Venezuela vẽ ra cuộc khủng hoảng tiền mặt để dọn đường cho thanh toán điện tử?
The Guardian cho rằng, Tổng thống Maduro đã cố gắng vẽ ra cuộc khủng hoảng tiền mặt như một cơ hội để Venezuela rút tiền ra khỏi nền kinh tế. Maduro nói rằng vào năm tới, 95% tất cả các khoản thanh toán ở nước này phải được thực hiện thông qua điện tử.
Tiền tệ của Venezuela, đồng bolivar, được đặt tên theo tên của Simón Bolívar - vị anh hùng thế kỷ 19 được tôn vinh khắp Nam Mỹ, người lãnh đạo cuộc chiến giành độc lập từ Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, những cảm hứng lịch sử về đồng tiền này đã mất đi ít nhiều trong thời gian gần đây khi giá trị đồng bolivar dần trở nên vô nghĩa và giờ Venezuelacũng đang cạn tiền.
Khủng hoảng tiền mặt ở Venezuela đã trở nên trầm trọng tới mức các máy ATMhiện nay chỉ cung cấp một lượng tiền giới hạn hàng ngày là 10.000 bolivar, số tiền đủ để mua một vài tách cà phê.
Những người đổi tiền chợ đen thu phí hoa hồng lên tới 20% đới với những chủ kinh doanh nhỏ trả lương cho công nhân bằng tiền mặt. Các ngân hàng cũng đang hết tiền.
"Đôi khi, nhân viên ngân hàng sẽ chỉ trả cho bạn một nửa khoản tiền trợ cấp và đề nghị bạn trở lại lần sau cho phần còn lại", Marta Milano, người đang đứng xếp hàng bên ngoài một ngân hàng quốc doanh ở Caracas, với hy vọng lấy được khoản tiền trợ cấp cho biết.
Mặc dù nhiều quốc gia đang chuyển từ tiền giấy sang thanh toán điện tử để thuận tiện và giảm tội phạm, tuy nhiên các nhà phê bình cho rằng Venezuela đã vô tình biến thành một xã hội không có tiền mặt do những sai lầm kinh tế của chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro.
Chi tiêu nhà nước nằm ngoài tầm kiểm soát, kiểm soát tiền tệ của chính phủ và các chính sách khác đã dẫn đến siêu lạm phát, cũng như sự sụp đổ của đồng bolivar - đồng tiền đang giao dịch khoảng khoảng 107.000 đổi 1 bảng Anh trên thị trường chợ đen.
Venezuela đang trong tình trạng không có đủ tiền lưu thông để theo kịp với đà tăng cao của giá cả.
Jean Paul Leidenz, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Caracas thinktank Ecoanalitica, nói rằng có khoảng 13 tỷ bảng Anh lưu hành tại Venezuela. Nhưng khoảng một nửa trong số này là tờ 100 bolivar, có giá trị tương đương một phần nhỏ của đồng xu.
Ngân hàng trung ương Venezuela đã phát hành các tờ tiền có giá trị cao hơn như tờ 100.000 bolivar. Tuy nhiên, những tờ tiền mới này đang được in ở châu Âu, trong khi đó chính phủ Venezuela vốn đang phải đối phó với tình trạng sản xuất dầu giảm và nợ nước ngoài khổng lồ, không có tiền để nhập khẩu đủ lượng tiền mới đáp ứng nhu cầu trong nước.
"Giá cả tăng gấp đôi mỗi tháng hai lần. Vì vậy, với tốc độ tăng giá này Venezuela không thể theo kịp lạm phát ngay cả khi bạn bắt đầu nhập tờ tiền mới", Leidenz nói.
Leidenz và các nhà phân tích khác đang kêu gọi cải cách thị trường, bao gồm việc dỡ bỏ kiểm soát tiền tệ của chính phủ, để giúp chống lạm phát và thúc đẩy sản xuất quốc gia trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của Venezuela. Du vậy, chính phủ Maduro đã không nỗ lực để thay đổi cách tiếp cận.
Tổng thống Maduro đổ lỗi cho sự thiếu hụt tiền mặt của các chủ ngân hàng tư nhân mà ông cho là đang làm việc với Tổng thống Juan Manuel Santos của Colombia, người đã chỉ trích Maduro về việc trấn áp tự do dân chủ.
Maduro nhấn mạnh rằng các ngân hàng đang buôn lậu tiền mặt trên biên giới Venezuela-Colombia như một phần trong âm mưu phức tạp để phá hoại nền kinh tế và hạ bệ chính phủ của ông.
"Juan Manuel Santos của Colombia cùng với mafia biên giới đang dẫn đầu cuộc tấn công này chống lại Venezuela. Họ đang ăn cắp tiền giấy 50 và 100 bolivar để đưa ra khỏi đất nước", Maduro cho biết trong một bài phát biểu gần đây.
Tuy nhiên, ông lại không giải thích tại sao những người buôn lậu lại muốn mua những tờ giấy bạc gần như không có giá trị hoặc tại sao những tờ tiền này ra khỏi đất nước sẽ đe dọa nền kinh tế Venezuela.
"Thay vào đó, Maduro đã cố gắng vẽ ra cuộc khủng hoảng tiền mặt như là một cơ hội để Venezuela rút tiền mặt ra khỏi nên kinh tế. Ông nói rằng vào năm tới, tới 95% tất cả các khoản thanh toán ở Venezuela phải được thực hiện bằng điện tử", The Guardian bình luận.
Điều này đã bắt đầu diễn ra, mặc dù các nhà phê bình chỉ ra rằng quá trình chuyển đổi bắt nguồn từ sự thiếu hụt tiền mặt chứ không phải là kế hoạch được đặt ra trước của chính phủ Maduro. Ngày nay,người Venezuela trả tiền cho những thứ nhỏ nhất - từ một gói kẹo cao su - bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ.
Tại một khu chợ trời ở Caracas, thợ điện Edinson Sua đã rút thẻ ghi nợ của mình để trả cho một vài kg khoai tây và cà rốt. Ông nói rằng ông đã tiết kiệm cho mình một khoản tiền hiếm hoi dành cho vé xe buýt và các giao dịch khác yêu cầu tiền mặt.
"Tôi hầu như không bao giờ sử dụng tiền mặt ngoại trừ trường hợp khẩn cấp thực sự", ông nói.
Việc thanh toán bằng thẻ cũng phát sinh những vấn đề mới. Số lượng các giao dịch điện tử gia tăng có thể khiến kết nối internet bị sụp đổ.
Các kệ bán trống trơn sản phẩm ở các siêu thị khiến nhiều người Venezuelan tìm kiếm nhà cung cấp chợ đen bán sữa, gạo và các mặt hàng cơ bản khác nhưng họ cũng chỉ chấp nhận tiền giấy.
Hơn nữa, khoảng 40% người Venezuela không có tài khoản ngân hàng. Đối với họ cuộc tranh giành hàng ngày cho tiền mặt vẫn tiếp tục.