Vi phạm trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt bị xử phạt thế nào?
Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó nêu rõ mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Theo Khoản 5 Điều 26 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, hành vi vi phạm trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt bị xử phạt như sau:
Một là, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với các hành vi sau: Không đào tạo nghiệp vụ, trang bị bảo hộ lao động cho công nhân thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định; Không ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt.
Hai là, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với các hành vi gồm: Vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đến đúng điểm tập kết, trạm trung chuyển, địa điểm đã quy định, cơ sở xử lý chất thải theo quy định; Vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đúng tuyến đường, thời gian theo quy định của UBND cấp tỉnh; Không phối hợp với UBND cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất, tuyến đường thu gom chất thải rắn sinh hoạt; Không công bố rộng rãi thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo quy định;
Không thông báo tới cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh trên địa bàn về thời gian đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt để giám sát theo quy định; Không báo cáo cơ quan phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường về hiện trạng của bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.