Về hiệu quả mối liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học
Bài viết đánh giá mối liên kết giữa các trường đại học (Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Điện lực và Đại học Sao Đỏ) trực thuộc Bộ Công Thương với doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mối liên kết giữa các trường và doanh nghiệp đã có sự gắn bó khá chặt chẽ và đem lại nhiều kết quả nhất định, đồng thời nghiên cứu cũng đưa ra hàm ý chính sách nhằm nâng cao hơn nữa mối liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo.
Các mô hình liên kết với doanh nghiệp
Chủ trương liên kết giữa các trường đào tạo nghề, đại học với các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất để tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường và đẩy mạnh xuất khẩu lao động để giải quyết việc làm cho thanh thiếu niên đã được Chính phủ chỉ đạo tại nhiều văn bản.
Cụ thể như: Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021; Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm; Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH, ngày 15/12/2017 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo. Theo đó, nhà trường và DN có thể liên kết tổ chức đào tạo, trong đó DN có thể đảm nhận đến 40% chương trình đào tạo.
Nhờ những chủ trương trên, nhiều mô hình liên kết với DN của các trường đại học thuộc Bộ Công Thương đã được triển khai hiệu quả trong thời gian qua như:
- Mô hình của Đại học Công nghiệp Hà Nội: Năm 2014, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã thành lập Trung tâm Hợp tác với DN. Theo báo cáo tổng kết năm học 2016-2017 của Trung tâm Hợp tác với DN, năm 2016, Nhà trường đã tiếp nhận 28 yêu cầu tham gia thăm quan, thực tập tại DN trong khuôn khổ hợp tác đào tạo của các DN như: Nissan Techno, Samsung Việt Nam, Canon Việt Nam, Foxconn, Vinatop, COMA 18... với 3.150 sinh viên.
Hoạt động trao đổi cán bộ giảng viên cũng được đẩy mạnh hơn so với năm 2016. Cụ thể, có 30 cán bộ giảng viên tới đào tạo tại các DN như: Denso Việt Nam, Canon Việt Nam, Pepsico Việt Nam, Phân lân Văn Điển, Hanacans; Có 36 cán bộ của DN tham gia giảng dạy tại Nhà trường đến từ: Foxconn, Pepsico Việt Nam, Samsung Việt Nam, Canon Việt Nam.
Năm 2017, số lượng các khoá học ngắn hạn do DN gửi tới Trường đào tạo là 148 với số lượng học viên lên tới 1.795 người, tăng 174,78% so với năm trước. Số lượng chương trình thực tập trải nghiệm tại DN là 26, với khoảng 1.938 sinh viên tham gia tại các DN như: Samsung Việt Nam, Canon Việt Nam, Foxconn, UMC, Toyo Denso, TNHH Gia Minh.
Có 45 giảng viên tham gia giảng dạy tại DN như: Pepsico Việt Nam, Nestle Việt Nam, Hanwha, Denso Việt Nam, Panasonic Việt Nam, Habeco. Số cán bộ DN tham gia giảng dạy tại nhà trường tăng lên 40 người đến từ các DN như: Foxconn, Hanwa, Denso Việt Nam, Bóng đèn Rạng Đông, Minami Fuji.
Theo thống kê, tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay chiếm khoảng từ 58,6% - 65%, số lượng sinh viên có việc làm sau 01 năm tốt nghiệp chiếm khoảng 86,9%.
Căn cứ vào số lượng sinh viên có việc làm cao mà số lượng tuyển sinh của nhà trường hàng năm đều đạt mức 100% chỉ tiêu các hệ đào tạo, mang lại nguồn tài chính ổn định quan trọng đối với cơ chế tự chủ của Nhà trường.
- Mô hình của Đại học Điện lực Hà Nội: Theo Phòng Đào tạo, Trường Đại học Điện lực, trong quá trình xây dựng các chương trình đào tạo, Nhà trường đã có sự tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp của 38 nhà khoa học chuyên môn, 81 giảng viên, 41 cán bộ quản lý, 29 tổ chức xã hội nghề nghiệp, 55 nhà tuyển dụng lao động, 82 người đã tốt nghiệp.
Mục tiêu chủ yếu của Đại học Điện lực Hà Nội là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng nhằm cung cấp nguồn lao động cho EVN và các DN điện khác.
Theo Trung tâm Đào tạo thường xuyên của Nhà trường, năm 2017, Trường đã liên kết với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc mở các lớp đào tạo ngắn hạn cho cán bộ, công nhân ngành Điện về: Quản trị cho cán bộ quản lý cấp trung, cấp cơ sở; bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ công nhân... với tổng số lớp là 27, đạt 93,1% so với năm 2016; tổng số học viên là 1791 người (Bảng 1).
Thông qua triển khai nhiều chương trình liên kết đào tạo ngắn hạn cho các công ty điện lực mà nguồn thu tài chính của Đại học Điện lực Hà Nội được củng cố. Cụ thể, nguồn thu từ EVN hàng năm chiếm khoảng 1,3% tổng nguồn thu tài chính của Nhà trường.
Với các DN điện lực, sau khi cán bộ, công nhân được đào tạo lại, các cán bộ quản lý đã nâng cao được kiến thức mới, công nghệ mới và trình độ quản lý các công nhân đã nâng cao được trình độ tay nghề trong quá trình sản xuất điện năng.
Không chỉ hợp tác riêng với EVN, Đại học Điện lực còn liên kết với một số các DN khác trong nước cũng như nước ngoài như: Hitachi (Nhật Bản), Mitsubishi (Nhật Bản), Samsung Việt Nam, Rạng đông.
Năm 2017, Nhà trường tiếp tục ký kết hợp tác với Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA), trong đó ACCA đồng ý hỗ trợ Đại học Điện lực triển khai chương trình chất lượng cao chuyên ngành kế toán - tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế, đào tạo trao đổi cán bộ giảng dạy và hỗ trợ tài chính đào tạo cho sinh viên.
Thông qua việc liên kết đào tạo trên, chất lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường được các DN đánh giá cao. Theo thống kê của Nhà trường và các tổ chức xã hội, số lượng sinh viên tốt nghiệp có việc làm chiếm 95,22%.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, DN thực tập đánh giá cao về thái độ làm việc 84% loại A, 16% loại B, hiệu quả công việc và chuyên cần của sinh viên thực tập 78% loại A, 20% loại B và 2% loại C.
Chỉ số tương đối hài lòng về chương trình đào tạo của nhà trường 38% loại A, 62% loại B. Với ưu điểm trên, tỷ lệ tuyển sinh đầu vào hàng năm của nhà trường giữ ở mức cao, đảm bảo nguồn thu để chi cho các hoạt động của nhà trường.
- Mô hình của Đại học Sao Đỏ: Đại học Sao Đỏ luôn coi trọng và triển khai công tác phối hợp giữa Nhà trường và DN. Theo đó, Nhà trường đang thực hiện dự án “Xây dựng mô hình 3 bên: Nhà trường - DN - Chính phủ về phát triển kỹ năng và đẩy mạnh công nghiệp hoá tại Việt Nam” có sự tham gia và tài trợ của Trường Đại học Han Kok Hàn Quốc.
Trường cũng tham gia các dự án của chương trình khuyến công quốc gia, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Đại học Sao Đỏ với các trường trong Bộ Công Thương, các DN trong hoạt động đào tạo, chuyển giao công nghệ.
Tranh thủ ưu thế của địa bàn, Đại học Sao Đỏ đã thành lập phòng hợp tác đào tạo và xúc tiến việc làm, làm cầu nối giữa sinh viên với các cơ sở sử dụng lao động trên địa bàn như: Công ty TNHH May Tinh Lợi, Công ty TNHH Toyota Hải Dương...
Đối với các DN ngoài địa bàn tỉnh Hải Dương, Nhà trường cũng liên kết với DN tiếp nhận sinh viên học tập tại DN hoặc tiếp nhận việc làm như: Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH Samsung Electronics, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch An Tâm, Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải... Các hoạt động này xét về góc độ đào tạo đã tạo điều kiện để sinh viên trải nghiệm thực tế và tìm kiếm đầu ra sau khi tốt nghiệp.
Tổng kết giai đoạn 2012-2016, Nhà trường đã thực hiện 05 chương trình liên kết đào tạo hợp tác với DN: “Chương trình hợp tác tư vấn thủ tục đi du học cho sinh viên Đại học Sao Đỏ và Công ty cổ phần tư vấn chuyên nghiệp Việt Nam”, “Chương trình hợp tác liên kết đào tạo giữa Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực LOD và Đại học Sao Đỏ”, “Chương trình hợp tác với Chi nhánh Công ty cổ phần phát triển nhân lực, thương mại và du lịch VIWASEEN tại Hà Nội”, “Chương trình hợp tác, liên kết đào tạo giữa Công ty Cổ phần Hợp tác đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực và Đại học Sao Đỏ”, “Chương trình hợp tác tuyển sinh, đào tạo ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài giữa Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu 3-2 Hòa Bình và Đại học Sao Đỏ”.
Với những chương trình hợp tác như trên, Nhà trường đã gặt hái được nhiều thành công trong việc nâng cao hiệu quả đào tạo, theo đó, tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt hơn 90%.
Giải pháp tăng cường mối liên kết doanh nghiệp với cơ sở giáo dục đại học
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động liên kết với DN trong lĩnh vực đào tạo của 3 Trường đại học nói trên còn bộc lộ một số hạn chế sau: Các hoạt động trao đổi còn chưa phong phú và chưa liên kết toàn diện; Thiếu các hoạt động về trao đổi giữa giảng viên và cán bộ của DN trong hoạt động đào tạo. Vì vậy, để việc liên kết giữa các trường đại học và DN đi vào hiệu quả và thiết thực hơn, cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau:
Về phía Nhà nước:
- Hoàn thiện hệ thống chính sách định hướng và điều chỉnh hoạt động liên kết giữa trường đại học và DN.
Thời gian qua, Nhà nước đã có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa một số ngành, lĩnh vực, khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư cho hoạt động giáo dục; Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học; Khuyến khích các DN, hiệp hội DN liên kết với các trường đại học trong đào tạo, hợp tác nghiên cứu...
Tuy nhiên, để việc liên kết này hiệu quả, Nhà nước cần có chính sách và hướng dẫn cụ thể về quyền, trách nhiệm, phương thức hợp tác giữa trường đại học và DN.
- Thường xuyên thống kê cung - cầu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao để điều tiết lĩnh vực giáo dục - đào tạo cho phù hợp. Theo đó, cần hình thành một cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, xây dựng hệ thống thông tin về cung - cầu nhân lực trên địa bàn cả nước nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội.
- Thiết lập nhiều kênh kết nối trường đại học với DN. Cơ quan quản lý có thể đứng ra tổ chức các diễn đàn để nhà trường và DN gặp nhau như: sàn giao dịch công nghệ để nâng cao hiệu quả liên kết trong tương lai.
- Có cơ chế hỗ trợ nhà trường và DN thành lập các quỹ đầu tư phát triển chung để gia tăng sự ràng buộc, nâng cao tính năng động cũng như trách nhiệm của các chủ thể liên kết.
Về phía nhà trường:
- Chủ động mời các nhà quản lý, nhân lực giỏi từ DN tham gia vào hoạt động đào tạo của nhà trường về những kỹ năng tác nghiệp trên máy móc, thiết bị thực tế để quá trình nghiên cứu, giảng dạy trên giảng đường sát với thực tiễn.
- Nâng cao năng lực đào tạo thông qua bồi dưỡng trình độ của đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất thiết yếu; cập nhật, đổi mới chương trình nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục.
- Thiết lập bộ phận chuyên trách về liên kết, hợp tác.
Về phía doanh nghiệp:
- Tạo điều kiện tiếp nhận sinh viên kiến tập, thực tập, tham quan, khảo sát, tuyển dụng và sử dụng sinh viên tốt nghiệp của nhà trường.
- Có chiến lược nuôi dưỡng, ươm mầm tài năng tại các trường đại học với nhiều hình thức như cung cấp học bổng, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, tuyển dụng trước và sau tốt nghiệp.
- Chủ động phối hợp với trường đại học trong việc biên soạn giáo trình, nội dung và phương pháp giảng dạy, bảo vệ đồ án, luận văn tốt nghiệp... để chương trình đào tạo “ăn khớp” với nhu cầu của DN và xã hội.
- Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, giảng viên có chất lượng cao trong các trường đại học tham gia vào các dự án hoặc chia sẻ, cố vấn cho DN thông qua các chương trình đào tạo nội bộ.
Tài liệu tham khảo:
1. Trung tâm Hợp tác với DN (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) (2017),
Báo cáo tổng kết năm học 2016-2017;
2. Trung tâm Đào tạo thường xuyên (Đại học Điện lực Hà Nội), (2017),
Báo cáo tổng kết năm học 2016-2017;
3. Phòng Hợp tác đào tạo và xúc tiến việc làm (Đại học Sao Đỏ) (2017),
Báo cáo tổng kết năm học 2016-2017;
4. Các website: haui.edu.vn, epu.edu.vn, saodo.edu.vn...