Vang Pháp là mục tiêu thương chiến tiếp theo của Mỹ
Rượu Pháp đang là mục tiêu tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Liên minh châu Âu, và nó chưa có dấu hiệu dịu đi. Ông Trump từng đe dọa sẽ tăng thuế nhập khẩu với rượu vang Pháp nhằm đáp trả GAFA của Paris.
Thượng Viện Pháp đã thông qua dự luật đánh thuế đối với các dịch vụ kỹ thuật số của các tập đoàn công nghệ quốc tế tại Pháp, gọi là luật thuế GAFA, từ ghép lấy tên của bộ tứ tập đoàn thống trị thế giới công nghệ hiện nay là Google, Apple, Facebook và Amazon.
GAFA không chỉ nhắm vào Mỹ, nhưng đại đa số các tập đoàn bị áp thuế lại là tập đoàn của Mỹ, nên Washington đã lập tức phản đối với đe dọa áp thuế trả đũa với Pháp. Đại diện thương mại của Mỹ Robert Lighthizer đã tố cáo GAFA "trừng phạt các công ty Mỹ một cách bất công".
Trong dòng tweet của ông Trump đăng vào tháng 11/2018 có tuyên bố: "Về mặt thương mại, Pháp đã tạo ra rượu vang thượng hạng nhưng nước Mỹ cũng vậy". Tuyên bố này gợi lại những gì tổng thống đời thứ 3 của Mỹ Thomas Jefferson từng viết trong một lá thứ vào năm 1808: "Tại Mỹ, chúng ta có thể tạo ra một loạt các loại rượu tuyệt vời như châu Âu đã làm, không chính xác theo cùng thể loại nhưng không nghi ngờ rằng chúng sẽ rất ngon".
Hai ông Trump và Jefferson tuy có giọng điệu không giống nhau nhưng cả 2 đều cho rằng Mỹ và Pháp đều tạo ra những loại rượu vang tuyệt hảo. Và rượu vang có thể đóng một vai trò với chính phủ Mỹ trong việc thúc đẩy công nghiệp nội địa. Việc áp thuế có đóng vai trò gì trong sự thúc đẩy trên vẫn là một câu hỏi riêng biệt cần phải nghiên cứu.
Cùng là áp thuế rượu nhưng vẫn có sự khác biệt
Rượu dẫn đầu trong thương mại nông sản giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (những sản phẩm sản xuất chỉ do lên men hoàn toàn hay một phần từ nho tươi ép hoặc không). Năm 2018, sản lượng rượu xuất khẩu từ Liên minh châu Âu sang Mỹ đạt 5,6 tỷ USD, chiếm 27% tổng thương mại nông sản.
Liên minh châu Âu và Mỹ đều áp thuế rất lớn với mặt hàng rượu nhập khẩu nhưng chúng khác nhau về mặt cơ bản: Mức thuế tại châu Âu cao hơn với sản phẩm rượu đóng chai và vang nổ, trong khi thuế của Mỹ thì cao hơn với rượu đóng thùng.
Về mặt thương mại, rượu cũng bị ảnh hưởng bởi "hàng rào phi thuế quan" là những hạn chế đối với thương mại quốc tế như hạn ngạch, các chính sách thu mua trong nước của chính phủ và các tiêu chuẩn về kỹ thuật và an toàn nhằm giúp cho các nhà sản xuất trong nước có lợi thế hơn so với các nhà sản xuất nước ngoài.
Châu Âu có một lịch sử dài lâu trong việc hỗ trợ sản xuất các sản phẩm vang nho trong nội địa với những quy định khắt khe. Tại Mỹ, mức độ hạn chế việc buôn bán và phân phối rượu khiến mức chi phí tăng lên rất cao đối với những nhà xuất khẩu rượu châu Âu.
Biểu thuế thực tế cho ta thấy rằng thuế của châu Âu cao hơn đối với mặt hàng thương mại cao cấp (sản phẩm đóng chai giá trị thấp), và siêu cao cấp (sản phẩm đóng chai giá trị cao) và vang nổ, đối lập với rượu đóng thùng mà mức thuế trung bình của Mỹ cao hơn mức được áp tại châu Âu.
Tuy rằng, thuế với rượu đóng chai nhập khẩu tại Mỹ thấp hơn thuế tại Pháp nhưng cần lưu ý rằng thuế tại Pháp được quyết định bởi Liên minh châu Âu mà không phải bởi Paris. Hơn nữa, mức thuế được áp cùng mức với tất cả các nước không thuộc EU nằm trong WTO - Mỹ, và tất cả các nước là thành viên của WTO.
Những loại thuế này là kết quả của việc EU tuân theo những luật lệ của WTO vào năm 1995, giảm thuế nông sản ít nhất 15% so với mức trung bình 36% trước năm 1995.
Kẻ thắng - Người thua
Mọi thay đổi về thuế giữa Mỹ và châu Âu đều có khả năng ảnh hưởng tới thương mại và sẽ dẫn tới thay đổi về lợi nhuận của những ai liên quan tới lĩnh vực rượu. Việc tăng thuế của Mỹ với rượu Pháp sẽ cũng dẫn tới sự tăng thuế đối với rượu của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy và Đức.
Cuối cùng nó sẽ dẫn tới giá nhập khẩu rượu ở Mỹ tăng lên và chi phí tăng thêm sẽ rơi xuống đầu các nhà xuất khẩu châu Âu, những nhà nhập khẩu tại Mỹ, người tiêu dùng Mỹ - trong khi chính phủ Mỹ sẽ có thêm thu nhập với mức thuế áp thêm.
Năm 2018, hai tác giả Florine Livat và Bradly Rickard đã thực hiện nghiên cứu về Sự thay đổi những quy định nội địa và thuế tại Mỹ và châu Âu sẽ ảnh hưởng thế nào tới những người hưởng lợi nhuận chính trong ngành công nghiệp nghiệp rượu.
Kết quả cho thấy rằng sự tăng thuế vừa phải của Mỹ sẽ làm tăng lợi nhuận cho những nhà sản xuất rượu trong nội địa nước Mỹ, tăng chi phí cho người tiêu dùng rượu và giảm phúc lợi của toàn nước Mỹ. Nhưng tổng quan thì nó sẽ không gây ra hậu quả nghiêm trọng với thị trường Mỹ trong ngắn hạn.
Sự liên đới tới Trung Quốc
Mỹ không phải là khách hàng duy nhất với những nhà sản xuất rượu châu Âu và tất nhiên sự đe dọa áp thuế của ông Trump có thể gây ra những hậu quả không thể lường trước với thị trường toàn cầu, đặc biệt khi thương chiến Mỹ - Trung đang tăng nhiệt.
Để đáp trả lại việc áp thuế của Mỹ đối với sản phẩm thép và các mặt hàng khác, Trung Quốc đã áp 3 vòng thuế đối với rượu của Mỹ và thuế suất thực tế đã gần lên tới 100%. Hiện tại, thị trường rượu Trung Quốc không phải là thị trường chính với những nhà xuất khẩu Mỹ, nhưng việc áp thuế có thể khiến người tiêu dùng Trung Quốc giảm nhu cầu với rượu Mỹ.
Phần lớn rượu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Châu Âu, đặc biệt là Pháp. Và với việc rượu Mỹ đắt hơn vì Trung Quốc áp thuế, mức cầu đối với rượu Pháp có thể tăng lên. Mức áp thuế cao hơn với rượu của châu Âu có thể khiến các nhà sản xuất EU có thêm động lực để phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tại Trung Quốc.
Mặc dù, tác động trực tiếp của mức thuế cao hơn với rượu châu Âu có thể không đáng kể tại Mỹ, nhưng tác động không trực tiếp của việc mất đi thị trường rượu tại Trung Quốc sẽ gây ra những hậu quả lớn hơn với các nhà sản xuất rượu Mỹ về mặt dài hạn.