Những điểm mới của tín dụng đầu tư nhà nước

TS. Dương Xuân Thao

Tín dụng đầu tư của Nhà nước thường được dùng để hỗ trợ các dự án đầu tư phát triển của các thành phần kinh tế thuộc một số ngành, lĩnh vực, chương trình kinh tế lớn của Nhà nước và các vùng khó khăn cần khuyến khích đầu tư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình mới, ngày 31/3/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư nhà nước, thay thế các nghị định liên quan đến tín dụng đầu tư nhà nước trước đó. Bài viết giới thiệu một số điểm mới đáng chú ý về quy định tín dụng đầu tư nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong giai đoạn 2006-2011, tín dụng đầu tư của Nhà nước được thực hiện thông qua kênh Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tăng trưởng khá mạnh, bình quân đạt gần 17%/năm. Giai đoạn từ năm 2012 đến nay, nhằm thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vốn tín dụng đầu tư nhà nước chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng đầu tư xã hội để hỗ trợ cho kênh đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Theo Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 12/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ, với VDB, về chỉ tiêu tín dụng vốn nước ngoài (ODA cho vay lại) năm 2017 là 9.112 tỷ đồng trong khi đối với tín dụng vốn trong nước, tăng trưởng tín dụng cho vay đầu tư so với năm 2016 là 1%; dư nợ bình quân tín dụng xuất khẩu 7.000 tỷ đồng…

Chính sách tín dụng đầu tư nhà nước trong hơn 10 năm qua đã từng bước được hoàn thiện, sửa đổi để phù hợp với bối cảnh từng thời kỳ. Vốn tín dụng đầu tư nhà nước đóng vai trò quan trọng hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật và năng lực sản xuất của nền kinh tế trong thời gian qua, góp phần thu hút đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; Phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn theo mục tiêu và định hướng phát triển của Nhà nước; Tập trung vốn thực hiện chủ trương xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở, bảo vệ môi trường… góp phần nâng cao dịch vụ công và đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình mới, ngày 31/3/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư nhà nước thay thế Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, Nghị định số 54/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 và Nghị định số 133/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ bổ sung Nghị định số 75/2011/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2017, Nghị định số 32/2017/NĐ-CP có một số điểm mới đáng ý chú ý sau:

- Về đối tượng cho vay: Là các doanh nghiệp (DN), đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính và tổ chức kinh tế khác vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại VDB có dự án đầu tư thuộc Danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định này. Cụ thể, dự án được vay vốn quy định trong danh mục thuộc các lĩnh vực không phân biệt địa bàn đầu tư như: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Nông nghiệp nông thôn; Lĩnh vực công nghiệp; Các dự án đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Chính phủ... Trường hợp các dự án này đã được hưởng tín dụng ưu đãi từ các tổ chức tài chính nhà nước khác thì không được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định tại Nghị định này.

- Về điều kiện được vay: Người vay phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Có đầy đủ năng lực pháp luật và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định; Dự án đầu tư xin vay vốn được VDB thẩm định, đánh giá là dự án có hiệu quả, có khả năng trả được nợ vay; Có vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư dự án, mức cụ thể do VDB xem xét, quyết định phù hợp với khả năng tài chính của chủ đầu tư và phương án trả nợ của dự án, trừ trường hợp các dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định; Thực hiện bảo đảm tiền vay theo các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật; Khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng tại thời điểm vay. VDB xem xét cho vay, giải ngân vốn vay; Mua bảo hiểm tài sản tại một DN bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản bảo đảm tiền vay; Khách hàng thực hiện chế độ hạch toán kế toán, báo cáo tài chính và kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của pháp luật…

- Về mức vốn cho vay: Mức vốn cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước tối đa đối với mỗi dự án bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động). Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của VDB (bao gồm cả tín dụng đầu tư của Nhà nước) tính trên vốn tự có của VDB không được vượt quá 15% đối với một khách hàng, không được vượt quá 25% đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp các dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định. VDB quyết định mức vốn cho vay đối với từng dự án đầu tư trên cơ sở kết quả thẩm định dự án và đảm bảo giới hạn tín dụng theo quy định.

- Về thời hạn cho vay: Thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của khách hàng phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của dự án nhưng không quá 12 năm. Riêng các dự án đầu tư thuộc nhóm A thời hạn cho vay vốn tối đa là 15 năm. VDB quyết định thời hạn cho vay đối với từng dự án trên cơ sở kết quả thẩm định dự án và phù hợp với quy định. Riêng đối với các dự án đặc biệt cần phải cho vay vượt quá thời hạn cho vay tối đa, VDB thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Về lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước bằng mức lãi suất bình quân gia quyền của các mức lãi suất trúng thầu trái phiếu VDB được Chính phủ bảo lãnh kỳ hạn 05 năm trong thời gian 01 năm trước thời điểm công bố lãi suất theo quy định tại Nghị định này cộng (+) tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro của VDB. Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ chi phí quản lý ổn định trong thời kỳ 03 năm, đảm bảo cho VDB đủ nguồn kinh phí hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định.

Trường hợp có biến động lớn, VDB báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động phù hợp. Định kỳ vào ngày cuối cùng của quý, VDB xác định và công bố mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước. Mức lãi suất cho vay đối với mỗi dự án được áp dụng cho toàn bộ dư nợ của dự án từ thời điểm điều chỉnh. Lãi suất nợ quá hạn đối với mỗi dự án do VDB xem xét, quyết định, tối đa bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn.

- Về trả nợ vay: Khách hàng có nghĩa vụ và trách nhiệm trả nợ cho VDB đầy đủ và đúng hạn theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký. Trong thời gian ân hạn, khách hàng chưa phải trả nợ gốc nhưng phải trả lãi theo hợp đồng tín dụng đã ký. Kể từ ngày đến hạn trả nợ, khách hàng vay vốn không trả được nợ vay của kỳ hạn đó và không được VDB điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ thì số nợ gốc đến hạn nhưng chưa trả phải chịu lãi suất quá hạn theo quy định.

- Về điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và gia hạn nợ vay: VDB quyết định việc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, mức trả nợ của từng kỳ hạn trả nợ và gia hạn nợ vay trên cơ sở khả năng tài chính của ngân hàng, khả năng trả nợ của khách hàng. Tổng thời gian gia hạn nợ đối với dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước do VDB quyết định không vượt quá 1/3 thời hạn cho vay tối đa theo quy định.        

Tài liệu tham khảo:

1.  Chính phủ (2017), Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 tín dụng đầu tư nhà nước;

2.  Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 46/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2017;

3.  Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (2016), Chính sách tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trong 10 năm qua.