Vàng nữ trang “đểu”

Theo Đầu tư Chứng khoán

Kiểm tra bằng phương pháp thông thường như đánh đá, axít… không thể biết được đó là vàng đểu, lõi có độn tạp chất như nhôm, đồng, kẽm...

Ảnh chỉ có tính chất minh họa
Ảnh chỉ có tính chất minh họa
Chủ tiệm vàng gần chợ Nhị Thiên Đường, quận 8, TP HCM, cho biết gần đây thường có đối tượng đến cầm vàng nữ trang nhưng phần lớn là vàng đểu, lõi có độn tạp chất như nhôm, đồng, kẽm...

Tình trạng này khá phổ biến làm nhiều chủ tiệm cầm đồ, cầm vàng bị “dính quả” vì chỉ kiểm tra bằng phương pháp thông thường như đánh đá, axít… Sau đó, vài tiệm cầm đồ “dính” phải trang sức vàng đểu lại đem đến tiệm vàng bán với hy vọng “gỡ gạc” nhưng không thành, gây nên tình trạng bát nháo vàng nữ trang.

Chuyện vàng nữ trang “mua đâu bán đó” không mới, bởi chất lượng vàng nữ trang trước nay thường tùy… thợ kim hoàn, tiệm vàng và người bán sẽ bị ép giá. Nhưng gần đây, ngay cả khi khách hàng chấp nhận bán giá thấp cũng không dễ. Chị Loan, nhà ở quận 3, TP HCM, cho biết khi chị đem mấy món nữ trang gồm kiềng, lắc tay, ra tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1 hỏi bán thì chủ tiệm khuyên đem về. Theo chủ tiệm này, tình trạng vàng nữ trang có ruột rỗng như kiềng, lắc, vòng tay, nhẫn bản to… bị làm đểu, kém chất lượng, rồi độn hợp chất khá nhiều. Vì vậy, để đề phòng, các tiệm vàng chỉ mua vào nếu khách hàng đồng ý nấu chảy vàng rồi cân lại trọng lượng, được bao nhiêu bán bấy nhiêu. “Nhưng lúc nấu chảy, làm sao khách hàng kiểm soát được tuổi vàng, trọng lượng vì vàng đã nằm trong tay tiệm vàng. Thà mua rẻ hơn vài trăm nghìn đồng/lượng còn chấp nhận được”, chị Loan nói.

Tình trạng vàng nữ trang nhái thương hiệu một cách rất tinh vi vẫn tồn tại. Các đối tượng chỉ giữ lại phần đai, kiện khắc tên thương hiệu, phần vàng còn lại của món trang sức được cắt bỏ và thay bằng vàng kém tuổi, vàng đểu… rất khó phát hiện. “Thậm chí, một số tiệm vàng bán nữ trang theo giá vàng SJC nhưng lúc mua vào lại theo giá vàng nguyên liệu rất thấp, gây thiệt hại cho người bán. Giá vàng tăng cao, thị trường vàng nữ trang ế ẩm khiến các tiệm vàng đẩy chênh lệch mua vào - bán ra lên cao để kiếm lời nhiều, còn khách hàng chịu thiệt” - đại diện một cơ sở sản xuất vàng nữ trang tiết lộ.

Nghị định 24/CP về quản lý thị trường vàng, trong đó gồm vàng nữ trang, có hiệu lực từ ngày 25/5 nhưng đến nay, thông tư hướng dẫn quy định về tiêu chuẩn vàng trang sức mỹ nghệ vẫn bỏ ngỏ. Mới đây, Hiệp hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP HCM (SJA) đã gửi văn bản đến Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM kiến nghị về việc này.

Theo SJA, tại Nghị định 24/CP, vàng trang sức mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 Kara (tương đương 33,33%) trở lên đã qua gia công, chế tác… Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch SJA, nhận xét các nước như Thái Lan, Mỹ, Ấn Độ, Malaysia… đều quy định cụ thể tiêu chuẩn vàng 14K, 18K, 22K hoặc 24K. Vàng có tuổi thấp 8K, 9K chỉ dùng cho thời trang chứ không phải là trang sức. “Còn với quy định về tuổi vàng tại nghị định này, người mua vàng nếu kiện cơ quan quản lý cũng không có cơ sở xử lý” - ông Dưng nhận xét.

Thực tế, các doanh nghiệp rất ít đóng dấu mã hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm mà lập lờ gian lận tuổi vàng bằng cách khắc chữ st, sb, sl, sn hay NL, NB, NT… để đối phó khi bị “sờ gáy”. Ngoài ra, một số tiệm vàng đã biến tướng để lách luật bằng cách bỏ giấy phép kinh doanh cũ (do Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp) và xuống phường, quận đăng ký lại giấy phép gia công kim loại. Với giấy phép này, doanh nghiệp có thể lách gia công kim loại… vàng trang sức hoặc chuyển nghề cầm đồ nhưng thực chất là biến tướng mua bán vàng miếng.