Sửa đổi, bổ sung Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp:

Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

PV.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, những nội dung sửa đổi, bổ sung tại Luật thuế TNDN đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi hiện nay thực sự rất cần thiết, nhằm thúc đẩy DNNVV phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với DNNVV. Đó là ý kiến đánh giá của ThS. Nguyễn Văn Phong, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính về Dự án sửa đổi, bổ sung các Luật thuế đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi.

Phóng viên: Bộ Tài chính đề xuất nhiều nội dung sửa đổi quan trọng tại Luật Thuế TNDN, theo ông, những nội dung sửa đổi cụ thể nào sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh đối với DNNVV?

Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa - Ảnh 1
ThS. Nguyễn Văn Phong, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính.

ThS. Nguyễn Văn Phong, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính: Dự thảo Luật sửa 5 Luật Thuế hiện đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi đã thể hiện nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng về thuế TNDN nhằm mục tiêu hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DNNVV ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh; Đồng bộ với quy định của pháp luật liên quan, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hiện nay, DNNVV chiếm tỷ lệ 97%-98% trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của nền kinh tế. Do đó, việc thúc đẩy DNNVV phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh là rất cần thiết.

Dự thảo Luật sửa đổi đưa ra phương án miễn, giảm thuế TNDN: Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới ba tỷ đồng áp dụng thuế suất 15%. Doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người; đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ ba tỷ đồng đến năm mươi tỷ đồng áp dụng thuế suất 17%. Ưu đãi thuế đối với lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực khoa học và công nghệ, các dự án đầu tư tại khu kinh tế,… Việc miễn, giảm thuế TNDN tác động tích cực đến các DNNVV cũng như là tác động tích cực đến toàn bộ nền kinh tế.

Theo đánh giá của ông, những nội dung sửa đổi tại Luật Thuế TNDN có tác động như thế nào đối với sự phát triển của DNNVV hiện nay?

Theo tôi, những nội dung sửa đổi tại Luật Thuế TNDN có tác động trên nhiều phương diện đối với DNNVV, cụ thể là:

Một là, tăng sức cạnh tranh, tăng tích lũy. Thuế TNDN được miễn, giảm, các doanh nghiệp có lợi nhuận nhiều hơn, tăng động lực sản xuất kinh doanh và tăng sức tranh cho doanh nghiệp. Phần thuế được miễn, giảm doanh nghiệp sẽ mở rộng đầu tư vào nền kinh tế và gia tăng tích lũy để trở thành các doanh nghiệp lớn.

Hai là, tăng tính tuân thủ trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Chi phí về thuế giảm, lợi nhuận tăng như vậy thay vì bỏ ra chi phí để trốn thuế hoặc khó khăn phải nợ thuế thì doanh nghiệp sẽ nghiêm túc chấp hành việc kê khai, nộp thuế. Từ đó, tỷ lệ doanh nghiệp trốn thuế, nợ đọng thuế sẽ giảm, thuận lợi cho công tác quản lý thu thuế và tăng thu cho ngân sách.

Ba là, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Thủ tục kê khai thuế ngày càng đơn giản, nhanh chóng, cộng với mức thuế TNDN được miễn, giảm sẽ khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên doanh nghiệp. Khi hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp thì việc kê khai, nộp thuế thuận lợi, dễ dàng, hiệu quả hơn.

Bốn là, chính sách thuế TNDN ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực khoa học và công nghệ, điều này làm gia tăng năng suất cho nền kinh tế. Từ đó thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu.

Năm là, thuế suất giảm phù hợp với thông lệ quốc tế. Các nước OECD giảm mức thuế suất thuế TNDN trung bình từ 32% năm 2000 xuống 26% năm 2008 và 25% năm 2015. Từ năm 2013 đến nay, Anh đã 04 lần giảm thuế suất thuế TNDN phổ thông, từ 24% xuống 19% và dự kiến từ 1/4/2020 giảm xuống 17%. Tại khu vực châu Á, Nhật Bản giảm mức thuế suất từ 25,5% xuống 23,9% từ 01/4/2015. Bangladesh giảm thuế suất từ 27,5% xuống 25% từ 01/7/2015. Ma-lay-xi-a giảm thuế suất từ 25% xuống 24% từ năm 2016. Trung Quốc áp dụng mức thuế suất phổ thông là 25%, doanh nghiệp nhỏ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi là 10%-20%. Thái Lan, mức thuế suất phổ thông là 20% nhưng các DNNVV được áp dụng thuế suất ưu đãi ở mức thấp hơn. In-đô-nê-xi-a, thuế suất phổ thông là 25%, DNNVV cũng được ưu đãi thuế suất ở mức thấp hơn. Thuế suất thuế TNDN của Việt Nam giảm là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế giúp các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra mức thuế suất thấp giúp ngăn ngừa hiện tượng chuyển giá.