Vì sao nhiều doanh nghiệp châu Á đổ xô mua dầu từ Mỹ?
Chênh lệch cao giữa giá dầu Brent và giá dầu WTI sẽ giúp cho xuất khẩu dầu của Mỹ tăng lên mức cao, theo nhận định của chuyên gia.
Nhu cầu của doanh nghiệp châu Á với dầu Mỹ đang tăng lên khi mà cuộc khủng hoảng năng lượng đẩy giá dầu thô lên mức rất cao.
Theo Bloomberg, Trung Quốc và một số nước châu Á khác đã không ngừng mua dầu Mỹ giao tháng 11 và tháng 12, các nhà kinh doanh cho hay. Phần lớn các bên mua châu Á tranh thủ mua dầu Mỹ còn bởi lý do gần đây chính phủ Trung Quốc cấp phép nhập khẩu thêm hàng triệu tấn dầu thô.
Chênh lệch cao giữa giá dầu Brent và giá dầu WTI sẽ giúp cho xuất khẩu dầu của Mỹ tăng lên mức cao, theo nhận định của bà Elisabeth Murphy – chuyên gia phân tích về năng lượng tại quỹ ESAI Energy LLC tại Bắc Mỹ. Cho đến nay, dầu WTI giao dịch ở mức chênh 3USD so với dầu Brent tính từ tháng 8, mức chênh lệch này rất có lợi cho dầu Mỹ.
Nhu cầu của châu Á với dầu thô Mỹ tăng lên khi nhu cầu nhiên liệu tăng trở lại trước thềm mùa đông sắp tới. Ngoài ra, nguồn cung nhiên liệu hóa thạch giảm đi cũng khiến cho giá loại nguyên liệu này tăng lên.
Phiên giao dịch gần đây nhất, giá dầu Brent tăng vượ 85USD/thùng sau nhiều tháng sản xuất năng lượng của OPEC và các nước đồng minh suy giảm do đại dịch COVID-19. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Thái tử Abdulaziz bin Salman, vào tuần này đã tái khẳng định việc OPEC và nhóm nước đồng minh của họ cần phải có cách tiếp cận giúp tăng sản lượng.
Chuyên gia thuộc ESAI dự báo rằng ước tính khu vực châu Âu và châu Á sẽ cần thêm ước tính khoảng 700.000 thùng dầu/ngày trong mùa đông năm nay do việc nhiều doanh nghiệp chuyển từ khí đốt sang dầu. Khi mà giá dầu WTI thấp hơn giá dầu Brent, xuất khẩu dầu thô của Mỹ ngay trong tháng này ước tính từ 3,1 đến 3,2 triệu thùng/ngày, tăng so với con số 2,6 triệu thùng dầu/ngày của tháng trước.
Khi mà nước Mỹ chuẩn bị bước vào mùa đông giá rét, nhu cầu dầu Mỹ ở ngoài nước Mỹ tăng cao đồng nghĩa với sẽ có thêm sự cạnh tranh với dầu do nước Mỹ sản xuất. Hiện tại, cơn bão Ida đang khiến nguồn cung nội địa thu hẹp khoảng 30 triệu thùng dầu/ngày, sản xuất nhiều khả năng sẽ khởi động từ năm tới.
Phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá dầu tăng lên ngưỡng cao nhất trên 3 năm trên 85USD/thùng, nguyên nhân chính do những dự báo về khả năng thâm hụt nguồn cung trong vài tháng tới khi mà các biện pháp nới lỏng đi lại giúp cho nhu cầu dầu tăng lên.
Đóng cửa phiên, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tăng 1% lên 84,86USD/thùng. Giá dầu Brent giao hợp đồng tháng gần nhất leo lên mức cao nhất tính từ tháng 10/2018 là 85,10USD/thùng.
Như vậy giá dầu Brent hợp đồng thời hạn gần nhất tăng 3% trong tuần qua và như vậy ghi nhận tuần tăng thứ 6 liên tiếp.
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 97 cent tương đương 1,2% lên 82,28USD/thùng và nhiều khả năng có tuần tăng 3,5% và ghi nhận tuần tăng thứ 8 liên tiếp.
Nhu cầu với các sản phẩm năng lượng đã tăng chóng mặt cùng với sự phục hồi của đại dịch COVID-19, nhu cầu ngoài ra tăng bởi một số nhà máy phát điện đã chuyển từ sử dụng khí đốt và than đá đắt đỏ sang dầu thô và dầu diesel.
Nhà Trắng công bố sẽ gỡ bỏ các biện pháp hạn chế áp dụng thời kỳ COVID-19 với khách đã tiêm đủ hai mũi vắc xin, quy định mới sẽ có hiệu lực chính thức từ ngày 8/11.
Trong khi đó, việc dự trữ dầu tại Mỹ và nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giảm dự kiến cũng sẽ khiến cho nguồn cung hạn chế.
Chuyên gia phân tích cao cấp tại quỹ OANDA, ông Edward Moya, nhận định: “Sẽ cần đến những yếu tố sau mới có thể ngăn được giá dầu tăng cao: OPEC+ bất ngờ tăng sản lượng, thời tiết tại Bắc Bán cầu ấm áp hơn và nếu chính quyền Joe Biden sử dụng dự trữ xăng dầu chiến lược”.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào ngày thứ Năm dự báo tình trạng thiếu năng lượng sẽ vẫn đẩy nhu cầu dầu tăng cao thêm 500.000 thùng/ngày.
Chênh lệch cung cầu ước tính sẽ khoảng 700.000 thùng/ngày cho đến cuối năm nay cho đến khi OPEC và các nước đồng minh, vốn được biết đến với cái tên OPEC+ sẽ bổ sung thêm nguồn cung như kỳ vọng vào tháng 1/2022..
Trong tuần này, các công ty năng lượng Mỹ đã mở thêm các giếng dầu và khí đốt đến tuần thứ 6 liên tiếp khi mà giá dầu cao khiến cho thêm nhiều doanh nghiệp trở lại thị trường khai thác năng lượng.
Số lượng các giàn khoan dầu và khí đốt tại Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng, đã tăng thêm 10 lên 543 trong tuần kết thúc ngày 15/10 và hiện ở mức cao nhất tính từ tháng 4/2020, theo số liệu của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes trong báo cáo công bố ngày thứ Sáu.