Chi phí định mức phải điều chỉnh thận trọng, tránh ảnh hưởng đến giá xăng dầu

Trần Huyền

Việc tăng chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở sẽ tác động làm tăng giá xăng dầu trong nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Do đó, việc điều chỉnh chi phí này phải được xem xét thận trọng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên gắn với kiểm soát lạm phát. Yếu tố quan trọng khác để đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu hiệu quả đó là tránh thiếu hụt nguồn cung và quản lý hiệu quả hệ thống đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Việc điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở phải được xem xét thận trọng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên gắn với kiểm soát lạm phát.
Việc điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở phải được xem xét thận trọng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên gắn với kiểm soát lạm phát.

Điều chỉnh chi phí định mức thận trọng, không làm tăng giá xăng dầu

Theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, giá cơ sở xăng dầu được tính dựa trên 04 yếu tố gồm: Giá xăng dầu thành phẩm thế giới; Các khoản chi phí và lợi nhuận định mức; Mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu; Các khoản thuế.

Trong đó, theo Bộ Tài chính, chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu chiếm khoảng từ 9,29 - 10,51% đối với xăng và khoảng 5,92% đối với dầu diesel (tính tại kỳ điều hành ngày 21/9/2022), gồm: chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, Premium (yếu tố điều chỉnh giá trong hợp đồng mua bán xăng dầu) trong nước; chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng; chi phí kinh doanh định mức. Ngoài ra, còn lợi nhuận định mức chỉ để tính giá cơ sở xăng dầu khoảng 1,33 - 1,38%.

Các khoản chi phí định mức nêu trên được rà soát, xác định theo diễn biến thực tế của hoạt động kinh doanh xăng dầu, bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ và phù hợp với mặt bằng kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối. Theo đó, các thương nhân đầu mối định kỳ báo cáo chi phí kinh doanh theo quy định về Bộ Tài chính, trên cơ sở đó, Bộ sẽ tổng hợp, rà soát và đánh giá.

Ngay từ đầu năm 2022, Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) đã có Công văn số 95/QLG-TLSX ngày 18/2/2022 đề nghị các thương nhân đầu mối báo cáo chi phí kinh doanh theo quy định gửi về trước 31/3/2022 để tổng hợp, rà soát và đánh giá.

Vừa qua, với xu hướng giá thế giới tăng cao, việc tăng chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở sẽ tác động thêm làm tăng giá xăng dầu trong nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý cần xem xét thận trọng việc điều chỉnh các khoản chi phí định mức cho phù hợp, nhưng phải đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên và để thị trường kinh doanh xăng dầu ổn định hơn.

Cần hướng dẫn, giám sát kinh doanh xăng dầu, tránh thiếu hụt nguồn cung

Trên thực tế, để ứng phó kịp thời trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao ảnh hưởng đến trong nước, Bộ Tài chính đã chủ động, khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách tài khóa nhằm ổn định mặt bằng giá xăng dầu trong nước, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân và góp phần kiểm soát lạm phát.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu 3.000 đồng/lít, về mức sàn tối thiểu. Bộ cũng đã tham mưu Chính phủ giảm thuế nhập khẩu với xăng từ 20% xuống còn 10%. Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội trong điều kiện giá xăng dầu tăng cao thì tiếp tục giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% thuế giá trị gia tăng với xăng dầu.

Trong bối cảnh đó, các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở được rà soát, đánh giá kỹ để xem xét điều chỉnh thận trọng, tránh ảnh hướng đến giá xăng dầu trong nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng chi phí định mức liên quan đến nguồn xăng dầu nhập khẩu.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, chi phí định mức đối với kinh doanh xăng dầu quy định đối với 1 lít xăng A92 - xăng nền pha chế xăng sinh học E5 là 970 đồng. Sau khi có đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp và đã thống nhất tăng lên 350 đồng. Như vậy, 1 lít xăng A92 hiện nay thì chi phí định mức là 1.320 đồng.

Đối với các mặt hàng xăng dầu khác, trong công văn gửi Bộ Công Thương về chi phí định mức xăng dầu, Bộ Tài chính thông báo Premium trong nước đối với xăng A95 là 1.340 đồng/lít, dầu diesel 0,05S là 30 đồng/lít. Còn chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng đối với xăng E5 là 290 đồng/lít, xăng A95 là 280 đồng/lít, dầu diesel 0,05S là 240 đồng/lít.

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, Bộ Tài chính luôn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phân phối và bán lẻ để đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ cho người dân và đảm bảo giá xăng dầu hạ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống cho người dân.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương trong việc rà soát đánh giá các yếu tố chi phí định mức trong giá cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp, có tính đến mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Như vậy, Bộ Tài chính đã tham mưu rất kịp thời, chính xác đối với các chính sách để phản ứng trước vấn đề tăng giá xăng dầu theo phạm vi trách nhiệm quản lý được giao.

Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề quan trọng hiện nay là cần kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu một cách hiệu quả, đồng thời cần đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu tại các cửa hàng của thương nhân đầu mối. Đây là vấn đề thuộc quản lý của ngành Công Thương.