Vàng sẽ giảm nhiệt hay tiếp tục đi lên?

Theo Dũng Nguyễn/Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Tháng 7 đi qua với sự tăng vọt của giá vàng trên toàn cầu, đặc biệt giá vàng miếng tại thị trường nội địa tăng đến 8 triệu đồng mỗi lượng, mức tăng mỗi phiên luôn cao hơn so với giá vàng thế giới. Trong thời gian tới, vàng nội địa sẽ có diễn biến như thế nào?

Giá vàng tăng mạnh nhưng lượng giao dịch trực tiếp tại quầy không ghi nhận mức tăng nhanh tương ứng. Nguồn: internet
Giá vàng tăng mạnh nhưng lượng giao dịch trực tiếp tại quầy không ghi nhận mức tăng nhanh tương ứng. Nguồn: internet

Tháng 7, tháng thăng hoa của vàng

Mở cửa phiên giao dịch đầu tháng 8, giá vàng trong nước không có nhiều biến động so với mức cuối tuần. Theo đó, SJC vẫn niêm yết giá quanh mức gần 58 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Tại ngân hàng Eximbank cũng niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức tương tự.

Vàng trong nước đã kết thúc tháng 7 với mức tăng lên đến gần 8 triệu đồng/ lượng so với thời điểm đầu tháng, và cao hơn nhiều so với thời điểm đầu năm, khi đó vàng miếng được giao dịch quanh mốc 42 triệu đồng/lượng.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 7-2020 tăng 3,49% so với tháng trước, tăng 20,89% so với thời điểm cuối năm ngoái và tăng 28,57% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, tháng 7 không phải là lần đầu tiên vàng tăng “nóng” trong năm. Từ đầu năm đến nay có 2 đợt tăng đáng kể của vàng, đó là vào thời điểm tháng 2 và tháng 7.

Trong cả 2 đợt này, Ngân hàng Nhà nước phải phát đi thông cáo với mục đích trấn an thị trường. Lần đầu tiên cơ quan quản lý lên tiếng là vào khoảng ngày 24-2, vàng áp sát mức 49 triệu đồng/lượng. Còn lần tiếp theo là khi vàng tăng lên quanh mức 55 triệu đồng vào ngày 24-7.

Đại diện NHNN đánh giá rằng giá vàng trong nước tăng “đồng điệu” cùng giá vàng thế giới, đồng thời theo ghi nhận thì không có hiện tượng người dân đổ xô mua vàng, thay vào đó có hiện tượng một số người dân có xu hướng bán vàng ra khi giá vàng cao để chốt lời.

Tuy nhiên, trong đợt tăng mạnh vừa qua thì vàng cũng xuất hiện kịch bản mới khi giá vàng nội địa “thoát ly” với giá vàng thế giới, có thời điểm cao hơn giá thế giới đến 3 triệu đồng mỗi lượng khiến nhiều người băn khoăn.

Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), thị trường bán lẻ xuất hiện tình trạng “loạn giá”, nhiều công ty vàng buộc phải nâng giá bán để “thủ thế” trong bối cảnh nguồn cung vàng hạn hẹp hơn.

Theo đó, nguồn cung vàng trong nước có thời điểm không đủ đáp ứng nhu cầu mua bán vàng trên thị trường. Nhu cầu này không chỉ đến từ các nhà đầu tư cá nhân, người dân nhỏ lẻ, mà đặc biệt là với các doanh nghiệp kinh doanh vàng có mục đích đầu cơ hoặc tái cấu trúc tài sản khi giá vàng tăng quá cao kể từ đầu năm đến nay.

Sau 2 lần tăng "nóng", vàng vẫn giữ nguyên xu hướng tích lũy tăng đều từ mức giá ổn định khoảng 37 triệu đồng mỗi lượng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, 2 lần tăng nóng trong năm nay đã khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn về việc có nên nhảy vào thị trường khi giá vàng liên tiếp lập đỉnh lịch sử hay không.

Trên thực tế, các chuyên gia đều cho rằng đầu tư vàng trong lúc này cần hết sức thận trọng vì không thể lường trước được rủi ro của giá vàng thế giới. Theo đó, vàng chỉ dành cho các nhà đầu tư có hiểu biết cũng như có đủ công cụ để phân tích, đánh giá và hạn chế rủi ro.

Trên thực tế, việc duy trì mức chênh lệch giá vào và giá bán ra (hiện nay vẫn ở mức khoản 1,2 triệu đồng mỗi lượng) cũng cho thấy thái độ thận trọng của các doanh nghiệp kinh doanh vàng với mức độ "nhảy múa" của giá vàng thế giới hiện nay.

Diễn biến giá vàng giao ngay thế giới từ đầu năm đến nay, ghi nhận vào lúc 15h30 (giờ Việt Nam) theo Bloomberg.
Diễn biến giá vàng giao ngay thế giới từ đầu năm đến nay, ghi nhận vào lúc 15h30 (giờ Việt Nam) theo Bloomberg.

 

Giá vàng thế giới sẽ có sự điều chỉnh?

Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, giá vàng cũng biến động tăng mạnh, lần lượt vượt đỉnh lịch sử trong bối cảnh mối lo ngại về triển vọng kinh tế thế giới ngày càng xấu đi và dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành từ đầu năm đến nay.

Tính đến ngày 3-8, vàng giao ngay đang ở mức 1.972,48 đô la/ounce, tăng 11,1% so với tháng trước và gần 30% so với hồi đầu năm, theo Bloomberg. Theo Kitco, mức giá vàng tương lai giao tháng 12 trên sàn giao dịch hàng hóa Comex, có lúc chạm ngưỡng kỷ lục 2.005 đô la/ounce, hiện cũng giao dịch sát mức ngưỡng này.

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp hơn, các ngưỡng cản của giá vàng được giới chuyên môn lần lượt “nhấc” lên từ 1.500, 1.600, cho đến 1.900. Nay ngưỡng cản quan trọng tiếp theo đối với vàng thế giới là mốc 2.000 đô la cho mỗi ounce.

Mốc 2.000 này cũng được giới phân tích đặt kỳ vọng sớm vượt qua trong thời gian tới. Chẳng hạn như mới đây, Goldman Sachs cũng dự báo vàng sẽ tăng lên mức 2.300 USD/ounce trong 12 tháng tới. Trước đó, trong báo cáo triển vọng hàng hóa quý III, các nhà phân tích tại Citigroup cũng đưa ranhận định giá vàng đang hưởng lợi từ chính sách nới lỏng tiền tệ, lợi suất thực ở mức thấp, dòng vốn kỷ lục chảy vào các quỹ ETF và nhu cầu vàng lên cao, đẩy giá vàng lên cao nhất mọi thời đại trong 6-9 tháng tới.

Dù vậy sự tham gia vào thị trường vàng lúc này vẫn đầy rủi ro, đặc biệt là trong ngắn hạn. Nhiều chuyên gia lập luận rằng giá vàng tăng quá nhanh trong thời gian qua nên cần thời gian để điều chỉnh trở lại.

Chẳng hạn, Kitco News dẫn lại TD Securities, dự đoán giá vàng có thể rớt về dưới mức 1.900 trong ngắn hạn khi lợi suất trái phiếu 10 năm và 30 năm của chính phủ Mỹ tăng cao trở lại. Tương tự, chuyên gia của Standard Chartered cho rằng rủi ro lớn nhất với đợt tăng giá vàng lần này có thể là các thông tin tích cực về vắc-xin Covid-19, đồng đô la và áp lực chốt lời của thị trường.

Tuy nhiên, một nhận định chung được nhiều chuyên gia đồng tình là giá vàng sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong trung và dài hạn vì đầy đủ các nhân tố hỗ trợ, như kế hoạch “giải cứu” nền kinh tế khỏi tác động Covid-19 sẽ giúp vàng được hưởng lợi đáng kể.