Vì sao dòng tiền trụ lại thị trường?

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Dòng tiền đầu cơ vẫn hiện hữu trong thị trường, đồng thời là yếu tố giữ nhịp trước động thái bán ròng mạnh của NĐT ngoại.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhập khẩu tăng mạnh là do nhập khẩu máy móc - thiết bị phục vụ sản xuất. Đáng chú ý, nhập khẩu thép tăng hai lần, chủ yếu là để hoàn tất các dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng. Như vậy, nhập khẩu là để phục vụ sản xuất công nghiệp và xây dựng, được phản ánh qua việc chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2014 đạt mức cao nhất trong 3 năm qua.

3 phiên đầu tuần này, các chỉ số giá gần như đi ngang. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn luôn được giữ ở mức khá với giao dịch bình quân mỗi phiên trên cả 2 sàn đạt hơn 3.632 tỷ đồng. Không khí giao dịch nhìn chung khá sôi động với sự luân chuyển rõ rệt của dòng tiền giữa những nhóm cổ phiếu lớn, vừa và nhỏ. Diễn biến này được xem là một điểm nhấn tích cực cho thấy dòng tiền đầu cơ vẫn hiện hữu trong thị trường, đồng thời là yếu tố giữ nhịp trước động thái bán ròng mạnh của nhà đầu tư (NĐT) ngoại.

Nguyên nhân của diễn biến tích cực trên có lẽ xuất phát từ những thông tin tốt lành, khiến giới đầu tư kỳ vọng về một chiều hướng tích cực dần lên của kinh tế vĩ mô từ nay đến cuối năm. Cụ thể, đó là thông tin giá xăng giảm mạnh chiều ngày 18/8 và là đợt giảm thứ ba của nhiên liệu này trong vòng 20 ngày qua. Với tổng mức giảm 5,6%, giá xăng A92 đã trở lại tương đương hồi đầu năm.

Doanh nghiệp đón tin giảm giá xăng với cảm nhận tích cực, bởi lâu nay họ luôn phải đối mặt với vấn đề chi phí vận chuyển cao, một phần do giá xăng tăng và do việc áp dụng nghiêm ngặt quy định về kiểm tra trọng tải xe. Thông tin giá xăng giảm cũng góp phần thúc đẩy sản xuất, nhất là khi mùa cao điểm tiêu thụ đang đến gần.

Đợt giảm giá xăng lần này cũng được giới chuyên gia nhận định sẽ giúp lạm phát tháng 9 giảm, tức trở thành yếu tố “đối trọng” với ảnh hưởng tăng giá mùa vụ từ kỳ nghỉ lễ 2/9 sắp tới, cũng như việc tăng học phí vào đầu học kỳ mới.

Lạm phát tháng 9/2014 vì thế được dự báo sẽ vẫn duy trì ở mức thấp, khiến lạm phát cả năm có thể nằm trong khoảng 5,5-6%, trong bối cảnh sản xuất công nghiệp tăng tốt và nhu cầu thị trường tăng trưởng ổn định.

Một yếu tố hỗ trợ khác là thông tin thặng dư cán cân thương mại quốc tế 7 tháng đầu năm được Tổng cục Hải quan điều chỉnh tăng thêm 0,3 tỷ USD so với dự tính trước đó, lên 1,6 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu được xác định đạt khoảng 84 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu 82,4 tỷ USD, tăng 11,6%. Các mặt hàng xuất khẩu chính vẫn là điện thoại và linh kiện (chiếm 16% tổng giá trị xuất khẩu), dệt may (14%)... Còn phía nhập khẩu, tăng mạnh là nhóm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp (23%)...

Tăng trưởng xuất khẩu cho thấy nhu cầu tại các thị trường nước ngoài tiếp tục ổn định. Trong khi đó, nhập khẩu tăng mạnh là do nhập khẩu máy móc - thiết bị phục vụ sản xuất. Đáng chú ý, nhập khẩu thép tăng hai lần, chủ yếu là để hoàn tất các dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng. Như vậy, nhập khẩu là để phục vụ sản xuất công nghiệp và xây dựng, được phản ánh qua việc chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2014 đạt mức cao nhất trong 3 năm qua.

Thêm vào đó, thông tin từ hệ thống ngân hàng cho hay, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND cũng đã giảm 0,5-1,5%/năm so với cuối năm 2013 và lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng giảm 1%/năm. Tỷ trọng dư nợ có lãi suất trên 13% cũng giảm dần qua các tháng.

Còn về bất động sản (BĐS), theo Công ty tư vấn BĐS Savills, số lượng căn hộ bán được tại TP. Hồ Chí Minh trong quý II/2014 đạt 2.500 căn, tăng lần lượt 60% và 115% so với quý I/2014 và quý II/2013. Tại Hà Nội, số lượng căn hộ bán được là 1.900 căn, tăng 54% so với quý I/2014.

Nguồn cung căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh cũng đạt tỷ lệ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011, tăng thêm 3.820 căn, tức tăng 37% so với quý I/2014. Bên cạnh đó, việc lãi suất vay thế chấp giảm (chủ yếu nhờ gói hỗ trợ bất động sản 30.000 tỷ đồng), các điều khoản thanh toán linh hoạt, cam kết thực hiện tiến độ xây dựng, các sản phẩm phù hợp với khách hàng… cũng góp phần giúp thị trường BĐS có diễn biến tích cực.

Theo sau mức tăng của cung-cầu, giá chào bán căn hộ cũng tỏ ra ổn định và thậm chí tăng nhẹ trong vòng vài quý qua. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường đã thoát đáy và bắt đầu ấm lên, khi ngày càng có nhiều người quay trở lại với BĐS.

Về diễn biến bán ròng của NĐT ngoại, được khởi đầu từ những phiên cuối tháng 7, hoạt động này bỗng trở nên dồn dập trong vòng hai tuần trở lại đây mà cụ thể là 12 phiên bán ròng liên tục trên HSX kể từ ngày 5/8, với tổng giá trị bán ròng 1.443,6 tỷ đồng.

Có khá nhiều lý do cho thấy việc bán ròng của khối này chỉ đơn thuần là động thái chốt lời khi giá nhiều cổ phiếu lớn tăng mạnh; hoặc hành động bán cổ phiếu mua được lúc giá thấp (từ nửa đầu tháng 5 do sự kiện Biển Đông); nhiều quỹ tham gia thị trường từ trước năm 2011 đã có mức lãi rất lớn từ nhiều cổ phiếu với mặt bằng giá hiện tại; chốt lãi ngắn hạn khi danh mục đạt mục tiêu giá và sự phản ứng tức thời trước thông tin bất lợi trên thế giới...

Tuy nhiên, đáng chú ý là diễn biến bán ròng nói trên không kéo theo bất ổn tâm lý của NĐT nội và dòng tiền vẫn hiện hữu ở thị trường.