Vì mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Tín dụng những tháng đầu năm 2017 đã có sự tăng trưởng cao hơn so với những năm trước đây. Điều này đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong điều kiện giải ngân vốn đầu tư công chưa được đẩy mạnh trong những tháng đầu năm.
80% vốn vào lĩnh vực sản xuất
Sự quyết liệt của Chính phủ để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% đã được thể hiện qua phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 và Chỉ thị số 24/CT-TTg giao các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.
Đối với ngành Ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp (DN), tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm tăng tín dụng theo kế hoạch (khoảng 18%) để thúc đẩy tăng trưởng…
Có thể nói sau giai đoạn tín dụng tăng trưởng “nóng”, việc kiểm soát tốc độ tăng cũng như chất lượng tín dụng được ngành Ngân hàng chú trọng hơn. Vẫn đóng vai trò chủ đạo trong cung ứng vốn đầu tư cho nền kinh tế nên vốn tín dụng luôn gắn liền với tốc độ tăng trưởng GDP. Điều này được nhận thấy rõ qua con số thống kê giữa tăng trưởng tín dụng và GDP, cụ thể: năm 2014 tín dụng tăng 14,16%, GDP tăng 5,98%; năm 2015 tín dụng 17,29% và năm 2016 là 18,25% với tín dụng và 6,21% với GDP.
Tất nhiên, sự so sánh này không phải cứ tín dụng tăng bao nhiêu thì GDP tăng theo tương ứng. Các tổ chức tín dụng (TCTD) với vai trò cung cấp vốn cho nền kinh tế, còn hiệu quả đóng góp vào tăng trưởng GDP lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tính hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của DN, xuất nhập khẩu, đầu tư… Đặc biệt, một yếu tố chính là hiệu quả trong giải ngân và sử dụng vốn đầu tư công mà ở đây cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng đóng vai trò trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong những tháng đầu của năm 2017, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan này đã có các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng có hiệu quả, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo cung ứng khoảng 70% vốn đầu tư cho nền kinh tế.
Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh với tỷ trọng khoảng 80%, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các dự án lớn, trọng tâm trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ (chiếm khoảng 50% tổng dư nợ), trong đó tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 19%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm khoảng 22% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Đặc biệt, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, tín dụng những tháng đầu năm 2017 đã có sự tăng trưởng cao hơn so với những năm trước đây. Tính đến ngày 25/5, tăng trưởng tín dụng ở mức 6,53% - cao hơn so với cùng kỳ 2016 là 5%. Điều này đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong điều kiện giải ngân vốn đầu tư công chưa được đẩy mạnh trong những tháng đầu năm.
Xây dựng lực lượng doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả vốn vay
Trở lại vấn đề tăng trưởng kinh tế hiện nay, qua thảo luận tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV cũng như tại phiên họp Chính phủ gần đây cho thấy, nguyên nhân GDP tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng là do trước đây chúng ta đang ở trong một mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư về vốn và khai thác tự nhiên. Chúng ta đã thay đổi nhưng mô hình, trạng thái tăng trưởng chưa mang lại hiệu quả.
Đã có ý kiến cho rằng nếu chúng ta đẩy mạnh khai thác dầu cùng điều kiện giá dầu tăng thì có thể vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay. Nhưng nhiều ý kiến lại không muốn tăng trưởng bằng mọi giá, nhất là đẩy mạnh khai thác tài nguyên thiên nhiên mà phải bằng giải pháp đẩy mạnh hiệu quả từ khối DN và tăng năng suất lao động.
Một trong những giải pháp được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN là Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu (XLNX) và Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD được Chính phủ trình Quốc hội để giải quyết “cục máu đông” nợ xấu, vốn được xem là nguyên nhân làm nghẽn nền kinh tế.
Trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội, TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, bên cạnh các giải pháp về nâng hiệu quả đầu tư công thì chúng ta cũng có giải pháp rất căn cơ, giải pháp nâng cao chất lượng các TCTD và XLNX để đảm bảo có một hệ thống TCTD lành mạnh, qua đó có thể giảm được lãi suất cho vay của nền kinh tế.
Làm được như vậy sẽ giúp cho giá vốn của nền kinh tế có khả năng cạnh tranh tương đương với các nước trong khu vực và đó là sự hỗ trợ rất quan trọng, dài lâu để DN phát triển…
Chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tập trung theo dõi sát, kiểm tra chặt chẽ tình hình phân bổ, giao vốn, thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2017 và 5 năm 2016-2020. Không để tình trạng chậm giao vốn, chậm triển khai thực hiện và giải ngân hoặc vi phạm các quy định pháp luật về đầu tư công, nhất là ở các cấp cơ sở.
Bên cạnh đó cần phải kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh, phát triển DN, báo cáo Chính phủ tại phiên họp hàng tháng. Các bộ ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh.
Số lượng DN thành lập ngày càng tăng, trong 5 tháng đầu năm, con số DN thành lập mới tiếp tục lập kỷ lục, với 50.534 DN đăng ký mới nhưng là những DN quá nhỏ. Hiện chúng ta mới có nhiều DN nhưng chưa có lực lượng DN.
“Phải có một lực lượng DN, trong đó một số DN tư nhân lớn đóng vai trò đầu tàu, chủ đạo trong từng ngành, lĩnh vực liên kết với các DN khác với chất lượng được nâng lên thì sử dụng vốn tín dụng ngân hàng mới mang lại hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế” – một chuyên gia cho biết.