Vì đâu giá vàng nổi sóng liên tục?
Sau khi tăng hơn 30 USD/ounce trong phiên giao dịch cuối tuần qua, giá vàng quốc tế sáng ngày 26/8 mở cửa đầu ngày tăng vọt thêm 20 USD/ounce, lên gần mốc 1.550 USD/ounce trong phiên giao dịch châu Á.
Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2013 đến nay. Tính từ đầu tháng 8/2019 đến nay, thị trường vàng quốc tế đã bứt phá hơn 9%, tương đương với 130 USD/ounce.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang sau khi Bắc Kinh và Washington thay phiên áp thuế lẫn nhau đã thúc đẩy giới đầu tư tìm đến vàng như một tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh rủi ro tăng cao.
Trung Quốc cho biết đang chuẩn bị nâng thuế từ 5-10% theo hai giai đoạn đối với 75 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vào ngày 1/9/2019 và ngày 15/12/2019, trùng với ngày mà Washington dự kiến sẽ tăng thuế nhập khẩu với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 15%. Đồng thời, Nhà Trắng cũng sẽ nâng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/10/2019.
Hệ quả là thị trường tài chính toàn cầu hỗn loạn; trong đó, cổ phiếu là nạn nhân lớn nhất khi sắc đỏ bao trùm các thị trường từ Á, Âu đến Mỹ. Cộng thêm dấu hiệu suy thoái khi đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ bị đảo ngược, dòng tiền rút ra khỏi các tài sản rủi ro như cổ phiếu càng có động lực chạy vào các kênh đầu tư an toàn như vàng, khiến giá kim loại quý này leo cao.
Trong khi đó, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cuối tuần qua đã có bài phát biểu tại hội nghị ở Jackson Hole và cho biết FED "sẽ hành động thích hợp để duy trì đà tăng trưởng". Tuyên bố này đưa đến kỳ vọng ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới này sẽ tiếp tục có động thái nới lỏng tiền tệ, sau khi đã có đợt giảm lãi suất gần đây xuống 2-2,25% vào tháng 7/2019.
Về cơ bản, khi FED nới lỏng tiền tệ sẽ giúp vàng tiếp tục đi lên trong khi gây áp lực lên đồng USD. Chỉ số đồng USD vốn đo lường sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, đã rớt 0,5% vào hôm thứ sáu từ mức cao gần 98,5 về tận gần 97 điểm. Đồng USD suy yếu có thể thúc đẩy nhu cầu hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh như vàng tiếp tục đi lên.
Chạy theo diễn biến giá vàng quốc tế, giá vàng trong nước hôm nay cũng nhảy vọt thêm 500.000/lượng, với giá vàng SJC mua vào tăng lên 42,6 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán ra đã tiếp cận mốc 43 triệu đồng/lượng. Tính từ đầu tháng 8/2019 đến nay, giá vàng SJC trong nước dù tăng chậm hơn giá thế giới nhưng cũng đã tăng gần 9%, từ mức 39,5 triệu đồng/lượng lên gần 43 triệu đồng/lượng theo giá bán ra.
Tuy nhiên, khác với tình trạng đổ xô đi mua vàng mỗi khi giá tăng cao trước đây, thì giao dịch trên thị trường trong thời gian qua vẫn khá ổn định. Hiện tại, giá vàng niêm yết trong nước vẫn ở mức thấp hơn so với giá vàng quốc tế quy đổi, cho thấy chưa có tình trạng đẩy giá. Tuy nhiên, nếu xu hướng này tiếp tục, không loại trừ khả năng sẽ kích thích làn sóng ồ ạt mua vàng vào để lướt sóng đầu cơ, mà có thể gây bất ổn cho nền kinh tế.
Dù vậy, với việc tăng giá quá mạnh chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, giá vàng đang đứng trước rủi ro điều chỉnh trở lại để tìm điểm cân bằng. Theo đó, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hạ nhiệt đều sẽ gây áp lực lên thị trường kim loại quý này.
Vì vậy, rủi ro của việc mua vàng trong thời điểm giá đang ở mức cao này dường như đang lớn hơn. Hiện tại, giá vàng quốc tế cũng đang cho tín hiệu điều chỉnh, khi đang rớt gần 20 USD/ounce so với mức cao đầu ngày sáng nay.