Vì sao tiền gửi vào nhà băng tiếp tục xu hướng tăng?
Gửi tiết kiệm vẫn đang là kênh trú ẩn an toàn trong thời gian chờ đợi đầu tư vào các kênh khác như chứng khoán, bất động sản… Lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng cao cũng cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn thấp và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trầm lắng.
Theo số mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.
Cuối tháng 10/2024 có 14,5 triệu tỷ tiền gửi
Đến hết tháng 8, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư đạt 6.924.889,15 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023. So với cuối tháng 7, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng thêm 86.475 tỷ đồng. Bình quân mỗi ngày trong tháng 8 có 2.882 tỷ đồng được gửi vào ngân hàng.
Trong khi đó, lượng tiền gửi tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế tính đến cuối tháng 8 đạt 6.838.341,69 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm 2023.
Xu hướng tăng tiền gửi tại ngân hàng tiếp tục diễn ra trong tháng 9 và 10. Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tổng tiền gửi tính đến cuối tháng 10 đạt 14,5 triệu tỷ đồng.
Mặc dù lượng tiền gửi liên tục tăng, song theo khảo sát của VnBusiness lại có sự phân hoá mạnh tại các nhà băng.
Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm của 29 ngân hàng, có 5 ngân hàng đạt mức tăng trưởng tiền gửi trên 10% là NCB, LPBank, MSB, Sacombank, MB; 21 nhà băng ghi nhận tăng trưởng tiền gửi từ 2-9% và 3 ngân hàng ghi nhận số dư tiền gửi giảm.
Cụ thể, NCB ghi nhận mức tăng lớn nhất với 17,6% lên 90.355 tỷ đồng. Tiếp đó là LPBank với tổng tiền gửi khách hàng đạt 271.303 tỷ đồng, tăng 14%.
Tuy nhiên, đà tăng nhanh vẫn không giúp 2 ngân hàng trên lọt vào top 10 trong bảng xếp hạng tiền gửi ngân hàng trong quý III/2024.
Cụ thể, "ông lớn" BIDV vẫn đứng đầu bảng với với 1,87 triệu tỷ đồng tiền gửi, tăng 10%.
Tiếp đến là VietinBank, với tổng tiền gửi khách hàng tăng 7,5%, lên 1,5 triệu tỷ đồng; Vietcombank với tổng tiền gửi tăng 2,5% lên gần 1,43 triệu tỷ đồng.
Tại nhóm ngân hàng tư nhân, MB tiếp tục giữ vị trí cao nhất, đứng thứ 4 sau nhóm quốc doanh với tổng tiền gửi tăng 11% lên 627.567 tỷ đồng. Theo sau là Sacombank với 566.724 tỷ đồng tiền gửi, tăng 11%.
Những cái tên đứng sau nữa là ACB (512.124 tỷ đồng), Techcombank (494.954 tỷ đồng), VPBank (475.782 tỷ đồng), SHB (471.799 tỷ đồng)…
Ở chiều ngược lại, tính đến hết tháng 9, 3 ngân hàng ghi nhận số dư tiền gửi giảm so với đầu năm là SaigonBank, PVcomBank, và ABBank. Trong đó, SaigonBank giảm nhẹ, còn PVcomBank và ABBank giảm lần lượt 2% và 9% xuống còn 91.090 tỷ đồng.
Chờ cơ hội đầu tư vào các kênh khác?
Lý giải việc tiền gửi tiết kiệm vẫn tiếp tục đổ vào ngân hàng, các chuyên gia tài chính cho rằng thực trạng trên cho thấy gửi tiết kiệm vẫn đang là kênh trú ẩn an toàn trong thời gian chờ đợi đầu tư vào các kênh khác như chứng khoán, bất động sản…
Đặc biệt là giá vàng biến động quá lớn. Kể từ đầu năm đến nay, giá vàng quốc tế tăng đến hơn 50%. Nếu đầu tư thì vô cùng rủi ro. Còn để tích trữ vàng, người dân thường chỉ mua khi giá mặt hàng này ổn định.
Đồng thời, theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng cao cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn thấp, nợ xấu có xu hướng gia tăng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trầm lắng.
Mặt khác, lãi suất huy động cũng đã nhích lên kể từ tháng 4 trở lại đây. Hiện tại, lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân niêm yết phổ biến ở mức 5 -5,8%/năm cho kỳ hạn gửi 12 tháng. Còn kỳ hạn 6 - 9 tháng, lãi suất tiền gửi niêm yết là 4,5 - 4,8%/năm.
"Do đó, người dân vẫn chọn kênh tiết kiệm để đảm bảo an toàn vốn, chờ đợi cơ hội kinh doanh rõ ràng hơn,” ông Hiếu nhận định.
Các chuyên gia cho rằng bắt đầu từ ngày 20/11, Thông tư 48 của NHNN sẽ có hiệu lực, quy định các tổ chức tín dụng không được phép khuyến mại tiền gửi dưới bất kỳ hình thức nào nếu không tuân thủ quy định pháp luật. Các ngân hàng cũng phải niêm yết công khai lãi suất tại các điểm giao dịch và trên website.
Theo các chuyên gia, các quy định này sẽ bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, tăng cường tính minh bạch và góp phần ổn định lãi suất trong hệ thống ngân hàng. Đồng thời, các ngân hàng sẽ phải điều chỉnh chiến lược, cạnh tranh mạnh mẽ hơn, thậm chí sẽ tăng lãi suất để thu hút khách hàng.
Bên cạnh yếu tố tăng lãi suất huy động, trong năm nay, việc đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá như huy động trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi… ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường nguồn vốn kinh doanh của các ngân hàng, đặc biệt khi đây là nguồn vốn trung và dài hạn có chi phí đầu vào hợp lý, nên không ít tổ chức tín dụng đã tích cực tận dụng kênh huy động vốn này.
Điển hình, trong 10 tháng đầu năm, ACB đã huy động xấp xỉ 20.000 tỷ đồng trái phiếu; OCB đang vay các trái chủ 22.800 tỷ đồng; Còn HDBank đã huy động hơn 20.300 tỷ đồng trong 10 tháng…
Các chuyên gia cho rằng thời điểm này là cơ hội cho các nhà băng tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn, tối ưu hóa dòng vốn, giảm chi phí, góp phần tác động tích cực lên lợi nhuận. Thế nhưng, tiền gửi cũng chỉ là một kênh để “bảo toàn vốn” trong bối cảnh thị trường khó khăn. Dự báo kinh tế sẽ khởi sắc trong năm 2025, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản có dấu hiệu phục hồi, xu hướng dòng tiền đổ xô vào gửi tiết kiệm sẽ khó duy trì.