Vì sao đồng euro mất giá?
(Tài chính) Trong những tuần gần đây, đồng euro đã liên tục mất giá so với đồng dollar Mỹ và một số đồng tiền chủ chốt khác. Theo giới phân tích, sự phục hồi không chắc chắn của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), những đồn đoán về khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ tung ra gói nới lỏng định lượng và khả năng Hy Lạp rời bỏ liên minh tiền tệ này là những nguyên nhân chính khiến đồng euro liên tục mất giá...
Sức ép gia tăng
Đồng euro đã bắt đầu mất giá so với USD kể từ giữa năm ngoái do sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, đà giảm giá của euro đã gia tăng một cách bất thường trong những ngày đầu năm 2015. Trong phiên giao dịch ngày 7.1 tại Tokyo, có thời điểm 1 euro chỉ đổi được 1,1802 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 1.2006. Mặc dù tỷ giá giữa hai đồng tiền đã hồi phục lên mức 1,1825 USD/euro vào ngày 8.1 nhưng con số này vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức 1,3925 USD/euro hồi tháng 5.2014 và 1,5796 USD/euro vào giữa năm 2007.
Không chỉ mất giá so với USD, đồng tiền chung châu Âu cũng giảm giá mạnh so với đồng yen của Nhật. Trong phiên giao dịch ngày 8.1, tỷ giá giữa euro và yen đã giảm chỉ còn 141,51 yen/euro.
Kể từ quý II.2014, có nhiều dấu hiệu cho thấy đà phục hồi kinh tế của Eurozone đang hết sức bấp bênh và có nguy cơ rơi vào tình trạng suy thoái. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong quý I.2014, Eurozone chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 0,3%. Con số này đã giảm còn 0,1% trong quý II, chủ yếu do sự sa sút đầy bất ngờ của hai đầu tàu kinh tế Đức và Pháp (đều tăng trưởng âm 0,1%) và tình trạng suy thoái kinh tế vẫn tiếp diễn ở Italy.
Trong bối cảnh đó, vào đầu tháng 6.2014, trong một bước đi chưa từng có tiền lệ, ECB đã tung ra hàng loạt các biện pháp, trong đó có việc hạ lãi suất tái chiết khấu từ mức 0% xuống âm 0,1%, giảm lãi suất chủ chốt xuống mức thấp kỷ lục từ 0,25% xuống còn 0,15% và thực hiện kế hoạch mua trái phiếu tương tự như chương trình nới lỏng định lượng mà FED thực hiện nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ngăn chặn tình trạng giảm phát. Nhờ vậy, trong quý III.2014, tỷ lệ tăng trưởng của khối đã tăng trở lại lên 0,2% nhưng tốc độ tăng trưởng đó vẫn không cao như nhiều người kỳ vọng.
Cùng với sự phục hồi bấp bênh, Eurozone đang đối mặt với nguy cơ giảm phát khi tỷ lệ lạm phát đang trượt dần về mức 0%. Trong tháng 11.2014, lạm phát tại khu vực này chỉ tăng 0,3%, mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Một nguyên nhân quan trọng khác khiến euro mất giá mạnh trong những ngày gần đây là do các nhà đầu tư lo ngại về khả năng Hy Lạp có thể ra khỏi Eurozone và tác động tới sự ổn định của khối. Nếu đảng đối lập Syriza, vốn phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của Chính phủ đương nhiệm, giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 25.1 ở Hy Lạp, điều đó sẽ đe dọa các cuộc cải cách kinh tế mà nước này đang thực hiện để đổi lấy các gói cứu trợ quốc tế. Tạp chí Der Spiegel của Đức dẫn các nguồn tin Chính phủ nước này cho rằng việc Hy Lạp rút khỏi Eurozone là điều hầu như không thể tránh khỏi nếu Syriza giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.
Euro sẽ tiếp tục suy yếu?
Các số liệu thống kê mới nhất mà Eurostat công bố hôm 7.1.2015 cho thấy trong tháng 12.2014, tỷ lệ lạm phát ở Eurozone là âm 0,2%. Đây lần đầu tiên tỷ lệ lạm phát ở khu vực này rơi vào ngưỡng âm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Tỷ lệ lạm phát âm 0,2% là mức giảm rất mạnh nếu so sánh với con số 0,3% trong tháng 11.2014.
Sự sụt giảm mạnh này chủ yếu là do giá cả trong Eurozone giảm dưới tác động của việc giá dầu toàn cầu lao dốc. Giá năng lượng ở Eurozone đã giảm mạnh tới 6,3% trong tháng 12.2014 so với mức giảm 2,6% của tháng trước đó. Xu hướng giá giảm đã kéo theo tâm lý trì hoãn chi tiêu, chờ đợi giá cả sẽ xuống mức có lợi hơn nữa. Điều đó khiến người ta lo ngại Eurozone có thể rơi vào vòng xoáy thiểu phát và đối mặt với một thập kỷ mất mát như Nhật Bản đã từng trải qua.
Vì vậy, giới phân tích dự báo ECB có thể sẽ hành động quyết liệt hơn. Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Handelsblatt (Đức) gần đây, Chủ tịch ECB Mario Draghi nhấn mạnh, giảm phát là một mối đe dọa đối với Eurozone và ECB cần có sự chuẩn bị để đối phó. Theo ông Draghi, ECB đang chuẩn bị về mặt kỹ thuật để từ đầu năm 2015 thay đổi quy mô, nhịp độ và tính chất của các phương tiện thanh toán nếu thấy cần thiết phải hành động chống lại tình trạng lạm phát quá thấp kéo dài.
Phát biểu trên của ông Draghi cho thấy, người đứng đầu ECB đã sẵn sàng hành động và những lời đồn đoán về việc ECB tung ra gói nới lỏng định lượng mới là có cơ sở. Chiến lược gia về tiền tệ Sean Callow tại Westpac Banking Corp ở Sydney nhận định, Chủ tịch Draghi đang ngày càng tỏ ra phớt lờ chính sách thắt lưng, buộc bụng mà Đức cổ súy và đang nghiêng về việc tung ra một chương trình mua trái phiếu mới, hay còn gọi là Chương trình nới lỏng định lượng, tại cuộc họp thường kỳ vào ngày 22.1 tới.
Điều quan trọng là có vẻ như ông Draghi đã được Berlin bật đèn xanh cho biện pháp nới lỏng tiền tệ. Sau hơn một tháng đắn đo, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã công khai ủng hộ chính sách của ông Draghi. Quyết định của Đức là yếu tố quyết định trấn an thị trường rằng ông Draghi đã có sự ủng hộ chính trị cần thiết để biến cam kết thành hành động và phát huy tác dụng.
Nếu mua lại trái phiếu chính phủ các nước châu Âu, chắc chắn ECB sẽ phải in thêm tiền, qua đó sẽ giúp nâng tỷ lệ lạm phát của khối lên mức mục tiêu là dưới 2%. Tuy nhiên, động thái đó có thể khiến đồng euro tiếp tục suy yếu.
Mặt khác, tại thời điểm hiện nay, EU đang cố gắng níu kéo xứ sở của những vị thần ở lại với Eurozone. Phát biểu tại Brussels (Bỉ) hôm 15.12.2014, nữ phát ngôn viên của EU cho biết, phương án duy nhất mà Ủy ban châu Âu đang theo đuổi là giúp Hy Lạp tiếp tục trụ vững trong liên minh tiền tệ này. Trong nỗ lực hỗ trợ Hy Lạp, ngày 8.12, các bộ trưởng tài chính Eurozone đã chấp thuận đề nghị kéo dài hai tháng gói cứu trợ dành cho Hy Lạp của Athens. Tuy nhiên, việc Hy Lạp có ở lại với Eurozone hay không vẫn còn là câu hỏi mở. Nếu Hy Lạp rời Eurozone, đó chắc chắn sẽ là thảm họa đối với đồng euro.
Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia dự báo rằng đồng euro có thể tiếp tục trượt dốc, từ mức hơn 1,18 USD/euro hiện tại xuống ngang giá với đồng bạc xanh vào cuối năm 2015.