yếu tố chi phí “môi trường” và thu nhập do “môi trường” mang lại không nằm trong một tài khoản, một khoản mục riêng rẽ, cụ thể nào của kế toán. Trong khi đó, rất nhiều chi phí liên quan đến môi trường đang phản ánh chung trong các tài khoản chi phí quản lý và các nhà quản lý kinh tế không thể phát hiện, không thể thấy được quy mô và tính chất của chi phí môi trường nói chung và từng khoản chi phí môi trường nói riêng.
Thời gian tới, nhằm đẩy mạnh việc vận dụng kế toán xanh, Việt Nam cần chú trọng triển khai các giải pháp sau:
Về phía cơ quan quản lý, cần nhận thức rằng, đối với các quốc gia, khi mà yếu tố đầu vào của nền kinh tế còn dựa khá nhiều vào tài nguyên thiên nhiên thì việc vận dụng kế toán đòi hỏi mang tính bắt buộc, nhưng cần một lộtrình lâu dài hợp lý.
Với chủ trương phát triển bền vững, “xanh hóa nền kinh tế” của Đảng và Nhà nước, thì các quy định về kế toán xanh cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới. Trong đó, cần tăng cường các chế tài xử phạt, thực hiện tốt các chính sách thuế, phí môi trường đối với DN, qua đó giúp các DN nâng cao nhận thức, cũng như thực hiện trách nhiệm của mình đối với môi trường và bảo vệ môi trường.