Vì sao hàng Thái “đánh bật” hàng Việt trên kệ siêu thị?
Cùng một mặt hàng là máy giặt hay tủ lạnh, nhưng người mua nhanh chóng chọn hàng nhập từ Thái thay vì sản phẩm sản xuất trong nước.
Làm sao để giảm nhập siêu từ Thái Lan và tăng lượng xuất khẩu sang thị trường này một lần nữa lại là câu hỏi được bàn thảo tại cuộc họp do Bộ Công Thương tổ chức ngày 15/9.
Ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, lâu nay hoạt động xúc tiến thương mại tại Thái Lan rất hạn chế, chủ yếu là một số hoạt động đơn lẻ khiến người Thái chưa biết nhiều tới hàng Việt.
Ngược lại, tâm lý sính ngoại của người Việt cả về giá cả, mẫu mã, chất lượng... khiến kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tăng mạnh hơn chục năm qua.
"Cùng một mặt hàng là máy giặt hay tủ lạnh, nhưng cứ thử khảo sát tại các trung tâm điện máy sẽ thấy, người mua chọn hàng nhập từ Thái, thay vì sản phẩm sản xuất trong nước", ông Sơn lấy ví dụ.
Cũng chính tâm lý này là một phần nguyên nhân lý giải con số nhập siêu từ Thái Lan luôn đi lên theo chiều thẳng đứng, kể từ thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN.
Báo cáo của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, mức nhập siêu từ Thái Lan tăng từ 339 triệu USD năm 1995 lên 3,62 tỷ USD năm 2008; 5,78 tỷ USD năm 2009 và 12,54 tỷ USD năm 2016.
8 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi khoảng 6,57 tỷ USD để nhập rau quả, ôtô nguyên chiếc, hàng điện gia dụng, máy móc phụ tùng... từ thị trường này, trong khi xuất khẩu chỉ đạt 3,07 tỷ USD. Nhập siêu từ thị trường Thái đã tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 3,5 tỷ USD.
Cục trưởng Xuất nhập khẩu - Phan Văn Chinh nhìn nhận, tổng thể thị trường Thái Lan - Việt Nam có cơ cấu mặt hàng giống nhau, song cùng một mặt hàng nhưng giá hàng Việt bao giờ cũng thấp hơn hàng Thái. "Năng lực cạnh tranh của chúng ta còn yếu và nguyên nhân sâu xa là công nghiệp của chúng ta phát triển chậm hơn", ông Chinh đánh giá.
Bổ sung thêm, bà Lê Hoàng Oanh - Vụ trưởng Thị trường châu Á, châu Phi cho rằng, nguyên nhân dẫn đến nhập siêu hiện Việt Nam đang thực hiện lộ trình giảm thuế theo cam kết trong ATIGA, do vậy nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan đã được hưởng thuế suất thuế ưu đãi theo lộ trình cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với các mặt hàng của Thái Lan là đầu vào của sản xuất tại Việt Nam.
"Các hoạt động mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam cũng dẫn tới việc tăng nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam", bà Oanh nêu và đề xuất cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý nhập khẩu theo quy định để đảm bảo chất lượng của các sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường.
Ở góc nhìn khác, ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Kế hoạch lại cho rằng, việc nhập siêu trong quá trình hội nhập là vấn đề bình thường, do đó cần nhìn nhận tỷ lệ nhập siêu hàng Thái của Việt Nam tăng "một cách khách quan, toàn diện hơn".
"Cơ cấu hàng Thái Lan và Việt Nam khá tương đồng, ngoài vấn đề xử lý hàng rào kỹ thuật thì phải xuất phát từ chính năng lực sản xuất trong nước, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp" ông Hưng đề xuất.
Đồng tình quan điểm, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh lưu ý, giải quyết chuyện nhập siêu với bất kỳ thị trường nào, trong đó có Thái Lan phải tuân theo nguyên tắc thị trường.
Do đó, không phải là giảm ngay nhập siêu mà quan trọng là vấn đề hiệu quả trong hoạt động thương mại, hơn nữa cũng có thể chấp nhận nhập siêu ở mặt hàng này nhưng xuất siêu ở mặt hàng khác, đây là quy luật của thị trường
"Vấn đề chính không chỉ là ý chí của các cơ quan quản lý, mà cần theo nguyên tắc thị trường, không cực đoan dùng rào cản thương mại. Việt Nam chỉ có thể bền vững nếu khẳng định được năng lực cạnh tranh của mình", ông nói.
Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá lại thể chế pháp lý, quản lý Nhà nước về thị trường, tìm ra những bất cập tồn tại trong giai đoạn hiện nay trong cán cân thương mại với người Thái.