TS. Lê Bá Chí Nhân - Chuyên gia kinh tế:
Thiếu hụt xăng dầu, Bộ Công Thương cần sớm đưa ra những quyết sách cụ thể
TS. Lê Bá Chí Nhân – Chuyên gia kinh tế cho rằng, Bộ Công Thương là đơn vị trực tiếp điều hành quản lý, do đó, cần sớm đưa ra những quyết sách cụ thể, trong đó có giải pháp giải quyết những vấn đề về chi phí đối với doanh nghiệp, đại lý phân phối, kinh doanh… đảm bảo được nguồn cung, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu như trong thời gian qua.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, việc chưa điều chỉnh mức premium và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng dẫn đến việc phân bổ chiết khấu trong hệ thống kinh doanh bị hạn chế, khiến nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để đảm bảo bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, cũng như đảm bảo cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường. Theo ông, nhận định này liệu có cơ sở và có phù hợp với diễn biến thực tế của thị trường hiện nay?
Lê Bá Chí Nhân: Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ban, ngành thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát lạm phát để cho mặt bằng giá cả, đặc biệt là xăng dầu trên thị trường ổn định. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, chủ yếu là khu vực miền Nam, tại một số tỉnh, thành như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước… tình trạng thiếu hụt xăng, dầu tại các đại lý lại diễn ra nghiêm trọng, khiến người dân phải xếp hàng chờ đợi, thậm chí có nhiều đại lý đã phải đóng cửa, thống báo không còn xăng, dầu để bán.
Nguyên nhân chính ở đây là do chi phí kinh doanh tăng mạnh và thương nhân đầu mối không đủ nguồn hàng nên chỉ duy trì trong hệ thống và tồn kho theo quy định. Nhiều doanh nghiệp giảm mạnh chiết khấu để hạn chế đại lý bán lẻ lấy nhiều hàng, nên doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ… Trước thực trạng này, cần xem xét lại quy trình điều hành kinh doanh xăng, dầu mà Bộ Công Thương là đơn vị trực tiếp xử lý vấn đề này.
Theo đó, Bộ Công Thương phải cân bằng được giá nhập khẩu và tất cả các chi phí đầu vào như thế nào để giữ được mặt bằng chung giá cả trên thị trường. Trong trường hợp không thể giải quyết thì phải trình Chính phủ, sau đó trình ra Quốc hội để bàn bạc các phương án thực hiện. Trước đó, vấn đề bình ổn giá xăng dầu chúng ta đã cơ bản thực hiện được.
Phóng viên: Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù có sự thiếu hụt xăng dầu tại một số cửa hàng đầu mối làm gián đoạn hoạt động kinh doanh tại nhiều đại lý trong những ngày gần đây, nhưng xăng dầu tồn kho của các doanh nghiệp và nguồn cung xăng dầu đang được bổ sung từ nguồn nhập khẩu vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Lê Bá Chí Nhân: Thực tế cho thấy, vấn đề thiếu hụt xăng dầu trong thời gian qua thường xuyên diễn ra, đặc biệt đỉnh điểm là những ngày gần đây, người dân xếp hàng, nhiều đại lý đã phải đóng cửa vì không có nguồn cung ứng. Vấn đề ở đây là Bộ Công Thương thông tin vẫn đảm bảo nguồn cung xăng dầu đáp ứng cho nhu cầu người tiêu dùng, trong khi, doanh nghiệp, đại lý xăng dầu lại thông báo hết xăng dầu, nhưng bị ảnh hưởng ở đây là người tiêu dùng.
Do đó, để giải quyết bài toán thiếu hụt xăng dầu như hiện nay, Bộ Công Thương cần sớm kiểm tra thực tế, có kết luận thông báo cụ thể để giải quyết hài hoà giữa ba bên là Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, tránh gây hoang mang, mất niềm tin.
Phóng viên: Để sớm ổn định thị trường xăng dầu và đảm bảo nguồn cung cho các cơ sở kinh doanh được hoạt động trở lại, theo ông, cơ quan trực tiếp điều hành thị trường cần phải làm gì trong thời gian tới?
Lê Bá Chí Nhân: Về vấn đề ổn định mặt bằng xăng dầu, Bộ Công Thương là đơn vị trực tiếp điều hành quản lý, do đó, thời gian tới cần sớm đưa ra những quyết sách cụ thể, trong đó có giải pháp giải quyết những vấn đề về chi phí đối với doanh nghiệp, đại lý phân phối, kinh doanh xăng dầu như: Chi phí mặt bằng, chi phí công nhân, bảo hành, vận chuyển… Bên cạnh đó, cần có giải pháp để đảm bảo được nguồn cung, tránh tình trạng thiếu hụt xăng dầu như trong thời gian qua.
Dù vậy, để đảm bảo thị trường xăng dầu được ổn định, giảm thiểu tình trạng khan hiếm xăng dầu thì không chỉ Bộ Công Thương, Bộ Tài chính mà nhiều đơn vị khác cũng cần tham gia nghiên cứu các chính sách, điều hành xăng dầu, đảm bảo nguồn cung, đưa ra các mức lợi nhuận phù hợp… hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh hoạt động trở lại.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Chia sẻ với Tạp chí Tài chính, TS. Lê Bá Chí Nhân cho rằng, đối với từng địa phương, các đơn vị liên quan cần kiểm tra, rà soát, từ đó, có các phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp, cũng như thực hiện các quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu theo đúng quy định. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu mối, đại lý phân phối cần hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ.