Vì sao Philippines chưa có kho dự trữ dầu mỏ chiến lược?
Dự trữ dầu mỏ chiến lược là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với đa số các nước trên thế giới. Tuy nhiên, Philippines lại không có kho như vậy. Có lẽ đã đến lúc đảo quốc này nghĩ lại.
Thực tế, việc dự trữ dầu mỏ ở Philippines do các công ty tư nhân thực hiện. Điều đó khiến không ít người lo ngại về những nguy cơ mà Manila có thể phải đối mặt khi giá dầu tăng cao hoặc nguồn cung bị gián đoạn.
Vì vậy, gần đây, Bộ Năng lượng Philippines đã chỉ thị cho Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Philippines (PNOC), thuộc sở hữu Nhà nước, gấp rút nghiên cứu khả năng lập kho dự trữ dầu mỏ chiến lược trong bối cảnh đồng peso liên tục mất giá so với đồng bạc xanh của Mỹ và giá dầu có thể sẽ tiếp tục đi lên nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt trên thế giới. Tuy nhiên, công việc này đang vấp phải nhiều khó khăn cả về tài chính và cơ chế.
Một trong những mô hình mà PNOC đang nghiên cứu là của Cơ quan Dự trữ Dầu mỏ Hà Lan (COVA).
COVA là một tổ chức quốc gia độc lập của Hà Lan chịu trách nhiệm về dự trữ dầu chiến lược. Tổ chức trên nhân danh và được sự ủy quyền của Bộ trưởng Kinh tế Hà Lan để thực hiện việc mua, bán và dự trữ dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác trên cơ sở các yêu cầu của Cơ quan Năng lượng Quốc gia (IEA) và Liên minh châu Âu (EU). Chức năng của COVA là bảo đảm dự trữ bắt buộc về dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác theo các quy định của luật pháp với chi phí thấp nhất có thể.
Về cơ cấu tổ chức, COVA là một tổ chức phi lợi nhuận và được miễn thuế. Theo Luật Dự trữ Dầu mỏ năm 2012, Bộ trưởng Kinh tế Hà Lan bổ nhiệm các thành viên trong Ban Giám sát của COVA. Giám đốc Điều hành COVA do Ban Giám sát bổ nhiệm và chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động hàng ngày của tổ chức này, thực hiện chính sách mà Ban Giám sát đã thông qua.
Chủ tịch PNOC Reuben Lista cho biết, Chính phủ Hà Lan không dự trữ dầu mỏ nhưng yêu cầu tất cả các doanh nghiệp dầu mỏ trong nước phải phân bổ một tỷ lệ nhất định trong kho dự trữ của mình để phục vụ cho các tình huống khẩn cấp của quốc gia.
Đối với Philippines, ông Lista cho rằng các doanh nghiệp chủ chốt ở nước này, gồm Petron, Shell, Caltex và Phoenix, đều có các kho chứa lớn. Vì vậy, họ cần dành một tỷ lệ nhất định trong các kho chứa của mình phục vụ cho an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, nếu Philippines đi theo mô hình của Hà Lan, họ chắc chắn sẽ phải sửa luật hiện hành, bởi vì Manila đã dỡ bỏ cơ chế kiểm soát giá dầu mỏ từ năm 1998. Trước năm 1998, giá dầu mỏ ở Phillipines bị kiểm soát và ấn định bởi Ban Quản lý Năng lượng (nay là Ủy ban Quản lý Năng lượng). Hiện tại, giá dầu tăng hoặc giảm tùy thuộc vào quan hệ cung - cầu trong nước và các diễn biến trên thị trường thế giới.
Một phương án khác mà PNOC đang nghiên cứu là lập kho dự trữ dầu mỏ chiến lược riêng của Chính phủ. Theo Chủ tịch PNOC: “Nếu Quốc hội có thể phân bổ ngân sách cho việc trên, chúng tôi có thể xây dựng kho dự trữ dầu của riêng mình. Ở các nước khác, chính phủ có kho dự trữ dầu riêng”.
Tuy nhiên, kế hoạch đó có thể không khả thi vì đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn mà Manila không kham nổi. Một quan chức Bộ Năng lượng Philippines ước tính, dự trữ nhiên liệu có thể sẽ tốn khoảng 300 tỷ peso/năm, trong khi ngân sách nhà nước cấp cho Bộ năm 2015 chỉ là 700 tỷ peso.
Theo giới phân tích, trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn về cơ chế và tài chính, kế hoạch lập dự trữ dầu mỏ chiến lược ở Philippines có thể sẽ không thể thực hiện trong tương lai gần.