Văn phòng đại diện nộp lệ phí môn bài trong trường hợp nào?
Trước các thắc mắc về lệ phí môn bài đối với văn phòng đại diện của các doanh nghiệp, mới đây, Tổng cục Thuế đã có công văn trả lời cụ thể.
Tại Công văn số 1445/TCT-CS ngày 9/4/2024 gửi Văn phòng đại diện Công ty TNHH Nippon Steel Tranding Việt Nam tại Hà Nội, Tổng cục Thuế cho biết, theo Khoản 21 Điều 4 và Khoản 2 Điều 44 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020, kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.
Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.”
Điều 2, Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài quy định: Người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này, bao gồm: Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (nếu có).”
Về lệ phí môn bài đối với Văn phòng đại diện, Bộ Tài chính đã có Công văn số 15865/BTC-CST ngày 07/11/2016 và Công văn số 1025/BTC-CST ngày 20/01/2017 hướng dẫn: Trường hợp Văn phòng đại diện có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì phải nộp lệ phí môn bài; trường hợp Văn phòng đại diện không hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ thì không phải nộp lệ phí môn bài theo quy định.
Tổng cục Thuế đề nghị Văn phòng đại diện Công ty căn cứ quy định trên liên hệ với Cục Thuế TP. Hà Nội và cung cấp hồ sơ cụ thể để được xác định Văn phòng có thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hay không làm cơ sở để cơ quan thuế áp dụng chính sách thu lệ phí môn bài theo đúng quy định của pháp luật.