Vì sao hàng “Made in China” đang mắc kẹt?
Chi phí vận chuyển hàng hóa bằng container nơ tại Trung Quốc đã tăng gấp 5 lần từ khoảng 3.000USD lên 15.000USD cho mỗi container hàng hóa, hoạt động vận tải vì vậy vô cùng khó khăn.
Các công ty Trung Quốc muốn bán hàng ra toàn cầu hiện đang đương đầu với nhiều vấn đề.
Việc có khả năng tiếp cận với sản xuất chi phí thấp tại nội địa đã giúp các doanh nghiệp Trung Quốc có lợi thế ở nước ngoài. Tuy nhiên giờ đây mọi chuyện lại thành bất lợi khi mà đại dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại đang ảnh hưởng xấu đến các kênh cung ứng.
Theo chia sẻ của phó chủ tịch và quản lý khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại công ty sản xuất thiết bị gia dụng Trung Quốc Hisense, ông Fang Xueyu, nhiều loại hàng hóa không thể được vận chuyển ra ngoài.
Chi phí vận chuyển hàng hóa bằng container tại Trung Quốc đã tăng gấp 5 lần từ khoảng 3.000USD lên 15.000USD cho mỗi container hàng hóa, cùng lúc đó, sẽ cần phải mất hơn một tuần để đến được châu Âu.
Trong năm nay, ngành vận tải hàng hóa thế giới đã đương đầu với quá nhiều vấn đề, từ các đợt bùng dịch Covid-19 tại khu vực cảng xuất khẩu lớn ở Quảng Châu – Trung Quốc cho đến vụ mắc kẹt tại kênh đào Suez.
“Những vấn đề gì bạn gặp phải ở châu Âu, bạn cũng sẽ phải đương đầu với nó trên khắp thế giới. Tôi sẽ không gọi đó là sự hỗn loạn nhưng quá thực quá nhiều yếu tố gây gián đoạn trong hệ thống vận tải hàng hóa toàn cầu”, phó giám đốc điều hành hoạt động ở nước ngoài tại công ty xe ô tô điện Trung Quốc Aiway, ông Alexander Klose.
Ông nói với CNBC: “Chúng tôi phải thay đổi các lịch chuyển hàng đã đặt trước đó, bởi không có tàu, không có container”.
Công ty Aiway sản xuất ô tô tại Trung Quốc và bán sang châu Âu. Ông Klose cho biết những yếu tố gián đoạn sẽ khiến cho hoạt động vận chuyển hàng chậm từ 2 đến 3 tháng, xe ô tô sản xuất ra phải chờ nhiều tháng tại cảng mà không được vận chuyển đi.
Theo các số liệu thống kê mới nhất, nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc hiện vẫn cao, tính theo cả số liệu từ phía doanh nghiệp và số liệu của cơ quan thống kê chính thức. Nửa đầu năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc sang Liên minh châu Âu (EU) tăng 35,9% so với cùng kỳ 233 tỷ USD, cùng lúc đó, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ tăng trưởng đến 42,6% lên 252,86 tỷ USD.
Trong số khoảng 3.400 công ty Trung Quốc có hoạt động quốc tế trong năm ngoái, chỉ khoảng chưa đến 200 công ty kiếm được hơn 1 tỷ USD từ doanh số bán hàng hóa ở nước ngoài, theo chuyên gia tại công ty tư vấn quản lý Bain, ông James Root.
Những thách thức trong ngành vận tải cũng đồng nghĩa doanh nghiệp Trung Quốc sẽ cần phải địa phương hóa hơn nữa tại các thị trường quốc tế.
Các công ty thương mại điện tử đã không ngừng mua hoặc thuê kho bãi gần doanh nghiệp của khách hàng ở châu Âu để người mua hàng có thể đặt hàng trước những sản phẩm cần thiết. Một khi người tiêu dùng đặt hàng, sản phẩm sẽ chỉ cần đi quãng đường ngắn để đến với khách hàng mục tiêu chứ không phải đi xa đến cả châu lục.