Vì sao Apple giữ mãi ngôi vương?
(Tài chính) Apple leo lên đỉnh cao chỉ với mô hình kinh doanh có thể coi là lạc hậu: bán các sản phẩm mà người dùng khao khát sở hữu và thu về mức lợi nhuận thặng dư cao chót vót.
Nội dung nổi bật:
- Apple hiện là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới và cũng có lợi nhuận cao nhất.
- Apple đã thành công ở Trung Quốc - thị trường khó nhằn với các đối thủ cạnh tranh
Trước Apple, chưa có công ty nào kiếm được một lượng tiền khổng lồ trong thời gian ngắn như vậy. Ngày 27/1 vừa qua, CEO Tim Cook thông báo Apple đã kiếm được 18 tỷ USD trong quý IV/2014, vượt qua kỷ lục 15,9 tỷ USD được lập bởi ExxonMobil năm 2012.
Phần lớn trong con số 18 tỷ USD này đến từ điện thoại iPhone – sản phẩm chiếm tới 2/3 trong tổng doanh thu 74,6 tỷ USD của Apple. Đến Tim Cook cũng phải tỏ ra ngạc nhiên trước mối quan tâm đặc biệt của thị trường dành cho các sản phẩm của Apple. Ông tiết lộ trung bình mỗi giờ trong mỗi ngày của quý trước có tới 34.000 chiếc iPhone được mua.
Apple hiện là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới và cũng có lợi nhuận cao nhất. Ngạc nhiên hơn, Apple leo lên đỉnh cao chỉ với mô hình kinh doanh có thể coi là lạc hậu: bán các sản phẩm mà người dùng khao khát sở hữu và thu về mức lợi nhuận thặng dư cao chót vót (đạt 40% trong quý trước). Ngành công nghệ là nơi mà các doanh nghiệp dựa vào phần mềm để phát triển. Với mô hình kinh doanh hiện đại này, Google và Facebook không phải lo lắng về công đoạn giao hàng. Tuy nhiên họ chưa đạt được mức lợi nhuận khổng lồ như Apple. Amazon là một công ty khác giao dịch khối lượng hàng hóa rất lớn nhưng đang đối mặt với kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
Một yếu tố khác tách biệt Apple với các công ty công nghệ khác là sự thành công của hãng ở Trung Quốc. Trong khi các đối thủ cạnh tranh gặp nhiều khó khăn ở đây, Apple trở thành công ty hùng hậu nhất trên thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc tính theo số lượng bán ra. Doanh thu của Apple ở thị trường Trung Quốc đại lục (tức bao gồm cả Đài Loan và Hồng Kông) tăng trưởng tới 70%, lên hơn 16 tỷ USD.
Bất kỳ động thái nào ở thị trường Trung Quốc cũng sẽ gây tổn thương cho Apple. Phụ thuộc quá nhiều vào iPhone cũng là một rủi ro khác. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn đầu của những chiếc iPhone 6 với màn hình lớn đánh dấu việc Apple bước vào phân khúc “điện thoại lai máy tính bảng” ngày càng phổ biến hơn với người dùng. Một số người lạc quan cũng chỉ ra rằng thị phần của Apple trên thị trường điện thoại thông minh vẫn còn khá nhỏ so với hệ điều hành Android và do đó vẫn còn rất nhiều đất để tăng trưởng.
Nếu muốn giảm phụ thuộc vào iPhone, Apple sẽ cần đến những “cỗ máy in tiền” khác. Tim Cook đã tiết lộ đồng hồ thông minh sẽ lên kệ vào tháng 4 tới. Tim Bajarin, chuyên gia đến từ công ty tư vấn Creative Strategies, dự báo Apple có thể bản được 22 – 24 triệu chiếc trong 12 tháng đầu tiên sản phẩm được tung ra thị trường và đem về doanh thu hàng tỷ USD. Và, sản phẩm này còn có tỷ lệ lợi nhuận thặng dư cao hơn cả iPhone.
Apple cũng có thể kiếm nhiều tiền hơn từ mảng phần mềm và dịch vụ. Ngày 1/1 vừa qua, Applestore cung cấp các ứng dụng chạy trên hệ điều hành iOS đã có ngày bận rộn nhất từ trước đến nay. Đi kèm với sự ra đời của đồng hồ thông minh sẽ là một loạt ứng dụng. Bằng cách gắn chặt khách hàng với “hệ sinh thái” các phần mềm tiện ích (điển hình như Apple Pay), Apple có thể đảm bảo người tiêu dùng vẫn trung thành với Apple khi họ nâng cấp sản phẩm.