Vì sao suy thoái kinh tế do virus Corona gây ra có thể nguy hiểm và "đặc thù" chưa từng thấy?
Sự bùng phát của virus Corona trên toàn thế giới có thể dẫn tới một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu kiểu mới, nguy hiểm và độc đáo chưa từng thấy, ngân hàng Mỹ Morgan Stanley phân tích. Cú sốc 'nguồn cung' đang làm mọi thứ càng trở nên phức tạp, khiến các cuốn 'cẩm nang' về kinh tế trở thành vô giá trị.
Sự bùng phát của chủng mới virus Corona đã làm tê liệt toàn bộ các hoạt động chi tiêu kích cầu ở Trung Quốc, khiến các nhà máy tại đây ngừng hoạt động trên diện rộng gây tổn hại cho cả cung và cầu trong kinh tế của các siêu cường, gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế toàn cầu.
Thông thường thì trước tình hình thế này, các ngân hàng trung ương chỉ đơn giản dùng chiêu cắt giảm lãi suất là có thể thúc đẩy chi tiêu trở lại. Thế nhưng cuộc 'khủng khoảng nguồn cung' do virus cúm Corona gây ra đã làm phức tạp vấn đề hơn lên rất nhiều, theo đánh giá của ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley.
Hệ lụy từ việc dịch bệnh do virus Corona chủng mới gây ra đã dẫn tới những cảnh báo mới về suy thoái kinh tế toàn cầu. Điểm đáng chú ý mà các nhà kinh tế đang lo ngại là sự suy thoái kinh tế toàn cầu lần này sẽ có phiên bản độc nhất, chưa từng thấy trong lịch sử trước đây.
Sự bùng phát của dịch bệnh đã khiến kỳ vọng doanh thu của các công ty trong ngắn hạn giảm đi một cách rõ rệt, dẫn đến việc các nhà phân tích đưa ra các dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu bi quan hơn. Các chuyên gia kinh tế giờ đang cố gắng nhanh chóng đưa ra những dự đoán về nguy cơ và tổng thiệt hại mà bệnh dịch có thể gây ra, và xác định chính xác nơi nào trên thế giới sẽ bị tác động đầu tiên và nhiều nhất.
Các cuộc suy thoái trước đây thường xuất hiện khi chi tiêu của người tiêu dùng bị cắt giảm khiến các công ty có doanh thu kém hơn, dẫn tới một vòng xoáy nguy hiểm là cắt giảm việc làm, hoạt động mua hàng tụt giảm và kinh tế bị co thắt. Áp lực cung-cầu có thể tác động lẫn nhau, đặt các ngân hàng trung ương vào thế khó trong việc xoa dịu căng thẳng kinh tế, trước khi tác động tới đồng thời cả cung và cầu.
Nhưng điểm kỳ dị của virus Corona lại ở chỗ chúng tấn công cùng lúc vào cả cung lẫn cầu. Nhu cầu không được đảm bảo bởi nguồn cung từ Trung Quốc bị 'đóng băng' do ảnh hưởng của virus Corona đặt ra các mối nguy lớn trong ngắn hạn, báo cáo của Morgan Stanley hôm thứ Sáu tuần trước cảnh báo. Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết thêm rằng hoạt động tiêu dùng sẽ giảm mạnh trong các lĩnh vực như du lịch, giải trí và bán lẻ thuần túy.
Sự gián đoạn đối với các hoạt động sản xuất 'sẽ có tác động rộng lớn hơn đối với kinh tế toàn cầu thông qua tác động lan tỏa tới các chuỗi cung ứng toàn cầu', nhóm nghiên cứu do Chetan Ahya, nhà kinh tế trưởng của Morgan Stanley đứng đầu, cảnh báo.
Khởi điểm từ 'cú sốc nguồn cung'
Dữ liệu kinh tế mới nhất từ Trung Quốc cho thấy gián đoạn về nguồn cung còn lâu mới có thể kết thúc. Chỉ số về quản lý mua hàng giảm xuống còn 35,7 điểm trong tháng 2 từ mức 50 điểm của tháng trước đó cho thấy đây là mức thấp nhất kể từ năm 2004 đến nay.
Hoạt động sản xuất giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử khiến các công ty sản xuất nguyên liệu, vốn tập trung ở Trung Quốc không có nhiều hy vọng cho việc phục hồi nguồn cung, ít nhất trong thời gian trước mắt.
"Cú sốc nguồn cung' khiến các ngân hàng trung ương càng khó hơn để đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể hạ lãi suất chuẩn để khiến khích chi tiêu nhưng hoạt động thu mua dù có tăng cũng chả giúp được kinh tế khởi sắc khi mà các kho nguyên liệu của nguồn cung đã trống rỗng, Ryan Avent, chuyên gia kinh tế của tờ The Economist viết trong một bản tin ra ngày 25 tháng 2.
"Không quan trọng là bạn in thêm bao nhiêu lượng tiền mới để bơm vào túi người tiêu dùng bởi nếu không có cửa hàng nào mở cửa và chả có xe tải nào để cung cấp hàng thì người tiêu dùng sẽ mua được gì?", Avent viết.
Tuy nhiên, hầu hết các thị trường đều được dự đoán sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3 này, theo đánh giá của CME FedWatch. Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell hôm thứ Sáu tuần rồi tuyên bố rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất nếu sự bùng phát của dịch bệnh đặt ra các mối nguy thực sự nghiêm trọng.
Goldman Sachs thậm chí còn đi xa hơn khi dự báo trước cuộc họp tuần rồi rằng Fed có thể cắt giảm lãi suất tới 50 điểm cơ bản.
'Liệu pháp' vắcxin cúm
Việc nghiên cứu thành công một loại vắcxin cho cúm Corona chủng mới có thể giúp các nhà đầu tư vốn thở phào nhẹ nhõm, vắcxin cúm Corona chủng mới "sẽ là một yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tinh thần một cách hiệu quả và bền vững, Seema Shah, nhà kinh tế trưởng của Principal Global Investors viết trên blog cá nhân của mình hôm thứ Năm tuần trước.
Một số các công ty sinh học hiện đang gấp rút chạy đua để đưa vắcxin cũng như các phác đồ điều trị vào thử nghiệm và đến nay đã thu được một số kết quả khả quan.
Hôm 24/2 vừa rồi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các thử nghiệm hợp chất của hãng Gilead cho đến nay đã đạt được kết quả tốt nhất trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm cúm Corona chủng mới và đây có khả năng sẽ là loại thuốc hữu hiệu nhất để đối phó với dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh kết quả thử nghiệm vắcxin trên người ở Trung Quốc phải đợi đến tháng 4 tới mới có.
Do vậy, cho tới khi có được một giải pháp y tế chắc chắn được công bố, các thị trường hiện giờ vẫn đang bị 'đóng khung' trong 'một trò chơi có độ may rủi cực lớn', với nguy cơ suy thoái gia tăng trên toàn cầu, nhà kinh tế trưởng Seema Shah cho biết.
Virus Corona cho đến nay đã khiến hơn 3.000 người chết và lây nhiễm cho hơn 89.000 người. Tỷ lệ lây nhiễm virus ở Trung Quốc đã chậm lại trong những tuần gần đây, nhưng những đợt bùng phát mới ở Iran, Ý và Hàn Quốc có nguy cơ biến virus Corona chủng mới thành một đại dịch toàn cầu.