Vì sao nhà đầu tư thiếu mặn mà với dự án PPP?
Sau gần 3 năm triển khai Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), đến nay, ngoại trừ Bộ Giao thông Vận tải, một số lĩnh vực có nhu cầu đầu tư PPP như điện lực, xử lý chất thải vẫn chưa có văn bản hướng dẫn ở cấp thông tư, dù Thủ tướng đã có Chỉ thị số 30/CT-TTg đốc thúc từ tháng 11/2021 với hạn chót thực hiện là quý II/2022.
Vướng mắc lớn nhất là chậm ban hành văn bản hướng dẫn
Chánh Văn phòng PPP, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Linh Giang cho biết, sau gần 3 năm Luật PPP có hiệu lực, đến nay, có 10 dự án mới được phê duyệt chủ trương đầu tư, 14 dự án đang triển khai các bước chuẩn bị chủ trương đầu tư. Ngoài ra, 139 dự án PPP được triển khai trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực vẫn đang tiếp tục thực hiện hợp đồng. Nhìn chung, các dự án mới vẫn chủ yếu ở lĩnh vực giao thông. Tiến độ chuẩn bị của các dự án mới còn chậm, số lượng nhà đầu tư quan tâm dự án thông qua khảo sát vẫn còn hạn chế.
Có nhiều nguyên nhân khiến nhà đầu tư thiếu mặn mà với các dự án PPP trong 3 năm qua. Trong đó, “điểm nghẽn lớn nhất” là việc “chậm ban hành các văn bản hướng dẫn” - nhóm nghiên cứu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra trong Báo cáo “Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư tại Việt Nam hiện nay: rào cản và giải pháp” công bố mới đây. Điểm nghẽn này sẽ còn ảnh hưởng tới việc thực hiện các dự án PPP cả trong thời gian tới.
Cụ thể, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI, đại diện nhóm nghiên cứu, chỉ rõ, Luật PPP có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, nhưng phải đến cuối tháng 3/2021, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 28/2021/NĐ-CP7 quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP8 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP. Các văn bản hướng dẫn khác của Luật PPP cũng được ban hành khá chậm.
Ngày 23/11/2021, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg nhằm đẩy mạnh triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, trong đó đốc thúc các bộ, ngành ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có Bộ Giao thông Vận tải ban hành các thông tư hướng dẫn về đầu tư theo PPP đối với các dự án thuộc phạm vi quản lý của bộ mình. Một số lĩnh vực có nhu cầu đầu tư PPP như điện lực, xử lý chất thải vẫn chưa có văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ở cấp thông tư.
Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink Nguyễn Thanh Hà xác nhận, đang có tâm lý chờ đợi cho đến khi có khung pháp lý chi tiết hơn. Theo đó, mặc dù Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 đã nhất thể hóa các quy định hiện hành điều chỉnh hoạt động đầu tư PPP, nhưng các quy định hướng dẫn thi hành Luật và các quy định có liên quan vẫn nằm ở nhiều văn bản khác nhau, dẫn đến khó khăn trong thực hiện. Ngoài Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành mẫu Hợp đồng BOT kèm theo Thông tư số 09/2022/TT-BGTVT thì các bộ chuyên ngành khác vẫn chưa xây dựng xong và chưa chính thức ban hành các thông tư hướng dẫn cũng như mẫu Hợp đồng dự án PPP.
Cũng theo bà Nguyễn Thanh Hà, chính bởi việc thiếu hướng dẫn cụ thể thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và thiếu các mẫu hợp đồng đã làm giảm sự hấp dẫn của các dự án, khiến các nhà đầu tư chưa cảm thấy an tâm khi lựa chọn phương thức này - nguyên nhân khiến các dự án PPP khá vắng bóng thời gian qua.
Cần chia sẻ rủi ro nhiều hơn với khu vực tư nhân
Theo các chuyên gia, để Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư thực sự đi vào cuộc sống, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về PPP. Trước hết, các bộ chuyên ngành cần đẩy nhanh việc ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện dự án PPP ở từng lĩnh vực; hướng dẫn cụ thể việc soạn thảo các điều khoản của hợp đồng PPP, hồ sơ mời thầu, xây dựng tiêu chí chấm thầu và lựa chọn nhà đầu tư trong từng lĩnh vực.
Nhà nước cũng cần chia sẻ rủi ro nhiều hơn với khu vực tư nhân thông qua các biện pháp bảo lãnh và bảo đảm phù hợp với đặc thù về khả thi tài chính và thương mại của từng dự án. Trong quá trình chuẩn bị dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành khảo sát tham vấn thị trường để tìm hiểu nguyện vọng của các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng, qua đó, xây dựng các cấu trúc hợp đồng PPP phù hợp. “Nhà nước cần nhìn nhận bảo lãnh không phải là một ân huệ dành cho nhà đầu tư tư nhân, mà là một cơ chế thay thế cho việc đầu tư trực tiếp nhưng có hiệu quả chi phí tốt hơn”, nhóm nghiên cứu của VCCI đề xuất.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung xây dựng và hoàn thiện các Thông tư hướng dẫn về dự án PPP và các mẫu Hợp đồng dự án PPP, đặc biệt là các mẫu hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao) và O&M (kinh doanh - quản lý) - tiền đề rất quan trọng bảo đảm việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo, Luật sư Nguyễn Thanh Hà đề nghị, đối với lĩnh vực về năng lượng, môi trường, năng lượng tái tạo, nên đưa các quy định về khuyến khích đầu tư theo phương thức PPP trực tiếp vào các luật chuyên ngành.
Góp ý cụ thể, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, để bảo đảm tính ổn định của hợp đồng dự án PPP, tạo yên tâm cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, pháp luật về PPP cần phải ghi nhận nguyên tắc nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được bảo lưu và được hưởng các quy định có lợi hơn trong quá trình thực hiện hợp đồng như một nguyên tắc cốt lõi chi phối hợp đồng dự án PPP; có các quy định, cơ chế cho phép Nhà nước và nhà đầu tư được đàm phán, đưa các quy định cụ thể về nguyên tắc bảo đảm đầu tư, các nguyên tắc về bảo lưu, hưởng ưu đãi đầu tư vào trong Hợp đồng dự án.
Mặt khác, cần xem xét nới tỷ lệ vốn tham gia của Nhà nước trong các dự án PPP (hiện không vượt quá 50%); có quy định rõ ràng và nhất quán về phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư và bố trí nguồn vốn đầu tư; quy định rõ ràng về cơ chế, trách nhiệm hỗ trợ tài chính, thanh toán và chia sẻ rủi ro doanh thu… để góp phần thu hút nhà đầu tư vào các dự án PPP.