Vì sao ECB “bắt mạch” ngân hàng?
(Tài chính) Từ tháng 11/2013 đến 10/2014, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tổ chức “khám bệnh” tổng thể cho 128 ngân hàng lớn nhất Khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone), nhằm rà soát bảng quyết toán các khoản nợ xấu, thiếu hụt vốn… cũng như sát hạch khả năng chống đỡ của các ngân hàng này với các cú sốc tài chính.
Chắc hẳn không ai có thể quên được sự kiện ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) phá sản 5 năm về trước với “núi nợ” hơn 600 tỷ USD. Bài học từ “anh em nhà Leman Brothers” vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay trong bối cảnh kinh tế - tài chính toàn cầu le lói “điểm sáng”. Phải chăng, đây là lý do để ECB tiến hành cuộc “kiểm tra căng thẳng” nhằm vào 128 ngân hàng lớn nhất của 18 nước thuộc Eurozone.
Ông Mario Draghi - Chủ tịch ECB cho biết, cuộc sát hạch này sẽ trả lời chính xác cho câu hỏi, liệu trong 128 ngân hàng thì có bao nhiêu ngân hàng “khỏe mạnh” và có bao nhiêu ngân hàng “yếu kém”. “Chiến dịch” rà soát các ngân hàng lần này sẽ áp dụng theo các chuẩn mực sát hạch trước đây của Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA). Cụ thể, ECB sẽ sử dụng định nghĩa của EBA về các khoản nợ xấu (những khoản nợ quá hạn trên 90 ngày). Bên cạnh đó, ECB cũng yêu cầu các ngân hàng trích lập 8% số vốn nhằm đề phòng các cú sốc tài chính.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính, trong tháng 11/2013, các ngân hàng ở Tây Ban Nha, Italia và Bồ Đào Nha có thể thiệt hại lên tới 250 tỷ Euro đối với các khoản vay thương mại trên 2 năm.
Hơn nữa, mục tiêu mà ECB hướng tới là gia tăng tính minh bạch và củng cố lòng tin của các cổ đông, cũng như độ tin cậy của các tài sản trong bảng quyết toán của ngân hàng. Đánh giá về cuộc sát hạch này, báo The Gleaner cho rằng, đây là việc làm cần thiết trước khi ECB trở thành cơ quan giám sát hệ thống ngân hàng của Liên minh châu Âu vào năm 2014.
Theo hãng tin CNN, danh sách các ngân hàng đầu tiên sẽ được ECB “kiểm tra căng thẳng” bao gồm: Đức (24 ngân hàng), Tây Ban Nha (16), Italia (15), Pháp (13), Hà Lan (7), Hi Lạp (4), Cộng hòa Síp (4) và Bồ Đào Nha (4). Dự kiến, kết quả của đợt “khám bệnh” tổng thể này sẽ được công bố vào năm 2014.
...Nhưng không “chữa bệnh”
Đại diện ngân hàng ECB, ông Ignazia Angeloni cho biết, dù kết quả của cuộc sát hạch lần này có thế nào đi chăng nữa, thì việc tìm ra “lỗ hổng” của hệ thống ngân hàng châu Âu để sửa sai là điều cần thiết. Trong khi đó, giới quan sát cho rằng, công việc của ECB có thể đối mặt với nhiều khó khăn và phức tạp. Bởi vì, thực tế hiện nay ở châu Âu chưa có một cơ quan độc lập phụ trách việc xử lý và tái cấu trúc những ngân hàng yếu kém.
Báo Independent (Anh) cho hay, ECB sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả đánh giá tài chính của các ngân hàng, nhưng tổ chức này không có nhiệm vụ xử lý các “vấn đề” được phát hiện.
Một trong những vấn đề đáng lo ngại ở Eurozone hiện nay là cổ phiếu ngân hàng đang giảm sút nhanh chóng. Điều này có thể dẫn tới những khoản thiệt hại khổng lồ đối với các nhà đầu tư cá nhân. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính, trong tháng 11/2013, các ngân hàng ở Tây Ban Nha, Italia và Bồ Đào Nha có thể thiệt hại lên tới 250 tỷ Euro đối với các khoản vay thương mại trên 2 năm.
“Những “lỗ hổng” tài chính tại các ngân hàng yếu kém ở Eurozone sẽ khó có thể bù đắp được nếu giới chức trách cầm quyền tại các nước này không huy động đủ số vốn từ các ngành tư nhân”, hãng tin CNN nhận định.
Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 11 - 2013