Vay tiêu dùng: Lợi thì có lợi, nhưng...
Vay tiêu dùng đang trở thành xu hướng và ngày càng đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Nhưng người vay tiêu dùng vẫn cần thận trọng để tránh rủi ro, đặc biệt là nguy cơ dính phải “vết đen” trong lý lịch tài chính.
Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam năm 2015 đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 5 năm (kể từ cuối năm 2010).
Theo thống kê của Stox Plus, dư nợ cho vay tiêu dùng năm 2015 tăng trưởng 44% so với năm 2014 (từ 10,5 tỷ USD lên 15,12 tỷ USD). Hoạt động vay tiêu dùng đang chiếm 10,4% GDP và 6,8% tổng dư nợ của nền kinh tế.
“Bùng nổ” vay tiêu dùng
Báo cáo kết quả dịch vụ cho vay tiền mặt tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC) Home Credit Việt Nam cũng cho thấy hoạt động vay tiêu dùng đang tăng trưởng chóng mặt với bình quân hơn 57% trong giai đoạn 2010-2015. Và tiếp tục đạt con số “khủng” trong bốn tháng đầu năm 2016, với doanh thu tăng 80% so với cùng kỳ năm 2015.
Các chuyên gia đều cho rằng vay tiêu dùng sẽ trở thành một xu hướng và bùng nổ tại Việt Nam trong tương lai, theo dự đoán có thể vượt mốc 10% GDP vào năm 2020.
“Nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam ngày càng cao. Với những lợi ích thiết thực, vay tiêu dùng đang ngày càng được người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng”, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế, nhận định.
Thực tế cho thấy vay tiêu dùng đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Với giới hạn khoản vay không quá lớn nhưng có lợi thế về lãi suất và tính linh động, vay tiêu dùng đang phục vụ lợi ích thiết thực của tầng lớp công nhân, lao động phổ thông (một tầng lớp chiếm đại đa số dân số Việt Nam).
Theo thống kê, 50% khách hàng của Home Credit là công nhân, lao động có trình độ phổ thông, với các khoản vay phổ biến từ 10 đến 60 triệu đồng, thời hạn trả là từ 1 – 3 năm. Tình hình cũng tương tự tại các công ty tài chính lớn khác như FE Credit, HD Saison, ACS,….
Thị trường bùng nổ tạo nên một cuộc chạy đua khốc liệt giữa các thành viên trên thị trường tài chính. Số lượng công ty tài chính trong năm 2015 đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước. Các dịch vụ, công nghệ tiên tiến được áp dụng (thanh toán điện tử, dịch vụ thu hộ,…), mở rộng các điểm áp dụng, cải cách thủ tục hành chính, tăng đãi ngộ,…
Vay tiêu dùng đem lại nhiều lợi ích cho người dân, nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Trong buổi tọa đàm về vay tiêu dùng mới đây, ông Cao Văn Bình – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC), đã nhấn mạnh về những rủi ro mà người vay có thể gặp phải khi VTD, trong đó nguy cơ lớn nhất là bị liệt vào “danh sách đen”.
Coi chừng “danh sách đen”
“Khi xảy ra “nợ xấu”, người tiêu dùng sẽ bị liệt vào “danh sách đen” của CIC, dù sau đó đã thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ nhưng lý lịch tín dụng của người vay (hoặc người bảo lãnh) vẫn dính phải vết nhơ, khiến việc vay tín dụng sau này rất khó. “Vết đen” này có thể mất 5 năm mới được xóa đi”, ông Bình cho biết.
Lợi ích của vay tiêu dùng là không thể phủ nhận khi phục vụ đời sống, giải quyết không ít những khó khăn của người dân, góp phần quan trọng giảm thiểu “tín dụng đen”,… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần giải quyết để tín dụng tiêu dùng đem lại những lợi ích tối đa cho người dân.
TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính, phân tích: “Điểm nghẽn lớn nhất của vay tiêu dùng hiện nay là hành lang pháp lý tại các ngân hàng vẫn gây khó cho người dân, khiến họ phải chuyển sang vay tại các công ty tài chính. Điều này không chỉ gây khó cho người dân mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, vì tiêu dùng của người dân luôn đóng vai trò quan trọng”.
Việc phải chuyển từ vay tại ngân hàng sang các công ty tài chính đang mọc lên như nấm khiến người tiêu dùng gặp phải nhiều nguy cơ hơn. Trước tình trạng này, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên thận trọng, tỉnh táo khi làm thủ tục để tránh dính phải “bẫy lãi suất 0%” của những công ty tài chính bất minh.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng, cởi mở, thuận tiện hơn cho người vay tiêu dùng, nhưng đồng thời cũng cần có những quy định giám sát thị trường một cách chặt chẽ hơn với hoạt động của các công ty tài chính.
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh – Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước, nhận định: “Để đem lại lợi ích toàn diện cho người dân, cần một khuôn khổ pháp lý đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích người dân và các công ty tài chính.
Đồng thời, nâng cao tính năng động, trách nhiệm và minh bạch trong hoạt động cho vay tiêu dùng tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thu nhập của người dân Việt Nam”.