Cấp thiết nâng cao năng suất lao động quốc gia

Cẩm An

Năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn khá thấp. Để thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, Việt Nam cần có những giải pháp quyết liệt nâng cao năng suất quốc gia trong thời gian tới.

Năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn khá thấp.
Năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn khá thấp.

Phát triển phong trào cải thiện năng suất phù hợp bối cảnh mới

Năng suất lao động (NSLĐ) quốc gia là thước đo hoạt động kinh tế của một quốc gia, tính toán so sánh lượng giá trị gia tăng được tạo ra tính trên một đầu vào lao động. Theo nghĩa đó, NSLĐ được tính bằng GDP chia cho số lao động có việc làm trong năm.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), NSLĐ của Việt Nam năm 2022 tính bằng USD 2017 là 2.400 USD, chỉ bằng 11,4% so với Singapore; 35,4% so với Malaysia; 79% so với Indonesia…

NSLĐ của Việt Nam khá thấp. NSLĐ của người lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ bằng khoảng 30% NSLĐ của người lao động trong các doanh nghiệp Singapore.

Nhiều chuyên gia năng suất, chất lượng cho rằng, để thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, Việt Nam cần có những giải pháp quyết liệt nâng cao năng suất quốc gia.

Điển hình như phát triển phong trào cải thiện năng suất quốc gia phù hợp với bối cảnh mới.

Việt Nam cần phát triển phong trào cải thiện năng suất quốc gia mạnh mẽ hơn và tái cấu trúc lại nội dung của các chương trình năng suất phù hợp với các giai đoạn phát triển: “Nhận thức về năng suất - Hỗ trợ cải tiến năng suất - Tự nhận thức - Tự đầu tư cải tiến năng suất”.

Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng xây dựng các chương trình hỗ trợ nâng cao năng suất đúng trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải và tập trung kinh phí để có được kết quả đột phá.

Cần chú trọng sự liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương và các thành phần kinh tế để xây dựng nhiều chương trình nâng cao năng suất xuyên suốt, đồng bộ.

Trong đó, các bộ, ngành, địa phương cần thành lập một đầu mối chính thức để xây dựng, triển khai, báo cáo, đánh giá các kết quả năng suất, từ đó lập kế hoạch thực hiện các nội dung nâng cao năng suất trúng đích và hiệu quả.

Ngoài ra, cần cân bằng giữa cách tiếp cận quy mô quốc gia và cách tiếp cận quy mô ngành sao cho phù hợp. Cách tiếp cận quy mô quốc gia cho phép phạm vi tiếp cận rộng rãi và có tính đồng nhất song có thể hỗ trợ cả những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả.

Trong khi đó, cách tiếp cận theo quy mô ngành cho phép các chính sách và chương trình được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của từng khu vực, phù hợp trong điều kiện nguồn lực hạn chế.

Tuy nhiên, cách tiếp cận theo ngành có thể dẫn đến bỏ qua một số hoạt động căn bản có tính hệ thống và kết nối liên ngành.

Tạo nguồn lực thúc đẩy năng suất ở các ngành, lĩnh vực

Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao NSLĐ quốc gia là tạo điều kiện về nguồn lực và chính sách thúc đẩy năng suất ở các ngành, lĩnh vực
Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao NSLĐ quốc gia là tạo điều kiện về nguồn lực và chính sách thúc đẩy năng suất ở các ngành, lĩnh vực

Giải pháp quan trọng khác để nâng cao NSLĐ quốc gia là tạo điều kiện về nguồn lực và chính sách thúc đẩy năng suất ở các ngành, lĩnh vực.

So với các nước phát triển, tỷ trọng vốn đầu tư cho nghiên cứu phát triển, công nghệ thông tin, công nghệ cao của Việt Nam tương đối thấp. Điều này dẫn đến khoảng cách lớn khi so sánh với các nước phát triển.

Vì vậy, cần xem xét, điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư, tăng tỷ trọng đầu tư nghiên cứu phát triển, công nghệ thông tin và công nghệ cao, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Cần tập trung mời gọi và xúc tiến nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh; ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng trí thức cao, có lợi thế cạnh tranh, thân thiện với môi trường và  sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên…

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển bền vững các khu công nghệ cao. Tiếp tục tạo ra một sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân trong nước bằng cách loại bỏ các trở ngại (tín dụng, đất đai, giảm thuế/miễn thuế) để khu vực này cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đánh giá hiệu quả chính sách định kỳ, tháo gỡ những điểm nghẽn tăng trưởng năng suất và các hạn chế trong thực thi các chính sách khoa học và công nghệ, thúc đẩy năng suất nhằm điều chỉnh phù hợp với bối cảnh mới.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực thực thi của các chương trình hỗ trợ nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo. Các cơ quan chức năng cần kiện toàn các tổ chức tư vấn về năng suất, lựa chọn và tăng cường đầu tư năng lực của các tổ chức tư vấn đạt yêu cầu tiêu chuẩn.

Tăng cường hợp tác quốc tế để đào tạo, cung cấp, phát triển và khuyến khích các chuyên gia năng suất có năng lực, kiến thức sâu rộng học hỏi, cập nhật nhằm phát triển các giải pháp cải tiến năng suất để xây dựng các thể chế hiệu quả và phát triển nguồn nhân lực trong nước.

Tăng cường thông tin, thống kê về năng suất, đánh giá, xếp hạng năng suất nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Cung cấp nguồn lực tài chính cần thiết và phù hợp cho các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ, khắc phục những hạn chế về cơ chế tài chính, thủ tục hành chính để tạo thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia...