Về điều kiện nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng
(Tài chính) Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phản đối dự thảo Thông tư 20 quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ (máy móc) đã qua sử dụng đang được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lấy ý kiến. Bởi các quy định về thời gian sử dụng, yêu cầu chất lượng còn lại của máy móc nhập khẩu khá cứng nhắc.
Đại diện Vụ Đánh giá thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) - cơ quan soạn thảo dự thảo Thông tư lập luận, nước ta đã có chủ trương hạn chế nhập khẩu máy cũ để nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Vì thế, máy móc khi nhập về phải vừa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, vừa tránh được việc nhập rác thải công nghiệp, biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ. Dự thảo Thông tư đã đưa ra nhiều điều kiện với máy móc đã qua sử dụng được nhập khẩu vào nước ta, trong đó nổi bật là điều kiện có thời gian sử dụng không quá 5 năm, chất lượng còn lại từ 80% trở lên.
Trưởng ban điều hành Cộng đồng doanh nghiệp máy xây dựng Việt Nam Võ Văn Chung cho rằng, quy định nêu trên là siết quá chặt việc quản lý mặt hàng thiết bị nhập khẩu đã qua sử dụng mà không đánh giá hết những hệ lụy đối với ngành công nghiệp xây dựng trong nước. Trong khi đó, thông thường phải sau 5 – 10 năm, các doanh nghiệp chế tạo trên thế giới mới đưa ra một sản phẩm máy xây dựng mới.
Dù các loại máy móc mới có một số đặc tính tốt hơn, song lại có giá thành cao hơn từ 4-5 lần so với máy xây dựng có thời hạn sử dụng 15 – 20 năm. Các doanh nghiệp thi công công trình cũng đánh giá chất lượng của các máy móc sản xuất trong những năm gần đây tương đương với máy mới được đưa ra.
Cùng với kiến nghị cần xem xét lại quy định cứng nhắc về thời gian sản xuất cũng như thời gian đã sử dụng không quá 10 năm, nhiều ý kiến cũng cho rằng, nên xem xét lại quy định đánh giá tiêu chuẩn chất lượng còn 80%. Bởi tại nước ta hiện không đủ hệ thống máy móc cũng như con người có đủ trình độ để thẩm định chất lượng theo yêu cầu này.
Trưởng nhóm công tác Thương mại và Đầu tư thuộc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam Fred Burke đánh giá, các doanh nghiệp luôn hoài nghi tính chính xác của các cơ quan thẩm định. Con số 80% chất lượng máy móc không phải là con số đưa ra tùy tiện, mà phải căn cứ trên từng loại máy móc, thiết bị khác nhau. Mặt khác, nếu phân nhóm giữa doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp khác sẽ tạo lằn ranh rắc rối khi áp dụng thông tư. Vì thế, ông Fred Burke cho rằng, phải xem xét tính khả thi của thông tư này, cũng như xem đâu là những khoảng trống trong luật pháp hiện nay.
Đồng quan điểm này, Tổng giám đốc Công ty Phát triển máy xây dựng Việt Nam Phan Văn Hải nhấn mạnh, dự thảo Thông tư đưa ra các quy định mang tính phân biệt đối tượng nhập khẩu sẽ tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng. Cùng với đó, việc quy định chung các điều kiện nhập khẩu cho nhiều loại máy móc thiết bị của các lĩnh vực ngành nghề khác nhau là không phù hợp. Do đó, nếu ban hành Thông tư 20 thì cần tách biệt các điều kiện áp dụng theo từng nhóm ngành nghề để vừa dễ quản lý, vừa tránh được xung đột.
Rất nhiều quan điểm đều cho rằng, phải nghiên cứu kỹ khi ban hành các văn bản pháp luật dưới hình thức Thông tư để hướng dẫn thi hành luật, nghị định, tuy nhiên không nên quy định chung chung, khó đánh giá và kiểm định như dự thảo Thông tư 20 đang lấy ý kiến này. Và cần cân nhắc để tránh chồng chéo, mâu thuẫn với những văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành trước đây, cũng như tránh việc lợi dụng các văn bản này để lại tiếp diễn cơ chế xin - cho, làm khó doanh nghiệp.